Cháy rừng Indonesia gây ra mù bao trùm TP HCM

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Xã hội 23/09/2019 13:53

Chất ô nhiễm bởi cháy rừng ở Indonesia thổi sang Việt Nam được cho là nguyên nhân chính gây lớp mù đặc quánh tại Sài Gòn và nhiều tỉnh phía Nam.

tphcm_ntsj

Cháy rừng ở Indonesia theo dữ liệu từ NASA. Ảnh: firms.modaps.eosdis.nasa.gov

11h30 ngày 22/9, toà nhà Land Mark 81 (bên phải) chìm trong mù dày đặc. Ảnh: Quỳnh Trần.

"Kết quả này được xác định bởi phương pháp chạy mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TP HCM theo hai chiều", PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết.

Tính tốc độ và hướng khuếch tán theo gió, ông Bằng nói, những đám cháy rừng trên diện rộng tại Indonesia ngày 18/9 đã bay tới TP HCM hôm 20/9 nên nồng độ ô nhiễm không khí đã tăng cao đột biến. Hoặc dùng mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm chạy ngược lại thì thấy tình trạng ô nhiễm không khí hôm nay (22/9) đi từ cháy rừng ở Indonesia.

Theo dữ liệu từ website giám sát chất lượng không khí AirVisual, không chỉ ở TP HCM mà nhiều tỉnh thành Nam Bộ không khí đang ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ).

"Điều này củng cố thêm nguyên nhân gây ra hiện tượng lớp mù nhiều ngày qua là cháy rừng ở Indonesia. Chứ nguyên nhân do ô nhiễm không khí như bình thường (giao thông, công nghiệp...) thì những nơi khác ở Tây Nam bộ không ở mức ô nhiễm cao như hiện nay", ông Bằng nói.

chay-rung-indonesia-5567-1569159662_bsdv

Cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí tại TP HCM trên trang AirVisual ngày 22/9.

Ngoài ra, hiện tượng mù còn vì độ ẩm trong không khí đang rất cao, 95%-100% do có mưa, trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào. Trời không nắng nên không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt, làm cho các khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được.

Một nguyên nhân khác là phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân tại đô thị lớn như TP HCM. "Bình thường vào cuối tuần trước đây, cho dù có xuất hiện sương mù thì chất lượng không khí cũng không ô nhiễm nặng đến vậy bởi phát thải do giao thông, công nghiệp cũng thấp hơn ngày thường", ông Bằng giải thích thêm.

PGS Bằng cho biết, nồng độ chất ô nhiễm không khí trong nhà và bên ngoài hiện nay tại Sài Gòn rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe nên người dân cần biết cách tự bảo vệ. "Không nên tập trung, thể dục ngoài trời, nếu cần ra đường thì phải đeo khẩu trang chuyên dụng chống ô nhiễm không khí. Nếu có điều kiện đi xe hơi hoặc có máy lọc khí trong nhà thì càng tốt", ông khuyên.

Từ nhiều ngày nay, TP HCM xuất hiện lớp mù đặc quánh. Thạc sĩ Lê Đình Quyết (Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết nguyên nhân là dải hội tụ nhiệt đới hình thành, phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ gây mưa nhiều cả sáng và chiều tối. Nhiệt độ ban ngày thấp, nên độ ẩm không khí cao tạo thành lớp mù. Đây cũng là biểu hiện của việc không khí bị ô nhiễm, hàm lượng bụi trong không khí cao. Tuy nhiên, hiện tượng mù sẽ giảm từ ngày mai khi dải hội tụ chếch về hướng Bắc làm cho mưa giảm.

Hôm 18/9, khói độc hại do cháy rừng trên đảo Borneo và Sumatra của Indonesia đã lan rộng tới nhiều quốc gia láng giềng, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Việt Nam, Singapore và Malaysia cũng từng bị ảnh hưởng tương tự hồi đầu tháng 10/2015.  

Ý kiến của bạn

Bình luận