Chỉ số tự do kinh tế 2016 Việt Nam tăng ấn tượng

VN nằm trong nhóm tám nước có chỉ số tự do kinh tế tăng đáng kể dẫn đến tăng hạng (131), cùng với Myanmar, Đức, Ấn Độ, Israel, Lithuania, Philippines, Ba Lan.

Ngày 2-2, Quỹ nghiên cứu chính sách Heritage (Mỹ) công bố khảo sát về chỉ số tự do kinh tế năm 2016 thực hiện trên 178 nước và vùng lãnh thổ.

greekbanks3357117b_anit
Chính sách kiểm soát vốn đã đưa chỉ số tự do kinh tế Hy Lạp rớt xuống hạng 138. (Ảnh: AFP)

Hong Kong tiếp tục là nơi đứng đầu về chỉ số này năm thứ 22 liên tiếp vì bên cạnh có các chính sách tự do kinh doanh tốt, Hong Kong còn có khả năng mang lại mức lương cao cho người lao động, môi trường sống tốt và cuộc sống thọ hơn cho người dân, theo người sáng lập Quỹ Heritage Ed Feulner.

Các nước đứng kế tiếp trong top 5 là Singapore, New Zealand, Thụy Sĩ, Australia. Năm nước này nằm trong nhóm nước “tự do” với số điểm trên 80. Năm nước tiếp theo là Canada, Chile, Ireland, Estonia, Anh.

97 nước, phần lớn là các nước đang phát triển có tiến bộ trong tự do kinh tế trong năm qua. 32 nước đạt được chỉ số tự do kinh tế cao nhất trong 22 năm qua. Việt Nam nằm trong nhóm tám nước có chỉ số tự do kinh tế tăng đáng kể dẫn đến tăng hạng (hạng 131 so với hạng 148 năm 2015), cùng với Myanmar, Đức, Ấn Độ, Israel, Lithuania, Philippines, Ba Lan.

Trong khi đó 19 nền phát triển như Mỹ, Nhật, Thụy Điển… lại tụt hạng. Các điểm số về tự do lao động, tự do kinh doanh, tự do tài chính đều sụt giảm, dẫn đến chỉ số tự do kinh tế của Mỹ giảm đến mức thấp nhất kể từ khi Quỹ Heritage bắt đầu xếp hạng chỉ số này 22 năm trước (hạng 11).

Chỉ số này ở các nước châu Âu không đồng đều. Trong khi Thụy Sĩ đứng hạng 4, Ireland hạng 7, Anh hạng 10, Hà Lan hạng 16, Đức hạng 18 thì Ý lại đứng hạng 86, Hy Lạp lại rớt xuống hạng 138 cùng nhóm với các nước kém phát triển Bangladesh và Mozambique. Lý do chính sách thuế ở Ý quá cao và luật lao động cứng nhắc, Hy Lạp đã mất kiểm soát về đòn bẩy kinh tế và chính sách tiền tệ.

Khảo sát cho biết người dân ở các nước có chỉ số tự do kinh tế cao có thu nhập cao hơn hai lần so với mặt bằng thu nhập chung của các nước, chưa kể họ còn sống thọ hơn.

Cách khảo sát dựa vào bốn tiêu chí chính:

. Hệ thống luật pháp: Có đủ hiệu quả và công bằng trong bảo vệ tài sản người dân không? tình hình tham nhũng thế nào?

. Độ can thiệp của chính phủ: Chính sách thuế cao hay thấp? chi tiêu chính phủ có nằm trong tầm kiểm soát hay không?

. Năng lực kiểm soát nền kinh tế: Kiểm soát chính sách kinh tế: Các doanh nghiệp có phải lo lắng về các thủ tục kinh doanh thừa thãi, phiền toái? các cá nhân có được tạo điều kiện làm việc ở đây và muốn mức lương bao nhiêu? lạm phát có được kiểm soát không? giá cả có ổn định không?

. Độ mở của thị trường: Hàng hóa có được giao dịch tự do không? Thuế xuất nhập khẩu, hạn ngạch, các giới hạn khác như thế nào? Các cá nhân hay đầu tư tiền vào đâu và đầu tư vào đâu thì có lợi nhất? môi trường ngân hàng có cởi mở và khuyến khích cạnh tranh không?

Ý kiến của bạn

Bình luận