Thủ tướng chính thức phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025

Đường bộ 01/01/2023 06:54

Đây là sự kiện đặc biệt chưa từng có trong ngành Giao thông vận tải khi lễ khởi công được tổ chức đồng loạt tại 12 điểm cầu thuộc 9 tỉnh, thành phố trên cả nước.


Video: Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức nhấn nút, chính thức phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công

Sáng nay (1/1/2023), Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gồm 12 dự án: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng,  Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Đây là sự kiện đặc biệt chưa từng có trong ngành Giao thông vận tải. Theo đó, lễ khởi công được tổ chức đồng loạt với 12 điểm cầu tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cụ thể, trong 12 điểm cầu có 3 điểm chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang - đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ). Trong đó, điểm cầu trung tâm đặt tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).  Tạp chí Giao thông vận tải cập nhật thông tin trực tiếp buổi lễ khởi công dự án.

Chính thức khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cùng các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang

Chính thức khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng các đại biểu nhấn nút, phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bùng - Vạn Ninh

11h25, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo buổi lễ khởi công

Video: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 tại điểm cầu Quảng Ngãi

Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.

"Và hôm nay, ngày đầu tiên của năm 2023, tại mảnh đất Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, có bề dày lịch sử, văn hóa và 11 địa điểm khác, chúng ta vui mừng tổ chức Lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công", Thủ tướng phát biểu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển KTXH. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km, trong đó có một số đoạn chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta: Phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

"Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và Trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho biết, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km (quyết định đầu tư năm 2017) và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km (quyết định đầu tư năm 2021) để nối thông suốt toàn tuyến.

"Sau một năm nỗ lực triển khai thực hiện với khối lượng công việc rất lớn, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, thời gian chỉ bằng một nửa so với cách triển khai trước đây. Tôi đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai Dự án", Thủ tướng nói.

Chính thức khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố khởi công đồng thời 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công

Kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, tuy nhiên theo Thủ tướng, thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức: Phải sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có các nơi đông dân cư, dễ phát sinh khiếu kiện; Chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương; Việc thi công khối lượng rất lớn trong thời gian không dài và chịu tác động của thời tiết.

Yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện Dự án là: Bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; Không được tăng tổng  mức đầu tư; Bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực; Tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp bố trí và ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án ở khu vực phía Nam. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

UBND các tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công Dự án.

Các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia dự án phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện các công việc chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.

Các nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu; các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền, bảo đảm mục tiêu chính là tiến độ và chất lượng công trình.

Chính thức khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị thực hiện nghi thức nhấn nút, phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công

Đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ GTVT mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương, vì sự phát triển của đất nước. Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành Dự án đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đầu tư hạ tầng giao thông chiếm tỷ lệ lớn trong đầu tư công - một bộ phận quan trọng của đầu tư toàn xã hội. Đầu tư công vừa thể hiện nhiệm vụ đầu tư của Nhà nước cho phát triển KTXH đất nước vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh đặc thù năm 2022; đó cũng là nguồn vốn mồi để huy động và kích thích các nguồn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư theo các hình thức.

Trước tình hình rất khó khăn của năm 2022, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân, thành lập và duy trì hoạt động của 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Chỉ đạo các cấp, các ngành sửa đổi 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các Nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 07 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Kết quả là đến hết ngày 31/12/2022, giải ngân đầu tư công đạt 435,7 nghìn tỷ đồng, tuy cao hơn gần 80 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021 nhưng mới đạt 75,11% kế hoạch năm 2022.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch như đã đề ra trong khi thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2022 còn 01 tháng, tôi đánh giá cao sáng kiến của Bộ GTVT phát động "Phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông"; Bộ KHĐT phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công. Đề nghị các Ban, bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, thống nhất trong nhận thức và hành động để tạo cao trào thi đua giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả thiết thực. Trong đó:

Đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu trong tổ chức chỉ đạo, điều hành, xử lý các vướng mắc tác động đến dự án đầu tư công. Tập trung chỉ đạo thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội; làm thủ tục thanh toán tại Kho bạc ngay sau khi có khối lượng.

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển KTXH.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

"Sau lễ phát động này, tôi đề nghị các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công tập trung thi đua thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, tạo khí thế thi đua sôi nổi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền nội dung của Tháng thi đua cao điểm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Tôi trân trọng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và ở các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vận động đoàn viên, hội viên tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua và Tháng thi đua cao điểm, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KTXH hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025.

