Chính sách sản phẩm cho doanh nghiệp vận tải đường sắt

27/03/2015 07:18

Nội dung xuyên suốt của bài báo là tập trung giải quyết các vấn đề tại sao lại không loại bỏ được các sản phẩm công ích và khi không loại bỏ được các sản phẩm công ích đó thì phải làm thế nào để duy trì nó mà không làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.


Bài báo tiến hành xây dựng chính sách sản phẩm cho doanh nghiệp vận tải đường sắt (DNVTĐS), thông qua việc đưa ra các nguyên tắc và phương pháp xác định phần Nhà nước bù lỗ cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh các sản phẩm công ích đó.

Abstract: The paper focuses on dealing with the issues why it does not eliminate public products and if these products could not be removed, how would maintain them without affecting the business performance of enterprises. Additionally, the paper also builds productive policies for railway enterprises in order to solve these above-mentioned problems by introducing principles and methods of determining the portion that the Government needs to subsidy for businesses when they participate in trading these public products.

ThS. HOÀNG THỊ HÀ

GS. TSKH. NGUYỄN HỮU HÀ

Người phản biện: PGS. TS. Vũ Trọng Tích -  TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh

1. Đặt vấn đề

Để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay cũng như trong tương lai, đòi hỏi các DNVTĐS phải không ngừng đổi mới và phải xây dựng được một chiến lược sản xuất kinh doanh đúng đắn, phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của mình. Muốn vậy, các DNVTĐS trước hết phải định hướng doanh nghiệp mình đi về đâu và phải xác định được vị trí sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường vận tải.

Xác định vị trí của sản phẩm trên thị trường nhằm giúp các nhà quản trị hoạch định ra các chính sách sản phẩm phù hợp cho DNVTĐS. Việc hoạch định các chính sách sản phẩm cho doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của nó, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác sản xuất kinh doanh cho các DNVTĐS.

2. Nội dung

Việc xác định vị trí sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường có thể bằng nhiều công cụ ma trận khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế hoạt động của các DNVTĐS, thông thường người ta sử dụng ma trận BCG (Boston Consulting Group). Từ đó, giúp các nhà quản trị đưa ra những quyết định đúng đắn đối với các chính sách sản phẩm cho DNVTĐS.

Ma trận BCG là một mô hình kinh doanh kinh điển do nhóm nghiên cứu Boston đưa ra nhằm xác định chu trình sống của một sản phẩm. Ma trận BCG xem xét hai yếu tố đó là sự tăng trưởng của thị trường và thị phần của doanh nghiệp trong thị trường tương ứng. Ma trận BCG được sử dụng là bảng hình vuông có 4 ô vuông tương ứng với 4 vị trí trên thị trường đối với các sản phẩm của DNVTĐS.

1hth

1. Vị trí dấu hỏi (Question marks)

Lúc này sản phẩm của doanh nghiệp đang có thị phần nhỏ trong một thị trường thuộc loại hấp dẫn (đang tăng trưởng cao). Ở vị trí này, định hướng chiến lược của doanh nghiệp là tìm cách tăng thị phần bằng cách cải tiến sản phẩm, dịch vụ hoặc tập trung đầu tư để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong thị trường đó.

2. Vị trí ngôi sao (Stars)

Đây là vị trí của doanh nghiệp mạnh, dẫn đầu thị phần trong một thị trường đầy triển vọng (tăng trưởng cao). Định hướng chiến lược cho doanh nghiệp lúc này thường là bảo vệ vị trí của mình, tiếp tục đầu tư cải tiến sản phẩm nhằm duy trì tính ưu việt của sản phẩm; đồng thời, tranh thủ lợi thế về quy mô sản xuất lớn để hạ giá thành sản xuất nhằm duy trì lợi thế cả về mặt giá thành.

3. Vị trí con bò sữa (Cash – Cows)

Doanh nghiệp có sản phẩm có thị phần rất cao trong một thị trường không còn tăng trưởng hoặc đã bão hoà. Định hướng chiến lược cho vị trí này thường là tranh thủ thu lợi nhuận, không đầu tư thêm.

