Châu Á hưởng lợi từ chiến tranh thương mại chỉ là sự ảo tưởng?

Tác giả: thị trường

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 06/12/2018 14:35

Doanh nghiệp châu Á hưởng lợi một phần nếu sản xuất Trung Quốc dịch chuyển sang nước họ, nhưng họ sẽ mất nhiều hơn nếu doanh nghiệp Trung Quốc ngừng mua hàng

thuongmaigettyimages1_jjin

Ảnh: GettyImages

Người ta thường có xu thế hưởng lợi từ nỗi khổ của người khác, chính vì vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi mà một số nước đang băn khoăn về việc liệu họ có hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Theo báo Nikkei, trên thực tế, giả thuyết cho rằng xung đột sẽ tạo ra kẻ thắng và người thua đặc biệt đang phổ biến khắp châu Á, nhất là trong nhóm các đối thủ xuất khẩu của Trung Quốc. Thế nhưng điều này không hẳn đã đúng.

Quan điểm đó không chỉ sai mà còn nguy hiểm bởi nó sẽ khiến cho các nền kinh tế nhỏ tại châu Á khó gắn kết với nhau và khiến cho Washington và Bắc Kinh khó hạ nhiệt cuộc chiến hơn.

Quan điểm chiến tranh thương mại tạo ra nhiều kẻ thắng khá hấp dẫn. Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã tăng thuế với khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Mỹ vẫn có kế hoạch sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu khoảng thời gian 90 ngày “đình chiến” sắp tới đây không mang lại kết quả. 

Có quá nhiều cách để thương  mại có thể được điều chỉnh sang các nền kinh tế khác tại châu Á khi mà Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu, khởi đầu với việc dịch chuyển các nhà cung cấp. Doanh nghiệp Mỹ mua hàng điện tử Trung Quốc có thể chuyển sang mua của Malaysia hoặc Đài Loan.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng có thể chuyển hướng. GoerTek, một công ty chuyên sản xuất tai nghe không dây cho Apple, sẽ sớm thông báo chuyển sản xuất sang Việt Nam khi họ dự báo nhiều hơn về khả năng thuế tại Mỹ sẽ tăng lên.

Xung đột thương mại đang tác động đến lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD bao lâu nay vẫn dịch chuyển theo hướng cũ. Xuất khẩu đậu tương của Braxin đã tăng chóng mặt trong năm qua sau khi phía Trung Quốc áp thuế cao hơn với sản phẩm đậu tương từ Mỹ. Trong dài hạn, các nhà sản xuất có thể thay đổi quyết định đầu tư, xây nhà máy tại nhiều nơi khác ở châu Á chứ không chỉ Trung Quốc. 

Thế nhưng ý tưởng cho rằng xu thế trên có thể biến một số nước từ kẻ thua thành kẻ thắng trong chiến tranh thương mại không phải thực sự chính xác.

Gần đây, Nomura công bố một nghiên cứu, theo đó Malaysia có thể coi như nước hưởng lợi nhiều nhất khi doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm nhà cung cấp mới, còn Việt Nam có thể coi như đối tượng hưởng lợi quan trọng nhất từ các quyết định đầu tư trong trung hạn. Thế nhưng tại Malaysia, gần một nửa sự hưởng lợi chỉ có được trong duy nhất một lĩnh vực, đó là khí đốt, và tối đa cũng chỉ tương đương đến 3% GDP.

Thế nhưng những thành công nho nhỏ trên cần phải được so sánh với sự thiệt hại nói chung. Những nước được xếp vào nhóm hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại cũng chính là nhóm phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất, chính vì vậy họ cũng dễ chịu tổn thương khi mà kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại - điều chắc chắn xảy ra khi chiến tranh thương mại căng thẳng hơn. 

Ở thời điểm năm 2017, tỷ lệ thương mại/GDP của Malaysia ở mức 136% GDP còn con số này tại Việt Nam lên đến 200%. Thật khó có thể tin rằng một nền kinh tế có độ mở lớn lại có thể hưởng lợi khi mà việc thuế được điều chỉnh tăng cao trở thành bình thường.

Ngoài ra, nhiều người cũng đang hiểu nhầm về việc đối đầu thương mại sẽ tác động thế nào đến những nền kinh tế hiện đại có kết nối với nhau. Nhiều thập kỷ toàn cầu hóa đồng nghĩa với việc thương mại diễn ra ở những sản phẩm trung gian chứ không phải sản phẩm cuối cùng như máy giặt hay tivi. 

Trên lý thuyết, toàn cầu hóa cho phép một số mảng trong ngành sản xuất có thể dịch chuyển nhanh chóng. Thế nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc đối đầu thương mại nhiều khả năng gây gián đoạn cả chuỗi cung ứng, và tác hại khó có thể dự đoán trước được.

Phần lớn các chuỗi cung ứng đang chuyển hàng hóa sang bán tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu hoặc Nhật. Việc tiêu dùng tại các nước này sụt giảm sẽ ngay lập tức tác động đến các nhà sản xuất tại châu Á. Doanh nghiệp châu Á có thể hưởng lợi một phần nếu sản xuất Trung Quốc dịch chuyển sang nước họ, thế nhưng họ sẽ mất nhiều hơn nếu doanh nghiệp Trung Quốc ngừng mua hàng hóa của họ.

Ý kiến của bạn

Bình luận