Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, những năm vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) và các cơ quan, doanh nghiệp đã cố gắng thực hiện quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa và các công việc bảo trì khác đã đạt được các kết quả tích cực trên hệ thống quốc lộ, hệ thống quốc lộ đã được duy trì phục vụ tốt cho giao thông an toàn, thông suốt; chất lượng phục vụ của đường ngày càng tốt lên; hệ thống thoát nước được sửa chữa, bổ sung; tài sản kết cấu hạ tần được bảo quản chặt chẽ, thời hạn khai thác kéo dài; ứng dụng KHCN, vật liệu mới, tiên tiến được đẩy mạnh.
Cụ thể, chiều dài đường rải bê tông nhựa tăng từ 48% năm 2015 đến năm 2021 đạt 69% (hết năm 2022 tỷ lệ này sẽ đạt trên 70%); hàng nghìn Km đã QL mặt đường hẹp đã được gia cố lề, mở rộng đường; trên 40 điểm QL ngập tại Tây Nam bộ đã được sửa chữa, nâng cao độ trên mực nước ngập đảm bảo giao thông thông suốt; Hàng trăm điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đã được sửa chữa, khắc phục; Khoảng trên 8000 km quốc lộ đã được sửa chữa, tăng cường lớp áo đường trong giai đoạn 2015-2022; Gần 10.000 km rãnh thoát nước đã được sửa chữa, gia cố hoặc bổ sung; hàng nghìn cống ngang đã được sửa chữa, thay thế, mở rộng tăng khẩu độ thoát nước; Hàng chục tràn, ngầm trên các quốc lộ ở vùng xa đã được sửa chữa. Về công trình ATGT đã sửa chữa, bổ sung hàng nghìn Km hộ lan, hàng vạn cọc tiêu, biển báo, hàng chục vị trí xây dựng đường cứu nạn và các công trình ATGT khác đã được sửa chữa góp phần bảo đảm ATGT.
Cũng tại hội nghị, một số nhà quản lý, nhà thầu và các đơn vị khai thác đường bộ đã nêu lên những khó khăn trong tổ chức quản lý bảo trì, khai thác và sửa chữa hạ tầng đường bộ, song các tham luận đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như: cải cách bộ máy tổ chức, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý bảo trì hạ tầng cầu, đường bộ...
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN, bảo đảm chất lượng công trình đường bộ là vấn đề sống còn của ngành Đường bộ, do đó các nhà thầu, nhà quản lý cần có sự thay đổi về tư duy làm sao để nâng cao chất lượng cầu, đường; đảm bảo an toàn trên toàn hệ thống quốc lộ; bên cạnh đó phải có sự phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; đồng thời rà soát công tác bảo trì để phân cấp phù hợp, từ Cục, Khu đến các Sở GTVT nhằm duy trì giao thông êm thuận, an toàn thuận tiện cho người dân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.