Chất lượng vận tải “thay da đổi thịt”, nhờ đâu?

Tác giả: Thảo Ly

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 21/11/2022 09:41

Nhiều chuyển biến tích cực sau khi quy định lắp camera giám sát đạt chuẩn trên phương tiện kinh doanh vận tải được đi vào thực hiện.


Chất lượng vận tải “thay da đổi thịt”, nhờ đâu?  - Ảnh 1.

Việc lắp đặt camera giám sát hành trình mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý . Ảnh minh họa

Doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn

Theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (có hiệu lực thi hành từ 1.4.2020), trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.

Sau hơn 1 năm triển khai, quy định này đã nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước bởi đây là một giải pháp quan trọng giúp việc quản lý, ngăn ngừa và xử lý sai phạm diễn ra tốt hơn.

Ông Nguyễn Trọng Khánh - Giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam bày tỏ, việc lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đã khiến các tài xế có ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông. Trước đây, khi chưa có camera giám sát, trong quá trình điều khiển phương tiện, tài xế vẫn hay có thói quen dùng điện thoại, hay quên đeo dây an toàn, chở hàng hóa…

"Nay thì không dám nữa rồi, camera giám sát 24/24h. Nếu như lái xe vi phạm là có bộ phận giám sát ở nhà nhắc nhở ngay. Ngoài ra, trên đường đi nếu gặp sự cố không may xảy ra thì chính nhờ camera giám sát mới có thể xác định được nguyên nhân", ông Khánh nói.

Nói về những lợi ích khi lắp đặt camera giám sát, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt Lào Cai), cho biết: Kể từ ngày lắp đặt camera giám sát hành trình, việc quản lý lái xe của công ty cũng dễ dàng, đơn giản hơn. Cán bộ điều độ chỉ việc ngồi ở máy tính công ty có thể nắm được tất cả thông tin: hoạt động, tốc độ, buồng lái… của tất cả các xe. Các lái xe cũng ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy của công ty khi tham gia giao thông trên đường.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, đến nay, phần lớn doanh nghiệp vận tải đã lắp camera đúng Tiêu chuẩn (TCVN13396) đã được Bộ Khoa học & Công nghệ công bố.

"TCVN-13396 quy định cụ thể đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ và quy định về thử nghiệm, đánh giá thiết bị. Nhờ vậy, lái xe không lơ là việc đeo dây đai an toàn; không nghe điện thoại như trước kia. Điều thể hiện rõ nhất là ở trên khoang hành khách không có hàng hóa. Sau khi kết nối vào dữ liệu trên hệ thống, nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật", bà Hiền chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Cục Đường bộ VN, thông qua hình ảnh trích xuất từ camera giám sát, các cơ quan chức năng đã kịp thời tố giác, phanh phui rất nhiều vụ việc được xã hội quan tâm như: sàm sỡ trên xe buýt, hành hung, cướp giật….góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ATGT trên mỗi chuyến xe.

Áp dụng AI cho camera cho xe kinh doanh vận tải

Theo báo cáo của Vụ ATGT, Bộ GTVT, 9 tháng đầu năm 2022, trên toàn quốc đã có khoảng 190.000 xe đã lắp đặt camera và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN trên tổng số khoảng 205.000 xe phải lắp camera (đạt 95%).

Việc lắp camera giám sát hành trình đã giúp doanh nghiệp và cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động trên xe; đồng thời, có được dữ liệu thông tin cần thiết để sử dụng, trích xuất khi cần xác minh lại sự việc liên quan.

Để góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về vận tải, ngày 19/10 vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các Sở GTVT đánh giá về giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Qua kiểm tra, hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã chủ động phát hiện tình trạng hình ảnh không đạt chất lượng, lái xe sử dụng điện thoại, không đeo khẩu trang, không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện gây nguy hiểm cho hành khách, người tham gia giao thông cũng như chính lái - phụ xe.

Theo đánh giá, việc áp dụng AI trên camera giám sát trong thời gian tới tiếp tục là bước thay đổi quan trọng hỗ trợ đắc lực trong việc quản lý, đảm bảo an toàn, giữ vững an ninh trật tự trên xe, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.

Trước đó, làn sóng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 giữa các tỉnh thành chủ yếu qua đường bộ, đặc biệt lây nhiễm qua hành khách và lái/phụ xe đường dài, gây tổn hại lớn đến kinh tế - xã hội. Hàng loạt các tỉnh - thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng… xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh đến mức phải khởi tố.

Để khắc phục tình trạng này, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh đã sử dụng công nghệ AI và chủ động cung cấp miễn phí chức năng "Di chuyển an toàn" cho một số doanh nghiệp vận tải. Công nghệ AI kết nối với các camera trực tuyến trên phương tiện vận tải, đưa ra thông báo nếu hành khách hay nhân viên trên xe không đeo khẩu trang hay quá giới hạn ngưỡng an toàn về giãn cách và mật độ trên xe. Các cảnh báo tự động gửi tới doanh nghiệp vận tải, lái xe và phụ xe.

Bình Anh đã chủ động triển khai cho cho gần 1.000 đầu xe vận tải khách. Kết quả đã giảm khoảng 3 lần số người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách (từ 23% xuống còn khoảng 6-7%).

Gỡ nút thắt lắp camera trên xe kinh doanh vận tải
Trước khi Tiêu chuẩn về camera giám sát được ban hành, việc lựa chọn loại camera đáp ứng pháp lý và chất lượng là rất khó. Doanh nghiệp vận tải phải đọc nhiều văn bản pháp luật liên quan với những vấn đề kỹ thuật phức tạp, rồi tự đánh giá cả chục tiêu chí.
Vì thế, doanh nghiệp vận tải đành phải tin lời nhà cung cấp “quảng cáo” như: thiết bị chất lượng tốt, đã phù hợp với Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Gỡ khó cho doanh nghiệp, ngày 4/11/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ GTVT, Bộ Công an ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396 về camera giám sát hành trình.
Kể từ đó, các đơn vị tải đều lựa chọn các thiết bị được cấp Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396, đảm bảo chất lượng và tính pháp lý và hoàn thành lắp trước 31/12/2021.
Ý kiến của bạn

Bình luận