Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) vừa báo cáo nhanh gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình hiệt hại trên các tuyến đường sắt quốc gia và ứng phó với bão, khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3 (ngày 7 – 12/9/2024).
VNR cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), khu vực các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, gió lớn đã làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. HCM và các tuyến đường sắt phía Bắc.
Cụ thể, tuyến Hà Nội – Tp. HCM: nhiều vị trí cây to, cột điện, cột thông tin đổ vào đường sắt (20 vị trí). Khoảng 13 điểm cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt. 5 đường ngang cảnh báo tự động bị gãy cần chắn, hư hỏng thiết bị giám sát, khoảng 20 bình ắc quy đã phóng kiệt dung lượng. Thiết bị tín hiệu ngoài trời tại ga Giáp Bát bị ngập nước, phải đình chỉ hoạt động thiết bị liên khóa SSI.
Tuyến Yên Viên – Lào Cai: 15 vị trí bị cây, cột thông tin đổ vào đường sắt. Nhiều vị trí nước ngập sâu, chảy xiết gây xói lở nền đá, nền đường, sạt lở ta luy nền đường, đất đá trôi lấp nền đường, rãnh đường sắt (khoảng 20 điểm ngập nước và trên 45 điểm sạt lở nền đường). Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đường sắt đang tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị, khẩn trương cứu chữa khắc phục hậu quả, đảm bảo thông đường trong thời gian nhanh nhất.
Khoảng 15 điểm cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt. Ngập 12 tủ đường ngang có người gác, hư hỏng thiết bị giám sát, khoảng 24 bình ắc quy đã phóng kiệt dung lượng. Thiết bị tín hiệu tại ga Yên Bái bị ngập nước, do nước dâng nhanh nên một số thiết bị như đài khống chế, máy phát điện và một số thiết bị ngoài trời không kịp tháo dỡ, di dời.
Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng: Khoảng 90 vị trí cây đổ vào đường sắt; 10 đoạn tuyến bị ngập nước (tổng chiều dài khoảng 4 km); 8 vị trí sạt lở taluy, đất đá trôi lấp đường sắt; cầu Nà Lầm (Km119+325) sạt lở tứ nón đầu nam phía hạ lưu. Cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện kèm theo
Tuyến Bắc Hồng – Văn Điển: 17 vị trí cây to, cột điện, cột thông tin đổ vào đường sắt. Đến thời điểm này tại Km20+400 - Km21+000 nước ngập đỉnh ray trên 500mm. Khoảng 28 điểm cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện kèm theo.
Tuyến Gia Lâm – Hải Phòng: Nhiều vị trí cây, cột thông tin đổ vào đường sắt (Km25+500, Ghi N1 ga Phú Thái, khu vực ga Hải Phòng). Khoảng 551 điểm cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt. 9 đường ngang cảnh báo tự động bị gãy cần chắn, hư hỏng một số thiết bị như cảm biến, thiết bị giám sát, khoảng 140 bình ắc quy đã phóng kiệt dung lượng. Thiết bị tín hiệu tại các ga Thượng Lý, Hải Phòng bị ngập nước làm hư hỏng một số thiết bị ngoài trời như hộp cáp, hòm biến thế, biến áp.
Tuyến Kép – Hạ Long – Cái Lân: Khoảng 166 vị trí cây đổ vào đường sắt; 4 đoạn tuyến bị ngập nước; 3 vị trí sạt lở taluy, đất đá trôi lấp đường sắt; cầu Trại Thành (Km84+042) tường chắn, tường cánh đổ, đất tường cánh sụt lún. Cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện kèm theo, đặc biệt các khu gian Uông Bí – Bàn Cờ - Yên Cư, Hạ Long – Cái Lân nhiều cột thông tin gãy đỗ hoàn toàn. Gẫy cột D1 của đường ngang có người gác tại Km124+053.
Cac tuyến Mai Pha – Na Dương, Đông Anh – Quán Triều, Chí Linh – Phả Lại, Mai Pha – Na Dương: 40 vị trí cây to, cột điện, cột thông tin đổ vào đường sắt; Thông tin tín hiệu thiệt hại chủ yếu do cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện kèm theo.
Về vận tải, VNR đã bãi bỏ 41 chuyến tàu khách các tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Tp.HCM (1 chuyến). Một số cầu (Đuống, Long Biên, Việt Trì, Bắc Giang) phải tạm dừng chạy tàu để đảm bảo an toàn; giảm tốc độ tàu qua cầu Giẽ, Phủ Lý. "Từ 7-12/9, đường sắt đã hủy 41 chuyến tàu khách, có 18.120 hành khách trả vé (khoảng 4,02 tỷ đồng)", theo VNR.
Khắc phục sớm nhất các hư hại hạ tầng do bão lũ
VNR cho biết, trong đêm ngày 7/9 và rạng sáng ngày 8/9/2024, khi bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, trên khu vực các tuyến đường sắt phía Bắc đã có mưa to đến rất to, gió lớn làm gẫy đổ nhiều cây, cột điện, cột thông tin vào đường sắt. Ngay khi ngớt mưa bão, các đơn vị đã cử người tổ chức đi giải phóng các chướng ngại ảnh hưởng đến chạy tàu, hệ thống thông tin tín hiệu, nối thông đường dây thông tin; tháo dỡ, bảo dưỡng thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt bị ảnh hưởng bởi sự cố, thiên tai và nối dây để đảm bảo hệ thống thông tin được khôi phục tạm thời phục vụ điều hành chạy tàu.
Trong khoảng thời gian từ ngày 8/9 đến 12/9/2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh phía Bắc có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đất tại một số vị trí xung yếu. Các đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, ngay sau khi đủ điều kiện an toàn, các đơn vị đã tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để kịp thời xây dựng phương án cứu chữa, tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị phục vụ công tác cứu chữa, đảm bảo thông tàu trong thời gian nhanh nhất
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.