Theo chương trình tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, từ 16h00 chiều nay (24/10), Quốc hội bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo đó, từ 16h00, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử, sau đó thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Tiếp tục nội dung lấy phiếu tín nhiệm, theo chương trình sáng 25/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm; Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu; Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Buổi chiều cùng ngày, Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường sẽ trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Được biết, phiếu tín nhiệm sẽ được phân thành 8 loại với 3 phương án lựa chọn gồm tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trong đó, 6 loại phiếu có chức danh gồm Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước. Hai loại phiếu gồm nhiều chức danh là các Phó chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ.
Để đánh giá mức độ tín nhiệm, đại biểu Quốc hội sẽ dựa vào báo cáo toàn văn kết quả hoạt động cá nhân người được lấy phiếu; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp.
Ngoài ra, đại biểu có thể căn cứ vào tài liệu có được trong quá trình hoạt động như báo cáo, kết luận chất vấn; báo cáo công tác của các cơ quan mà người lấy phiếu tín nhiệm đứng đầu...
Theo Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội, nếu người được lấy phiếu có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Nếu người được lấy phiếu có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch 597 để triển khai công tác tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6.
Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo Bộ Chính trị nội dung này; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi công văn đến người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để họ chuẩn bị báo cáo kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ tới nay và bản kê khai tài sản thu nhập.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.