Toàn cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Hàn Quốc |
Sở hữu hạ tầng công nghệ hàng đầu thế giới trong đó có tốc độ internet và độ phủ smartphone cao cùng những sáng kiến sáng tạo từ chính phủ, Hàn Quốc đang đi đúng hướng trên con đường trở thành một trong những thánh địa công nghệ mới của thế giới.
Để tìm kiếm nguồn lực tăng trưởng mới cũng như cải tổ thị trường lao động, kể từ năm 2013, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ qua các một số hình thức như các khoản hỗ trợ, ưu đãi thuế hay vay tín dụng,…
Hãy cùng điểm qua một số hình thức hỗ trợ phổ biến của quốc gia Bắc Á này trong bài viết dưới đây.
1. Cung cấp các gói hỗ trợ cho startup
Hỗ trợ từ chính phủ còn gọi tắt là “lý thuyết thẩm thấu” hay “thuyết dòng chảy xuống” (Trickle Down) trong kinh tế (lý thuyết cho rằng phát triển kinh tế hay công nghệ ban đầu sẽ có lợi cho người giàu, nước giàu nhưng rồi sẽ thẩm thấu dần đến cả những người và quốc gia nghèo nhất). Với những sáng kiến kinh tế sáng tạo, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một quỹ hỗ trợ cho “chảy” tiền về các bộ ban ngành rồi cuối cùng là về các startup được chọn vào mỗi chương trình cấp vốn.
Các chương trình hỗ trợ startup của chính phủ đều hoạt động theo cách này. Tham gia và chương trình, startup sẽ có một khoản ngân sách hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định (thường là dưới 1 năm), trong đó công ty tự bỏ ra 30% còn chính phủ sẽ hỗ trợ phần còn lại (70%). Ví dụ như dưới đây:
Tổng ngân sách: 50.000 USD (6 tháng)
• 70% - Chính phủ hỗ trợ (không cần vay nợ, không lấy cổ phẩn)
• 10% - Tiền của startup (vốn đối ứng)
• 20% - Tài sản (phần đóng góp người sáng lập, cũng có nghĩa là nhà sáng lập sẽ không nhận lương; tiền lương của họ được gộp chung vào đây)
Với tổng ngân sách 50.000 USD, startup có thể sử dụng để thiết kế sản phẩm MVP (minimum viable product – tạm dịch là sản phẩm khả thi tối thiểu, chưa hoàn thiện nhưng đầy đủ tính năng cơ bản để có thể sử dụng được), ra mắt sản phẩm, mua trang thiết bị,… Mỗi giao dịch này phải được lưu lại dưới dạng hóa đơn, kê khai thuế và thậm chí cả ảnh chụp.
Ưu điểm: Những khoản hỗ trợ nhỏ này sẽ giúp các startup cất cánh để nhanh chóng thiết kế sản phẩm và đưa chúng tới tay khách hàng. Trong một chương trình kéo dài khoảng dưới 1 năm, startup có thể nhanh chóng thử nghiệm ý tưởng của mình hoặc thay đổi chúng nếu thấy không có tiềm năng.
Nhược điểm: Tốn thời gian cho khoàn giấy tờ thủ tục cho các giao dịch kể trên. Nhiều khi startup sẽ phải chụp lại cả chiếc ghim giấy họ mua để đảm bảo rằng tiền hỗ trợ từ chính phủ sẽ không “chảy” đi đâu khác. Các nhà sáng lập cũng sẽ phải tham dự một số buổi chuyên đề hay hướng dẫn bắt buộc, những thứ có thể trì hoãn tiến độ công việc của họ.
2. Cấp vốn qua các tổ chức khác
Chọn lựa các startup được hỗ trợ dưới hình thức này lại là một quy trình khác hoàn toàn.
Cụ thể là sẽ có những buổi đấu thầu các chương trình cấp vốn của chính phủ được các tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, các viện và trường đại học thực hiện. Sau khi phiên đấu thầu kết thúc, chính phủ sẽ phụ trách tổ chức bộ quy trình tuyển lựa startup nhưng không trực tiếp đưa ra lựa chọn.
Để tránh gian lận, quy trình tuyển chọn sẽ được chia làm 2 phần.
Phần đầu tiên là lọc đơn ứng tuyển và phần hai là thuyết trình ý tưởng. Các doanh nhân, luật sư về sở hữu trí tuệ cùng các giáo sư chuyên ngành sẽ lọc ra một danh sách các startup tiềm năng rồi một nhóm giám khảo khác sẽ đánh giá phần thuyết trình ý tưởng và đưa ra kết quả cuối cùng. Rất hiếm khi những người lọc hồ sơ ngồi luôn vào vị trí giám khảo cuối cùng.
