Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030

Bạn đọc 07/03/2014 10:15

Sáng 6/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về dự thảo Đề án “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030″ nhằm phát triển ngành KHCN ngành GTVT có đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm khoa học giá trị cao, ứng dụng hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững ngành GTVT.


Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Những thành tựu KHCN của ngành GTVT thể hiện ở 5 lĩnh vực chính, đó là kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải, công nghiệp GTVT, quản lý nhà nước về hoạt động KHCN. Tuy nhiên, hoạt động KHCN ngành GTVT có những tồn tại, thách thức về cơ chế quản lý, phát triển KHCN; năng lực các tổ chức nghiên cứu khoa học; trình độ KHCN; bên cạnh đó việc đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng, thu hút và đãi ngộ cán bộ chuyên gia nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập và chưa hình thành thị trường KHCN để phục vụ hoạt động, mua, bán chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN.

Báo cáo dự thảo Đề án tại cuộc họp, TS. Dương Văn Chung – Trưởng phòng Chiến lược – Quy hoạch (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT) cho biết, thời gian qua ngành GTVT đã huy động được nguồn lực lớn để đầu tư phát triển ngành, nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao đã và đang được đầu tư xây dựng. Việc hoàn thành nhiều công trình, sản phẩm có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật phức tạp, đạt chất lượng kỹ thuật, thẩm mỹ cao hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhiệm, khẳng định bước tiến bộ vượt bậc về trình độ KHCN của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân ngành GTVT đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới.

Theo TS. Dương Văn Chung, Chiến lược phát triển KHCN ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển có đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm khoa học giá trị cao, ứng dụng có hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững ngành GTVT.

Năm 2020 các thành tựu KHCN ngành GTVT đóng góp 20% – 30% giá trị gia tăng ngành, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10% – 20%/năm; định hướng đến năm 2030, KHCN ngành GTVT hiện đại, thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển ngành GTVT theo hướng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng tiến trình hội nhập. Những nhiệm vụ ưu tiên về ứng dụng và phát triển KHCN ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng giao thông như tư vấn đầu tư xây dựng, thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý khai thác, bảo trì KCHT giao thông; vận tải gồm đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, biển, hàng không; bên cạnh đó là công nghiệp GTVT gồm công nghiệp GTVT ô tô và thiết bị công trình, công nghiệp đầu máy – toa xe, hàng hải, hàng không; quản lý hoạt động KHCN. Cùng với đó là các giải pháp về cơ chế quản lý, tài chính; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động KHCN và đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Nhóm nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án. Để sớm hoàn thiện dự thảo Đề án, Thứ trưởng yêu cầu cần xác định rõ về phạm vi nghiên cứu, mở rộng hơn về đối tượng nghiên cứu, vì đây là nội dung của toàn ngành, phải căn cứ vào các chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành GTVT. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu cần phải bổ sung nội dung đánh giá hiện trạng hoạt động KHCN ngành GTVT, đánh giá tổng quan, tiềm lực nghiên cứu của ngành GTVT, vai trò của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ.

BBT

Ý kiến của bạn

Bình luận