Ảnh: Bloomberg |
Hôm 4/10, Bloomberg Businessweek đăng tải bài điều tra về việc Trung Quốc cấy microchip nhỏ như hạt gạo vào bo mạch chính của nhiều máy chủ, vốn do công ty Super Micro sản xuất cho một loạt hãng Mỹ sử dụng. Các nguồn tin trong bài viết cho hay microchip đặt mục tiêu tìm kiếm bí mật thương mại, dữ liệu an ninh quốc gia Mỹ.
Có khoảng 30 doanh nghiệp, trong đó có một ngân hàng lớn và nhiều nhà thầu cho chính phủ bị ảnh hưởng. Bloomberg gọi đây là “đợt tấn công chuỗi cung ứng lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ”.
Sau khi thông tin trên được đưa ra, Amazon và Apple ngay lập tức phủ nhận. Amazon cho biết: “Việc Amazon Web Services (AWS) biết về việc chuỗi cung ứng bị can thiệp, biết về vấn đề chip độc hại hay phần cứng bị sửa đổi khi thâu tóm hãng Elemental là không đúng. Việc AWS biết chuyện các máy chủ chứa chip độc hại hoặc trong trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc bị sửa đổi, và chuyện AWS làm việc với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hoặc cung cấp dữ liệu về phần cứng độc hại, cũng không đúng”.
Amazon khẳng định hãng đã xem xét lại hồ sơ có liên quan đến việc thâu tóm công ty Elemental để tìm vấn đề có dính líu đến Super Micro, tái kiểm tra đợt kiểm toán bảo mật có sự tham gia của bên thứ ba được thực hiện vào năm 2015. Dù vậy, công ty không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh thông tin chip độc hại hoặc phần cứng bị sửa đổi.
Hãng thương mại điện tử số một Mỹ cũng viết thêm rằng vào tháng 6.2018, các nhà nghiên cứu có đăng tải báo cáo công khai về lỗ hổng trong chương trình cơ sở Super Micro. Amazon sau đó thông báo cho các khách hàng bị ảnh hưởng ngay tức thì và đề nghị khách hàng nâng cấp chương trình cơ sở.
Bìa tờ Bloomberg Businessweek tháng này, với dòng tít cho thông tin chip gián điệp Trung Quốc là "Vụ Hack Lớn: Trung Quốc làm thế nào để thâm nhập vào các công ty hàng đầu Mỹ" |
Apple thì cho hay: “Trong năm qua, Bloomberg nhiều lần liên lạc với chúng tôi với thông tin đôi khi mơ hồ, đôi khi tỉ mỉ về sự cố an ninh bị cho là có xảy ra ở Apple. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều tiến hành nhiều cuộc điều tra nội bộ nghiêm ngặt dựa trên yêu cầu của họ và mỗi lần như thế, chúng tôi đều không tìm thấy bất cứ bằng chứng gì hậu thuẫn cho thông tin. Chúng tôi liên tiếp đưa ra phản hồi thực tế bác bỏ hầu như mọi khía cạnh của câu chuyện liên quan đến Apple trên Bloomberg”.
“Apple chưa từng tìm thấy chip độc hại, “việc phần cứng bị thay đổi” hay các lỗ hổng được cố ý đưa vào bất cứ máy chủ nào. Apple chưa bao giờ liên lạc với FBI hay bất cứ cơ quan nào về vụ việc như thế”, Apple khẳng định. Công ty Mỹ tiếp tục đưa ra dẫn chứng chứng minh rằng bài viết trên Bloomberg có chi tiết không chính xác, và khẳng định quy trình kiểm tra lỗ hổng bảo mật chặt chẽ của doanh nghiệp.
“Chúng tôi vô cùng thất vọng với cách họ xử lý vấn đề với chúng tôi. Phóng viên Bloomberg không cởi mở với khả năng rằng họ hoặc nguồn tin của họ có thể sai hoặc không được thông tin đúng. Dự đoán tốt nhất từ phía chúng tôi là có thể họ nhầm lẫn câu chuyện này với sự việc diễn ra vào năm 2016 và đã được đưa tin. Khi đó, chúng tôi phát hiện ra bộ phận điều khiển có vấn đề trên một máy chủ Super Micro tại một trong các phòng thí nghiệm của chúng tôi. Đây là chuyện xảy ra một lần, được xác định là ngẫu nhiên và không phải là cuộc tấn công chống lại Apple”, nhà sản xuất iPhone cho biết.
Super Micro cũng phản pháo bài báo trên Bloomberg: “Chúng tôi sẽ hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào của chính phủ. Chúng tôi chưa biết về bất cứ cuộc điều tra nào liên quan đến vụ việc này, hoặc chúng tôi chưa được bất cứ cơ quan chính phủ nào liên lạc. Chúng tôi không biết có bất cứ khách hàng nào quay lưng với Super Micro với tư cách một nhà cung ứng vì vụ việc”. Công ty khẳng định họ không thiết kế, sản xuất chip mạng hay chương trình cơ sở mà mua chúng từ các hãng mạng hàng đầu như nhiều công ty hàng đầu về máy chủ, lưu trữ khác.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì lên tiếng khẳng định nước này bảo vệ kiên quyết an ninh mạng, ủng hộ việc cộng đồng quốc tế hợp tác giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng thông qua đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và đôi bên cùng có lợi. “An toàn chuỗi cung ứng trong không gian mạng là mối lo ngại chung, và Trung Quốc cũng là nạn nhân”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
“Chúng tôi hy vọng các bên ít đưa ra lời buộc tội hay nghi ngờ vô cớ, mà thay vào đó là tiến hành thảo luận và hợp tác mang tính xây dựng để chúng ta có thể làm việc cùng nhau, xây dựng không gian mạng yên bình, an toàn, cởi mở, có tính hợp tác và trật tự”, cơ quan này viết thêm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.