Sau khi quy trình tuyển chọn đã xong xuôi, chính phủ sẽ ký hợp đồng với những bên đấu thầu và các startup lọt vào chương trình. Sau đó, toàn bộ chương trình hỗ trợ startup này sẽ được giao cho các bên đấu thầu hoàn thành nốt và báo cáo lên cho các cơ quan chính phủ khi chúng kết thúc.
Trong những chương trình này, không một ai, kể cả các công ty đầu tư, quỹ tăng tốc khởi nghiệp hay các cá nhân đầu tư nào có thể lấy cổ phần từ startup.
Ưu điểm: Với những khoản hỗ trợ này, startup có thể đảm bảo rằng hồ sơ ứng tuyển của họ sẽ được những giám khảo từ nhiều lĩnh vực khác nhau đánh giá. Quy trình tuyển chọn cũng rất minh bạch và chính phủ đã thực hiện tốt vai trò trọng tài bảo vệ sự minh bạch đó.
Nhược điểm: Bởi sẽ có 2 nhóm giám khảo khác nhau tham gia chọn lọc nên nhiều startup sẽ phải giới thiệu lại họ từ đầu với hội đồng tuyển chọn vòng thuyết trình.
Tùy thuộc vào độ lớn của chương trình hỗ trợ mà số startup ứng tuyển có thể rơi vào khoảng vài chục cho đến vài ngàn.
3. Cấp vốn qua các chương trình tài trợ tương ứng (matching fund) từ chính phủ
Chương trình ươm mầm khởi nghiệp công nghệ Tech Incubator Program for Startups (gọi tắt là TIPS) được thiết kế ra để tìm kiếm và ươm mầm những startup tiềm năng nhất.
Các startup được lựa chọn tham gia sẽ nhận được một khoản vốn phù hợp (có thể lên đến 500.000 USD) từ chính phủ (không mất cổ phần). Họ cũng có thể nhận những khoản vốn phụ thêm (lên đến 200.000 USD) phụ thuộc vào số vốn họ đã nhận được trước từ chính phủ trước khi tham gia chương trình tuyển chọn.
Những quỹ đầu tư mạo hiểm và tăng tốc khởi nghiệp được TIPS cấp phép có thể giới thiệu các startup tiềm năng trong danh mục đầu tư của họ cho chính chương trình TIPS.
Một khi được các tổ chức trên giới thiệu cho TIPS, các startup sẽ được Hiệp hội các nhà đầu tư thiên thần Hàn Quốc (KBAA) sàng lọc bằng cách mời một số thành viên độc lập của hiệp hội xem xét các hồ sơ ứng tuyển. Sau khi vòng này kết thúc, cơ quan phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc sẽ ký hợp đồng với các quỹ đầu tư và tăng tốc khởi nghiệp (từng đầu tư vào các startup đó) và cả bản thân các startup tham gia. Sau đó các startup này sẽ nhận được khoảng 500.000 USD vốn khởi nghiệp để sử dụng trong 2 năm.
Hiện đã có hơn 170 công ty được lựa chọn vào chương trình TIPS.
Ưu điểm: Hai startup trong danh mục đầu tư của ActnerLab nhận được nhiều hỗ trợ nhất là EOFLOW với thiết bị “bơm” insulin cầm tay cho bệnh nhân tiểu đường và DOT Corp với đồng hồ thông minh sử dụng hệ thống chữ Braille cho người khiếm thị.
Các startup được tuyển chọn vào TIPS thường đều gọi được vốn mạo hiểm series A.
Nhược điểm: Những khoản hỗ trợ lớn như vậy đều được kiểm tra kỹ lưỡng và cần đến nhiều hoạt động rà soát đặc biệt. Thường phải mất đến 6 tháng hoặc hơn startup mới nhận được kết quả tuyển chọn cũng như khoản tiền hỗ trợ. Đây là khoảng thời gian quá dài đối với các công ty khởi nghiệp cần tăng trưởng nhanh.
Quá trình tuyển lọc hồ sơ cũng rất căng thẳng nên suốt 3 năm qua mới chỉ có 170 công ty được chọn vào chương trình. Bên cạnh đó cũng đã có một số vụ scandal về việc lợi dụng hỗ trợ của chính phủ để trục lợi cá nhân.
Kết
Sở hữu hạ tầng công nghệ hàng đầu thế giới trong đó có tốc độ internet và độ phủ smartphone cao cùng những sáng kiến sáng tạo từ chính phủ, Hàn Quốc đang đi đúng hướng trên con đường trở thành một trong những thánh địa công nghệ mới của thế giới. Để hệ sinh thái khởi nghiệp nước này phát triển hoàn thiện hơn, các tập đoàn lớn nên tích cực thâu tóm và sáp nhập các startup hơn là chỉ tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm đấu đá đối thủ. Dù thế nào thì thế giới cũng sẽ sớm được chứng kiến nhiều chuyển biến trong cộng đồng startup công nghệ tại quốc gia này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.