Ghi nhận của chúng tôi ngày 21-1 tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho thấy hàng loạt hãng xe đã kê khai giá vé trong các ngày cao điểm. Từ sau ngày 21 tháng Chạp (ngày 30-1) đến hết ngày 29 tháng Chạp (ngày 7-2) là giá vé xe đò tăng cao nhất (tăng khoảng 60% so với ngày thường).
Tuy nhiên, giá vé của các hãng có độ vênh lớn. Đơn cử, trên tuyến TP.HCM - Hà Nội từ ngày 20 đến 29 tháng Chạp (tức từ ngày 29-1 đến ngày 7-2), giá vé xe giường nằm của hãng Trung Nam, Sài Gòn (TP.HCM) gần 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, giá vé của hãng xe Hoàng Long (trụ sở chính ở Hà Nội) là hơn 1,5 triệu đồng…
Nơi siết, chỗ buông
Theo ông Lý Văn Thông, Chủ nhiệm HTX Trung Nam, từ đầu tháng 9-2015 đến cuối tháng 12-2015 giá dầu nhiều lần giảm sâu. Sau mỗi lần như vậy các sở, ngành ở TP.HCM đều đề nghị các hãng xe ở TP.HCM kê khai, niêm yết lại giá cước (thường đề nghị giảm 3,5%-4,5%). Từ đây hình thành nên giá vé ngày thường. Đến cao điểm tết, các hãng xe ở TP.HCM lấy giá vé ngày thường trên nhân theo tỉ lệ tăng 20%, 40% và 60% tùy thời điểm.
Ngoài ra, các tỉnh/thành khác cũng đề nghị các hãng xe ở địa phương kê khai, niêm yết lại giá vé xe đò sau các đợt giá xăng, dầu giảm vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, nhiều hãng xe lại thuyết trình lý do không thể giảm giá (vì tiền lương tài xế, phụ xe tăng, phí cầu đường tăng, phí xe ra vào lưu đậu tại các bến tăng…) và được các địa phương này chấp thuận.
“Từ đó giá vé ngày thường của nhiều hãng xe ở các địa phương khác vẫn giữ được mức cao hơn TP.HCM. Ví dụ, ngày thường giá vé giường nằm của hãng Mai Linh tuyến TP.HCM - Hà Nội là 850.000 đồng/vé nhưng vé của hãng Hoàng Long lại là 945.000 đồng/vé giường nằm” - đại diện một hãng xe giải thích.
Một số hãng xe hoạt động ở Bến xe Miền Đông còn cho biết việc kê khai, niêm yết lại giá vé ở các tỉnh/thành rất đơn giản, cán bộ quản lý không “soi” kỹ các yếu tố đầu vào và không buộc các hãng phải giảm giá như ở TP.HCM. Vì thế giá vé ngày thường của xe ở các tỉnh/thành khác đã cao nên vào dịp tết tất nhiên là cao hơn xe của các hãng ở TP.HCM.
Trong bến, nhiều hãng trương biển hết vé nhưng ngoài bến thì còn đầy. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Hãng xe ấm ức, hành khách kêu ca
Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, đến nay có 78/217 hãng xe chạy từ bến này đã kê khai, niêm yết lại giá vé sau khi giá xăng dầu giảm nhiều lần. Trong đó, 28/28 hãng đăng ký kinh doanh tại TP.HCM và 50 hãng ở các tỉnh. Qua so sánh, nhiều hãng ở TP.HCM có giá vé xe ngày thường và dịp cao điểm tết Nguyên đán thấp hơn xe của các địa phương khác.
“Các hãng xe địa phương kê khai giá ở tỉnh mình rồi đem bản chấp thuận vào báo cho bến. Chúng tôi thấy có sự chênh lệch lớn về giá so với các hãng ở TP.HCM dù chất lượng tương đương. Đáng lưu ý, thực tế này đã từng xảy ra song bến xe không có quyền can thiệp” - ông Hải nói.
Một hãng xe đăng ký hoạt động ở TP.HCM cho biết bản thân họ chấp hành tốt việc không tăng hoặc tăng giá vé thấp (khi giá xăng dầu tăng) và giảm giá (khi giá xăng dầu giảm). Ngược lại, nhiều hãng xe không tuân thủ theo yêu cầu bình ổn giá của Thủ tướng lại được lợi. “Quy định về giá cước vận tải, giá xăng dầu được áp dụng thống nhất và các yêu cầu kiểm soát, giảm giá cước (của Bộ Tài chính, Bộ GTVT) cũng thực hiện cho cả nước. Tuy nhiên, việc giá vé xe đò giữa các hãng xe ở tỉnh và hãng xe ở TP.HCM cùng hoạt động trên một tuyến tại Bến xe Miền Đông có chênh nhau lớn. Điều này cho thấy cách quản lý không đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương” - ông Hoàng Văn Kha, Chủ nhiệm HTX Đông Bắc, nhận xét.
Trong khi đó, bà Hoàng Kim Chi (làm việc ở KCN Tân Bình) cho rằng vào thời điểm hiện nay thì xe đò là lựa chọn duy nhất cho nhiều người muốn về quê vui tết. “Xe của các hãng ở TP.HCM không đủ đáp ứng, còn các hãng xe ở tỉnh đẩy giá vé lên quá cao nên chúng tôi phải bấm bụng chi thêm tiền mới có được tấm vé xe tết” - bà Chi nói.
Ngoài bến giá cao hơn gấp 2-3 lần Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, một số hãng xe không bán vé trong bến xe mà thường trương bảng hết vé. Nhưng thực chất họ tổ chức bán vé ở các văn phòng ngoài bến. Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, giá vé ngoài bến được nhiều hãng đẩy lên gấp 2-3 lần so với trong bến. “Các hãng bị hấp dẫn bởi việc bán vé xe ngoài bến giá cao nên có nguy cơ bỏ bến ra ngoài” - ông Hải nhận định. Sở Tài chính TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với Sở GTVT, đoàn kiểm tra 24 quận/huyện để kiểm tra việc bán vé, giá cước ở các điểm, văn phòng hãng xe ở bên ngoài bến. Chiều 21-1, một cán bộ Sở GTVT cho biết sở này cũng đang chờ Sở Tài chính có ý kiến đề nghị phối hợp chứ Sở GTVT không thể tự đi kiểm tra việc bán vé ngoài bến. Sở Tài chính TP.HCM cho biết đã từng kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý về thực tế trên song chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hẹn với PV hôm nay (22-1) sẽ trả lời cụ thể về các bất cập trên, cũng như biện pháp tháo gỡ nhằm vừa tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.