Chiến tranh thương mại lên nấc thang mới

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 07/08/2019 10:58

Tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Chiến tranh thương mại là tốt và dễ giành phần thắng”. Từ đó cho tới nay, thực tế đã chứng minh điều ngược lại, nhất là khi Trung Quốc vừa phản đòn rất mạnh, tác động trực tiếp tới các thị trường tài chính Mỹ.

zzzxl-tmct_iabu
Ảnh minh họa

Chứng khoán Mỹ lập tức xuống dốc trong 2 phiên giao dịch vừa qua khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hạ giá nhân dân tệ xuống mức thấp nhất so với USD kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 cho tới nay. Động thái này của Bắc Kinh được xem là hành động trả đũa đầu tiên đối với việc ông Trump thiết lập hàng rào thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và nhằm đảm bảo dòng vốn sẽ không chảy ra khỏi quốc gia này.

Việc nhân dân tệ giảm giá sẽ ngay lập tức có tác động tới thương mại toàn cầu, bởi nó khiến hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc trở nên rẻ hơn, trong khi làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với hàng hóa - dịch vụ, chẳng hạn các sản phẩm iPhones, dầu mỏ, du lịch… Chưa hết, hãng thông tấn nhà nước Xinhua News Agency đưa thông báo, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đồng loạt ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.

Các đòn tấn công từ Đại lục khiến thị trường tài chính Mỹ chao đảo. Chỉ số Dow Jones Industrial Average và S&P 500 đều giảm hơn 3%, giá dầu lao dốc. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm - vốn được xem là chỉ báo đo lường sức mạnh nền kinh tế Mỹ - đang có khoảng cách lớn nhất kể từ năm 2007, thời điểm nước Mỹ rơi vào đại suy thoái.

Thực tế, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và tâm lý tiêu dùng tích cực. Tuy nhiên, việc đồng nhân dân tệ giảm giá là tin rất xấu đối với các công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh tại thị trường Đại lục. Các công ty công nghệ lớn như Apple và IBM đều thu về hàng tỷ USD từ bán hàng tại nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nên không có gì ngạc nhiên khi cũng là những đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất.

Đáng chú ý, các tổ chức kinh tế lớn và chuyên gia tài chính phố Wall đồng loạt lên tiếng cảnh báo những hậu quả nặng nề có thể xảy ra nếu chiến tranh thương mại leo thang và tiếp tục kéo dài.

Theo Morgan Stanley, nếu mức thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được tăng lên 25% từ mức 10% và duy trì trong 4 - 6 tháng, nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong vòng 3 quý sau đó. Nguyên nhân chính bởi 68% các loại hàng hóa chịu thuế nằm trong gói hàng hóa 300 tỷ USD này là các sản phẩm hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu và ô tô, vốn có khả năng tác động mạnh và trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, theo nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia tại JP Morgan, đứng đầu là Michael Cembalest, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang có mối liên hệ tay đôi mật thiết, với hoạt động đầu tư trực tiếp, mua bán hàng hóa và nắm giữ các loại tài sản có giá của nhau ở mức cao nhất kể từ khi 2 quốc gia từng xảy ra chiến tranh vào những năm 1930. Với việc xung đột thương mại theo chiều hướng leo thang và khó có thể tìm được điểm chung, các chuyên gia tin rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm lãi suất.

Trong bối cảnh này, mối lo ngại của các thành viên thị trường càng gia tăng, bởi từ khi nhậm chức cho tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng minh một điều rằng, ông không hề chịu tác động bởi bất kỳ “truyền thống” nào và mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Ý kiến của bạn

Bình luận