Cuộc họp có sự tham gia đông đảo của các Hiệp hội, DN vận tải trên địa bàn cả nước |
Sáng nay (22/2), tại cuộc họp với các Hiệp hội vận tải, Doanh nghiệp (DN) vận tải nhằm có biện pháp điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu trong nước, ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vận tải cho rằng, trong 2 tháng đầu năm 2016, giá xăng, dầu giảm mạnh nhưng việc điều chỉnh giá cước vận tải trong nước còn “nhỏ giọt” gây bức xúc cho người dân và dư luận. Vì thế, trong buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính với các Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp ngày hôm nay sẽ là "nút gỡ" quan trọng trong việc điều chỉnh giá cước vận tải tương ứng với mức hạ nhiệt của giá xăng dầu.
Theo số liệu thống kê, tính từ năm 2016 đến nay (22/2/2016), giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu, cụ thể so với thời điểm ngày 1/1/2016, xăng Ron 92 được điều chỉnh giảm 4 lần (ngày 4/1/2016 giảm 370 đồng; ngày 19/1/2016 giảm 590 đồng; ngày 3/2/2016 giảm 730 đồng và ngày 18/2/2016 giảm 960 đồng), tổng mức giảm 6.650 đ/lít (16%), dầu điezen 0,05S được điều chỉnh giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đ/lít (20%).
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VTOTVN) nổi đóa cho rằng: “Cả xã hội nói các DN vận tải chây ỳ, móc túi hành khách khiến tôi rất xấu hổ. Cũng là phục vụ người dân cả, sao ngành vận tải lại bị đối xử như tội phạm? như thế là sự xúc phạm. Bên cạnh các DN làm ăn chân chính thì cũng không ít DN làm ăn bậy bạ, râu ông nọ cắm cằm bà kia, chây ì giảm giá cước khiến ngành vận tải bị cả xã hội lên án, đả kích…Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải phân loại, bêu tên những DN không chịu giảm giá cước trước bàn dân thiên hạ”.
Cả xã hội nói các DN vận tải chây ỳ, móc túi hành khách khiến tôi rất xấu hổ |
Sau phát biểu “rát mặt” của vị Chủ tịch Hiệp hội VTOTVN, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. Hồ Chí Minh mạnh dạn tuyên bố: “Ngay sau cuộc họp này, các DN vận tải taxi TP. Hồ Chí Minh sẽ đồng loạt giảm giá cước. Mức giảm dự kiến sẽ từ 300-500 đ/km”.
Lý do các DN taxi TP. Hồ Chí Minh “câu giờ” trong việc giảm giá cước được ông Hỷ bức xúc ca thán: “Các DN rất mệt mỏi mỗi khi điều chỉnh tăng, giảm giá cước. Bởi, mỗi lần điều chỉnh giá cước thì buộc các DN phải tốn từ vài trăm triệu đồng cho tới hàng tỉ đồng, rất tốn kém. Doanh nghiệp không dại gì ôm một cái giá “chát” để khách hàng tẩy chay và cũng không dại gì ôm một cái giá thấp để tự cắt cổ mình”.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội phân trần những khó khăn trong việc điều chỉnh giá cước khi giá xăng dầu giảm |
Còn theo Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội – các doanh nghiệp vận tải taxi Hà Nội chưa thể điều chỉnh giá cước ngay tức khắc vì phải trải qua khá nhiều khâu như làm thủ tục đăng ký giảm giá cước, sau khi được chấp thuận phải in lại toàn bộ giá cước, điều chỉnh đồng hồ, kiểm định… Theo ông Bình, mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp cũng phải chịu tổn thất cao với mức trung bình một xe mất 500.000 đồng cho mỗi lần điều chỉnh.
Để cởi trói cho vấn đề “nan y” mà các DN vận tải taxi đang loay hoay trước bài toán điều chính giá cước theo tỉ giá thị trường, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị Bộ GTVT cần nới lỏng các thủ tục hành chính và phải rà lại theo hướng giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp. Đối với taxi, cần nghiên cứu để cho các doanh nghiệp chủ động việc tự mình điều chỉnh đồng hồ taximet để tránh việc chậm trễ, nhiều cửa, tốn kém. Nếu doanh nghiệp nào cố tình làm trái thì sẽ xử lý nghiêm…
Bên cạnh đó, phải có chế tài với doanh nghiệp không giảm cước hợp lý nhưng cũng không thể yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh ngay lập tức mà vẫn phải có độ trễ nhất định. Chẳng hạn như tăng hay giảm 20% thì sẽ buộc phải điều chỉnh.
Có mặt tại Hội nghị, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay sau khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm sâu, Sở đã cho rà soát, kê khai lại giá cước vận tải bằng xe ôtô gửi các DN kinh doanh vận tải ôtô theo tuyến cố định, taxi, container trên địa bàn thành phố.
Theo đó, lãnh đạo Sở yêu cầu các đơn vị này khẩn trương rà soát lại các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu để thực hiện kê khai giảm giá cước bảo đảm phù hợp với tác động giảm của chi phí nhiên liệu tới giá cước vận tải so với thời điểm kê khai trước đó và thực hiện rà soát các mục chi phí theo quy định.
Từ đầu năm tới nay, các hãng taxi mới tiến hành giảm giá đồng loạt một lần vào đầu tháng 1 với mức từ 300-500 đồng/km.
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định giá cước vận tải là theo cơ chế thị trường và dựa trên cơ chế cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, trong cơ cấu cấu thành giá thành vận tải thì chi phí nhiên liệu ước chiếm khoảng 25 – 35% đối với xe chạy xăng, 35 – 45% đối với xe chạy dầu, còn lại 55- 75% giá thành vận tải bao gồm các chi phí như: khấu hao, sữa chữa phương tiện, nhân công, chi phí cầu đường…Do vậy các DN vận tải phải nghiêm chỉnh thực hiện nghiêm việc điều chỉnh giá cước vận tải theo giá cả xăng dầu hiện hành. Do việc điều chỉnh giá còn nhiều bất cập nên nên trong thời gian tới đây cần khắc phục bằng cách điều chỉnh các quy định khi xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư 152 hiện nay.
Để tăng cường chỉ đạo giảm giá cước, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các Sở GTVT các tỉnh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải (đặc biệt là đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định bằng ôtô và xe taxi) để triển khai và yêu cầu tất cả các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện ngay việc kê khai và niêm yết giá cước vận tải và việc kê khai lại giá cước vận tải bằng xe ôtô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ để đảm bảo giá cước vận tải giảm phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Đồng thời, các DN vận tải phải kê khai rõ ràng các yếu tố chi phí cấu thành giá cước vận tải (có chi phí nhiên liệu) để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý rà soát và kiểm tra.
Bộ đề nghị các sở phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan về quản lý giá cước vận tải tại địa phương, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị vận tải và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu có theo quy định đồng thời báo cáo kết quả triển khai về Bộ trước ngày 10.3.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trường một lần nữa đề nghị các Hiệp hội và doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và phải coi đó là văn hoá doanh nghiệp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.