Châu Á “đáp trả” chiến lược thương mại của Mỹ

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 08/03/2018 09:06

Donald Trump đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không cam kết gì nhiều trong quá trình thương mại hóa toàn cầu.

chaua_rwto

Hoa Kỳ sẽ không cam kết gì nhiều trong quá trình thương mại hóa toàn cầu. Ảnh: PanAm Post

Nhưng có thật là nước Mỹ chỉ muốn "chơi cuộc chơi" hưởng lợi một mình thay vì chia sẻ các lợi ích kinh tế? Và, liệu Tổng thống Donald Trump có thực hiện được điều mà mình đã nói ra?

Sức ép từ nền kinh tế nội địa Hoa Kỳ

Nước Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn, mạnh mẽ và năng động nhất thế giới nhưng đã có dấu hiệu sụt giảm so với cách nay một vài thập niên. Thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo trong thời gian qua là minh chứng cho dấu hiệu này. Theo ông Joergen Oerstroem Moeller - giáo sư (GS) Trường Kinh doanh Copenhagen và Đại học Quản lý Singapore - viễn cảnh kinh tế Mỹ không có gì sáng sủa lắm có thể thúc đẩy ông Trump quyết đoán hơn trong việc rời khỏi "cuộc chơi kinh tế toàn cầu".

Ông Trump đã biến việc cam kết ồn ào trong chiến dịch tranh cử của mình thành hành động cụ thể. Đó là rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Việc ông Trump rút khỏi TPP chưa gây ảnh hưởng gì vì mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn cam kết, chưa đi vào hoạt động cụ thể. Còn việc thương lượng lại NAFTA chỉ đem lại hệ quả kinh tế rất hạn hẹp thay vì biến thành mối đe dọa đối với Canada.

Từ năm 2010, tăng trưởng kinh tế hằng năm của Mỹ không còn mạnh mẽ, trung bình 2,16%/năm. Dù tỷ lệ thất nghiệp giảm mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua (hiện nay là 4,1%) nhưng tỷ lệ có việc làm trên tổng số dân chỉ còn 60,1%, sau khi đạt đỉnh gần 67% cách nay 15 năm. Tuy nhiên, con số 60,1% cũng chưa đạt chất lượng vì những người có việc làm không thỏa mãn các tiêu chí theo quy định về thị trường lao động Mỹ. Nếu bỏ đi số người này thì tỷ lệ người thất nghiệp tăng gấp đôi.

Trong khi đó, nợ của nước Mỹ ngày càng tăng do vay mượn dành cho tiêu dùng quá nhiều từ các hộ gia đình, do thâm hụt ngân sách từ các cơ quan chính quyền của Liên bang nên phải tăng các khoản vay để thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế khiến gia tăng gánh nặng lãi suất. Tính riêng năm tài chính 2017, gánh nặng lãi suất ròng đã chiếm 1,4% GDP của nước Mỹ.

Theo Ủy ban Ngân sách Quốc hội Mỹ, chi tiêu trung bình hằng năm cho các dự án sẽ tăng 2,2% trong giai đoạn 2018 - 2027, giai đoạn tiếp theo là 3,4%, tức chiếm đến 12% ngân sách Liên bang vào đầu năm 2020, và đạt đỉnh 18 - 20% vào giữa năm 2030. Việc tìm nguồn tiền cho các khoản chi tiêu này là một thách thức lớn đối với nước Mỹ.

Theo GS. Joergen Oerstroem Moeller, tất cả những điều trên chính là nền tảng cho lý do mà ông Trump quyết tâm đưa việc làm về nước Mỹ và có quan điểm bảo thủ đối với toàn cầu hóa, ưu tiên cho nước Mỹ trước nhất.

Chiến lược đối phó từ các châu Á

Các nước châu Á và Đông Nam Á không mấy hứng khởi với những tuyên bố của ông Donald Trump khi chính nước Mỹ đã hưởng lợi rất nhiều từ quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là các nước châu Á phải làm thế nào để bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị của mình trong khi đối mặt với việc "rút lui" khỏi cuộc chơi từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

GS. Joergen Oerstroem Moeller nhấn mạnh, các nước châu Á có thể "đáp trả” chính sách của nước Mỹ xoay quanh hai trục chính, cho dù ông Trump và các cố vấn Nhà Trắng không lường hết những chính sách thương mại của mình đang làm suy yếu an ninh kinh tế và chính trị toàn cầu, kể cả gây tổn hại cho uy tín nước Mỹ.

Đầu tiên, châu Á cần làm cho giới lãnh đạo Mỹ thấy những lợi ích đầu tư thương mại toàn cầu, thậm chí, ngay cả khi nước Mỹ kết luận rằng hiện đang hưởng lợi ít nhất. Chính nước Mỹ đã thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa và đã cùng nhiều nước xây dựng thành công hệ thống luật pháp về thương mại theo hướng các bên cùng có lợi, buộc cả thế giới tuân thủ. Vì thế, nếu người Mỹ quay lưng với toàn cầu hóa đồng nghĩa từ bỏ vai trò dẫn dắt thế giới.

Điều tiếp theo phải cho nước Mỹ thấy, thế giới đang hướng đến cấu trúc kinh tế khu vực (regional economic structure). Chuỗi cung ứng toàn cầu không còn vượt trội mà đang dần bị thay thế bằng chuỗi cung ứng khu vực và kết nối khu vực. Không nơi nào thể hiện điều này rõ ràng hơn các nước châu Á bằng việc xây dựng chuỗi cung ứng được thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc.

Tiến trình này đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ mà các nước châu Á vẫn sẽ hưởng lợi lớn với những lợi ích khu vực đan xen và vẫn duy trì nền tảng quan trọng cho khung thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Điều nhìn thấy rõ nhất là 11 nước trong khu vực Thái Bình Dương vẫn tiếp tục đàm phán TPP với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mặc dù nước Mỹ rút lui, nhưng vẫn để ngỏ khả năng cho họ suy tính lại có tiếp tục tham gia hay không.

Trong một bối cảnh khác, Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) giữa 10 nước Đông Nam Á và 6 nước khác là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand là một nỗ lực đa phương nhằm cải cách thương mại và nâng cao tiềm năng tăng trưởng của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu nhằm chống lại việc rút lui khỏi nền kinh tế toàn cầu của Mỹ.

Ông Peter Drysdale - giáo sư chính sách công Đại học Quốc gia Úc nhìn nhận, xét về GDP, chỉ cần tính ba nước gồm Trung Quốc, Nhật và Ấn Độ đã tạo ra sức mạnh kinh tế ngang ngửa với Mỹ và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng cao trong dài hạn, đủ sức thách thức nền kinh tế số 1 thế giới. Điều đặc biệt, RCEP không đơn thuần như các hiệp định tự do thương mại khác là nó được cấu trúc để dễ dàng kết nạp các đối tác khác, tạo ra sự hợp tác rộng mở - một yếu tố chính yếu trong việc xây dựng năng lực cải cách kinh tế và tăng cường sự phát triển của khu vực.

Ý kiến của bạn

Bình luận