4. Vị trí con chó (Dogs)

Lúc này sản phẩm của doanh nghiệp rơi vào vị trí mà thị phần của doanh nghiệp thì nhỏ và thị trường cũng đã bão hòa, không còn tăng trưởng nữa. Tại vị trí này doanh nghiệp nên rút lui vì doanh thu thấp lại không có triển vọng phát triển thêm, trong khi chi phí để duy trì sản xuất kinh doanh một sản phẩm lại không nhỏ. Ngưng một sản phẩm không hiệu quả để tập trung vào một sản phẩm khác có tiềm năng hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn, đồng thời nhằm củng cố vị trí của doanh nghiệp trong tương lai.

Như vậy, thông thường sau khi sử dụng ma trận BCG để phân tích vị trí sản phẩm của doanh nghiệp thì chúng ta sẽ đưa ra kết luận là những sản phẩm thuộc về ô con chó phải loại bỏ ngay. Và như vậy, khi áp dụng trong lĩnh vực vận tải đường sắt thì các sản phẩm theo tuyến là các tuyến đường sắt mà rơi vào ô con chó thì chúng ta sẽ phải loại bỏ ngay. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta lại không thể loại bỏ các tuyến đường sắt trên, bởi điều này xuất phát từ các lý do như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp vận tải đường sắt là doanh nghiệp hoạt động công ích và nó mang ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị, xã hội trong sự phát triển của đất nước (điều này được thể hiện rất rõ trong nhiệm vụ của ngành đường sắt). Do vậy, mà các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả chính là các sản phẩm công ích của ngành Đường sắt.

Thứ hai, nếu bỏ các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả thì sẽ làm giảm khối lượng của các tuyến đang có hiệu quả vì giữa các tuyến đường sắt có sự hỗ trợ lẫn nhau trong công tác vận chuyển.

Thứ ba, nếu bỏ các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả sẽ làm mất đi khối lượng vận chuyển phát sinh trên chính các tuyến đó. Từ đó, làm giảm khối lượng vận chuyển của toàn ngành.

Điều này dẫn đến hậu quả là khối lượng vận chuyển của Ngành đã ít nay càng ít hơn. Do vậy, không thể loại bỏ được các tuyến đường sắt không hiệu quả. Hay nói cách khác, khi bất kỳ một tuyến đường sắt nào bị rơi vào ô con chó thì cũng không thể loại bỏ được mà vẫn phải duy trì nó. Vậy, giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bài báo đặt ra phải có giải pháp gì cho các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả đó khi các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong tương lai đang hướng tới cổ phần hóa và tư nhân hóa. Ở đây, làm thế nào để thu hút một doanh nghiệp đầu tư vào các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả đó khi họ biết chắc chắn sẽ bị lỗ.

Nếu chúng ta không có cách giải quyết vấn đề một cách triệt để, thấu đáo thì chắc chắn sẽ không có doanh nghiệp nào kinh doanh trên các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả đó. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải có giải pháp gì để một doanh nghiệp hoặc tự nguyện quyết định kinh doanh trên các tuyến đường sắt đó hoặc bị bắt buộc phải kinh doanh trên các tuyến đường sắt đó bởi lý do nào đó sẽ không bị thiệt thòi so với các tuyến đường sắt khác.

Khi biết rằng kinh doanh trên các tuyến đường sắt không hiệu quả thì kết quả chắc chắn sẽ bị thua lỗ. Vậy, phải làm sao để bù được các khoản lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh trên các tuyến đường sắt đó? Đây là vấn đề rất quan trọng có liên quan đến nhiều vấn đề khác như: Vấn đề kinh tế, xã hội… của toàn thể đất nước. Do vậy, khi giải quyết vấn đề trên đòi hỏi phải thực sự chuẩn mực và bắt buộc phải tuân theo các nguyên tắc nhất định. Trong bài báo này tác giả đề xuất việc bù đắp khoản lỗ cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trên các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả phải tuân theo các nguyên tắc như sau:

- Phải duy trì các sản phẩm là các tuyến đường sắt khi trên đó vẫn có yêu cầu về vận tải. Vì bản thân ngành Đường sắt là ngành sản xuất vật chất đặc biệt, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu đi lại, giao lưu văn hóa của nhân dân.

