Trí tuệ nhân tạo dần thay thế lao động chân tay |
Khái niệm “công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghiệp Hannover diễn ra ở Đức năm 2011, với ý nghĩa thông minh hóa quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 khai mạc tại TP. Davos-Klosters của Thụy Sĩ với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã đưa ra một định nghĩa rộng hơn cho khái niệm "công nghiệp 4.0" của Đức. Theo định nghĩa, "công nghiệp 4.0" là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS). Hiện nay, công nghiệp 4.0 đã trở thành làn sóng toàn cầu, có thể thay đổi hoàn toàn cách sống, làm việc và quan hệ với nhau của nhân loại.
Sự ra đời của khái niệm này tại Đức đã khiến các nước tiên tiến khác trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu đẩy mạnh phát triển theo xu hướng này nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, bắt đầu từ việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Châu Âu tăng cường phát triển eSkills
Năm 2012, Ủy ban châu Âu (EC) xác định 6 vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có 3 vấn đề liên quan trực tiếp đến cách mạng công nghiệp 4.0, gồm: Công nghệ chế tạo tiên tiến, công nghệ chủ chốt (pin, vật liệu thông minh, quy trình sản xuất hiệu suất cao), mạng lưới thông minh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Năm 2013, EC đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất sạch. Liên minh châu Âu (EU) cũng khuyến khích các nước thúc đẩy phát triển kỹ năng eSkills để tăng lượng lao động công nghệ thông tin (CNTT) bằng cách tạo ra mối quan hệ đối tác đa phương hay còn gọi là liên minh công việc kỹ thuật số, đồng thời tăng tính hấp dẫn của việc giáo dục CNTT và truyền thông (ICT), phù hợp hơn với nhu cầu của ngành Công nghiệp.
Ngoài ra, Hội đồng châu Âu cũng đã kêu gọi các nước đổi mới kỹ thuật số và điều khiển dữ liệu trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Phần lớn các khoản tài trợ từ Quỹ kiến trúc và Đầu tư châu Âu (ESIF) được dùng để hỗ trợ giáo dục CNTT và đào tạo nghề. Chiến lược “thị trường Kỹ thuật số tập trung” của EC được kỳ vọng sẽ giải quyết quyền sở hữu dữ liệu và khả năng tương tác trong truyền thông giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, máy móc với máy móc.
Đến năm 2014, EC đã tuyên bố công nghệ kỹ thuật số (bao gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn, các ứng dụng Internet công nghiệp mới, các nhà máy thông minh, robot và in ấn 3D) là rất cần thiết để tăng năng suất lao động của châu Âu thông qua việc xác định lại mô hình kinh doanh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Đồng thời, EC đã lập ra diễn đàn “Chính sách chiến lược về doanh nghiệp kỹ thuật số” nhằm tập trung vào việc chuyển đổi kỹ thuật số cho ngành Công nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp châu Âu nói riêng.
Đức phát triển các nhà máy thông minh
Là nơi khởi nguồn của khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0”, Đức cũng là quốc gia tiên phong xây dựng kế hoạch hành động “Chiến lược công nghệ cao đến năm 2020”, xác định 10 dự án trong tương lai, trong đó có công nghiệp 4.0. Dự án công nghiệp 4.0 đầu tư kinh phí lên tới 200 triệu EUR được thực hiện trong khoảng 10 - 15 năm, trong đó tập trung phát triển các “nhà máy thông minh”, dựa trên những thế mạnh của Đức trong lĩnh vực cơ khí.
Ở Đức, các nhà sản xuất thường kết hợp với các trường đại học để phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, một số hãng ô tô ký hợp đồng liên kết với Viện Nghiên cứu Cơ khí, Trường Đại học Tổng hợp tự do Berlin. Tại đây, các giáo viên, kỹ sư của Viện sẽ nghiên cứu khắc phục, sửa chữa ô tô bằng máy in 3D, qua đó giảm tối đa thời gian và chi phí sửa chữa. Các học viên cao học được trực tiếp quan sát và tham gia vào quá trình này. Quá trình này giúp các sinh viên, nhà nghiên cứu của Viện có thêm kinh nghiệm thực tế và các hãng sản xuất ô tô tiết kiệm được chi phí, đồng thời cho ra sản phẩm chất lượng ngày càng tốt hơn. Các hãng sản xuất ô tô sẽ trích một phần lợi nhuận để trả cho Viện, nhờ đó mà Viện có khả năng trả cho các nghiên cứu viên, nhà giáo của trường đại học một mức lương cao hơn so với mức thu nhập trung bình của người Đức. Các luận văn tốt nghiệp của sinh viên tại Viện đều được xây dựng dựa trên những bài học thực tế nên có tính ứng dụng cao.
Đại diện của Viện Nghiên cứu cho biết, Chính phủ Đức chỉ cấp chi phí cơ sở vật chất ban đầu và chi phí giảng dạy sinh viên, các trường sẽ phải tự trang trải các chi phí khác thông qua việc hợp tác với các hãng sản xuất. Những khoản lợi nhuận thu được từ việc hợp tác với các hãng sau khi trừ một số chi phí hợp lý (tiền lương, khấu hao máy móc, vật liệu…) nếu sử dụng để tái đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật đầu ngành sẽ được tính thuế ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó, nhà trường được tự chủ về định hướng phát triển khoa học để tạo ra kinh phí hỗ trợ các nghiên cứu khoa học mũi nhọn và được phép bán kết quả nghiên cứu để có kinh phí tái tạo chất xám.
Anh đào tạo lại 01 triệu lao động
Không nằm ngoài xu thế, mới đây Chính phủ Anh công bố sẽ đào tạo lại 01 triệu người hiện đang làm trong lĩnh vực công nghiệp trong vòng 5 năm tới, nhằm phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0. Anh sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực như: Robot tự động trong sản xuất, trí tuệ nhân tạo, trao đổi dữ liệu công nghệ sản xuất…
Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế lớn như: Siemens, IBM, Cisco, John Lewis và GlaxoSmithKline... Giới doanh nghiệp Anh khẳng định, việc đào tạo nguồn nhân lực cần có sự chung tay của Nhà nước và tư nhân. Chính phủ Anh cần chi ngân sách cho những sáng kiến tài chính đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, hỗ trợ cho các hệ thống mạng kết nối kỹ thuật số, tăng cường nhận thức về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu…
Bên cạnh đó, giới doanh nghiệp đề xuất Chính phủ Anh thành lập Ủy ban Quốc gia giám sát các hoạt động liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng những chiến dịch đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về tác dụng to lớn mà công nghệ kỹ thuật số mang lại trong hoạt động sản xuất.
Ông Juergen Maier - Tổng giám đốc điều hành của Siemens UK nhận định, vấn đề kinh phí phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc cam kết ủng hộ dài hạn của Chính phủ để chương trình này có thể phát triển đúng hướng
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.