Ngay khi bạn đọc bài viết này, bạn sẽ cần hiểu rằng, sự trôi dạt của các lục địa đều do sự dịch chuyển và va chạm của các mảng kiến tạo gây ra. Theo Wikipedia, trôi dạt lục địa là sự chuyển động tương đối của các lục địa với nhau trên Trái Đất. Lý thuyết trôi dạt lục địa được Alfred Wegener đưa ra lần đầu tiên năm 1912 và tồn tại cho đến khi nó được thay thế bởi lý thuyết kiến tạo mảng.
Như vậy, hoạt động kiến tạo và dịch chuyển của Trái Đất luôn diễn ra liên tục. Điều này dẫn tới sự thay đổi vị trí của các lục địa qua từng năm, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn năm.
Theo tin trên trang BBC, lục địa Châu Đại Dương hoặc Châu Úc nằm trên mảng kiến tạo lục địa có tốc độ dịch chuyển nhanh nhất. Lục địa này di chuyển khoảng 7 cm về phía Bắc mỗi năm. Chuyển động này được tích lũy qua nhiều thập kỷ và tạo nên sự khác biệt đáng kể về tọa độ địa lý của một lục địa chỉ trong thời gian ngắn.
Được biết, dữ liệu khoa học địa chất của Úc (Geocentric Datum of Australia) cập nhật tọa độ của Châu Đại Dương lần cuối vào năm 1994. Tuy vậy, toàn bộ khung tọa độ của Úc hiện đã có sự khác biệt đáng kể. Từ đó cho tới nay, Châu Úc đã dịch chuyển khoảng 1,5 mét về phía Bắc. Đặc biệt vào ngày 1/1/2017 tới đây, khoảng cách dịch chuyển sẽ có sự thay đổi lớn nhất, lên tới 1,8 mét về phía Bắc.
Dan Jaksa, nhà khoa học thuộc Tổ chức Khoa học địa lý Châu Úc bày tỏ quan ngại rằng: "Chúng tôi sử dụng máy kéo trên các trang trại lớn ở Úc mà không cần tới người lái. Nhưng nếu thông tin về các nông trại bị sai lệch, kết hợp với việc hệ thống định vị sai sẽ dẫn tới nhiều vấn đề liên quan".
Nước Úc dự kiến sẽ cập nhật lại kinh độ và vĩ độ dựa trên ước tính vị trí của nước Úc vào năm 2020, đồng thời "trừ hao" cho tọa độ vốn sẽ cách vị trí của năm 1994 gần 2 mét. Nói cách khác, tọa độ của Châu Úc sẽ bắt đầu thay đổi kể từ năm 2017. Mặc dù các thông số có thể khác so với những con số trước đó, tuy nhiên khi các mảng kiến tạo bắt kịp các thay đổi, mọi thứ sẽ sớm quay trở lại như cũ.
Châu Đại Dương đã từng gắn liền với Châu Nam Cực khoảng 85 triệu năm trước. Sau đó, lục địa này dần tách rời do hoạt động kiến tạo. Thời điểm 45 triệu năm trước, và 21 triệu năm sau khi loài khủng long bị tuyệt chủng, hai lục địa này đã hoàn toàn tách rời nhau. Tiếp sau đó, mảng kiến tạo Châu Đại Dương đã hợp nhất cùng mảng kiến tạo tại Ấn Độ, ít nhất khoảng 3 triệu năm trước.
Trong khoảng 50 triệu năm tiếp theo, Châu Đại Dương có thể va chạm vào bờ phía Đông Nam của Trung Quốc, tạo nên một dãy núi mới. Đây cũng là mảnh ghép sớm nhất được cho sẽ hình thành lên siêu lục địa Pangaea Ultima, dự kiến xuất hiện trong khoảng 250 triệu năm nữa. Trong địa chất học, một siêu lục địa là một vùng đất rộng lớn chứa nhiều hơn một lõi châu lục hay nền cổ (craton). Hiện nay, tổ hợp của các nền cổ và các địa thể bồi tích tạo ra đại lục Á-Âu, cũng như ở mức độ nhỏ hơn là châu Mỹ khi gộp tổng thể, được coi là các siêu lục địa.
Theo dự kiến, mọi số liệu đo lường tọa độ của Châu Úc sẽ được công bố vào đầu năm 2017 tới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.