- Nhà nước phải đứng ra bù lỗ. Nhà nước phải đưa ra một tỉ lệ bù lỗ nào đó phải rõ ràng để tránh cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trên các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả sẽ không bị thiệt thòi hơn so với các doanh nghiệp khác nhằm tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau trên thị trường.

- Các chính sách điều tiết phải hợp lý, nhằm khuyến khích và thu hút ngày càng đông các doanh nghiệp tham gia kinh doanh DNVTĐS. Đặc biệt là đối với các tuyến hoạt động không hiệu quả.

- Phải ổn định và đi đúng hướng trong một thời gian dài để đem lại lòng tin cũng như sự ổn định cho chính các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trên các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả.

Để có thể lượng hóa một phần các nguyên tắc trên, tác giả xin đề xuất phần Nhà nước bù lỗ cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trên các tuyến đường sắt không hiệu quả theo phương pháp sau:

Phần lỗ xã hội phải chịu, doanh nghiệp tham gia kinh doanh được bồi hoàn chi phí cộng với phần lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp.

Để thực hiện theo phương pháp trên, ở đây chúng ta phải tiến hành xác định được 3 yếu tố như sau:

- Phần doanh thu: Phải được xác định cụ thể

theo từng tuyến đường, mà ở đây là phần doanh thu theo quyền được thu chứ không phải phần doanh thu theo nhiệm vụ thu như trước đây. Hiện nay, trên thực tế rất khó xác định được doanh thu theo quyền được thu của từng tuyến. Tác giả đề xuất phải tách được doanh thu theo từng tuyến đường dựa trên cơ sở lập biểu luồng hàng cụ thể của mỗi tuyến.

- Phần chi phí: Cũng phải được xác định cụ thể chi phí cho từng tuyến đường. Hiện nay, trên thực tế thì việc thống kê các loại chi phí trên từng tuyến chưa tách được. Để làm được điều này, tác giả đề xuất phải tính được giá thành vận tải của từng tuyến, mà muốn tính được giá thành vận tải theo từng tuyến phải lập được hệ thống khoản mục chi cụ thể trên mỗi tuyến đó.

- Phần lợi nhuận tối thiểu: Là phần lợi nhuận được tính theo mức trung bình của phần hoạt động không mang tính công ích, hay nói cách khác nó chính là phần lợi nhuận trung bình được tạo ra từ các tuyến đường sắt hoạt động có hiệu quả.

Sau khi xác định được doanh thu và chi phí trên từng tuyến thì chúng ta dễ dàng xác định được kết quả hoạt động cụ thể của từng tuyến. Từ đó, tác giả kiến nghị phần bù lỗ cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trên các tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả sẽ được Nhà nước bù lỗ theo công thức xác định như sau:

Phần bù lỗ =  Doanh thu – Chi phí vận tải + Phần lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp

Thông qua công thức tính toán trên, các doanh nghiệp làm cơ sở để xây dựng chính sách sản phẩm phù hợp đối với các sản phẩm của doanh nghiệp mình. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động công ích của mình.

3. Kết luận

Việc xây dựng chính sách sản phẩm cho doanh nghiệp vận tải đường sắt là một vấn đề rất quan trọng. Nó có một ý nghĩa to lớn trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của DNVTĐS. Xây dựng một chính sách sản phẩm đúng đắn và phù hợp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đó trong lĩnh vực hoạt động công ích của mình và đem lại lợi ích cho toàn xã hội o

Tài liệu tham khảo

[1]. GS. TSKH. Nguyễn Hữu Hà, Bài giảng Chiến lược sản xuất kinh doanh VTĐS.

[2]. Hoàng Thị Hà (2008), Xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa, Luận văn Thạc sĩ.

Ý kiến của bạn

Bình luận