Trên tinh thần đó, tôi tuyên bố khởi công đồng thời 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công", Thủ tướng phát biểu và nhân dịp năm mới 2023, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ tướng chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu, khách quý và bà con nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi

Vinaconex tham gia thi công 2 gói thầu cao tốc Bắc - Nam khởi công hôm nay

Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Vinaconex tiếp tục vinh dự được lựa chọn là nhà thầu tham gia thi công 2/12 gói thầu thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 khởi công hôm nay. Cụ thể, gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35,32km đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư 6.044 tỷ đồng do Liên danh Vinaconex - Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) triển khai xây dựng. Gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa) do liên danh Tập đoàn Sơn Hải - Vinaconex thi công dài 30,85 km, tổng mức đầu tư 3.549 tỷ đồng.

Công nhân, máy móc của VINACONEX và các nhà thầu trong liên danh sẵn sàng thi công đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi sau lễ khởi công

11h05, tại Quảng Ngãi: Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu cam kết thực hiện công tác GPMB phục vụ thi công dự án cao tốc theo đúng kế hoạch, để dự án hoàn thành đúng thời gian và vượt thời gian đề ra.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi lễ

11h00, tại Hậu Giang: Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu

Ông Đồng Văn Thanh cho biết, vùng đất chín Rồng - đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển bằng nhiều quyết sách. 

Hôm nay, việc khởi công đồng loạt các dự án cao tốc, trong đó vùng ĐBSCL có 02 dự án thành phần đi qua với chiều dài khoảng 109km. Tỉnh Hậu Giang nhận thức đây chính là thời cơ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước nói chung và khu vực vùng ĐBSCL nói riêng, trong đó có tỉnh Hậu Giang.

Trên địa bàn Tỉnh Hậu Giang có 2 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đi qua, với chiều dài khoảng 63,6Km, bằng 57% chiều dài 02 dự án thành phần.

Ngay từ khi dự án được thông qua, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Mỹ Thuận triển khai thực hiện theo phương châm: "Khẩn trương, chắc chắn, hoàn thành dứt điểm".

"Với tinh thần đó, toàn dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã bàn giao mặt bằng đạt 94,1/109km (85%). Riêng tỉnh Hậu Giang đã bàn giao mặt bằng vượt tiến độ và sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ, với diện tích bàn giao đạt 90% diện tích phải thu hồi, tương đương 324ha/361,5ha", ông Thanh nói.

VIDEO: Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại buổi lễ

tran thang

10h55, tại Quảng Bình: Thay mặt chính quyền địa phương, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 4.

Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu

10h45, tại Quảng Bình, thay mặt các đơn vị tư vấn giám sát, ông Đặng Văn Bình - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long cam kết về tiến độ, chất lượng các dự án

Ông Đặng Văn Bình - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long phát biểu

Video: Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) phát biểu tại buổi lễ

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) phát biểu tại buổi lễ

10h35, tại Quảng Ngãi: Thay mặt đơn vị tư vấn thiết kế, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) phát biểu cam kết đồng hành với các đơn vị, nhà thầu, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 3.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) phát biểu tại buổi lễ

Video: Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi lễ

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi lễ

10h25, tại Quảng Ngãi: Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi lễ

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 3.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, thời gian là một trong những yếu tố rất quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư dự án. Hàn Quốc xây dựng đường cao tốc Seoul đi Busan dài 428km trong 2,5 năm (1968 - 1970) làm cho đất nước này "hóa rồng" đã minh chứng cho điều này. Để đảm bảo tiến độ đề ra, tại Nghị Quyết số 44/2022/QH15 Quốc hội đã cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chỉ định thầu đối với các gói thầu,… trong đó có gói thầu xây lắp.

Theo ông Hoàng, việc chỉ định thầu được kỳ vọng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và sớm hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

"Tập đoàn Đèo Cả và các nhà thầu rất vinh dự khi được Chủ đầu tư tin tưởng chỉ định thi công đoạn cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 từ Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Thay mặt cho các nhà thầu, Tập đoàn Đèo Cả xin chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành đã luôn dõi theo hoạt động của doanh nghiệp, đánh giá đúng năng lực để giao trọng trách lớn lao thực hiện 12 dự án; đây là tiền đề để các doanh nghiệp tiếp tục khẳng định uy tín, năng lực thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và vươn tầm quốc tế", ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, ý thức được trách nhiệm là nhà thầu đứng đầu liên danh, thời gian qua Tập đoàn Đèo Cả đã dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc phát triển công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản trị dự án cao tốc lần này sẽ tạo ra tính vượt trội về năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả. Tập đoàn Đèo Cả sẽ hướng dẫn các nhà thầu trong liên danh, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà thầu khác để cùng nhau hoàn thành toàn tuyến cao tốc giai đoạn 2, thay thế ngay các nhà thầu yếu kém khi xét thấy tiến độ và chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu, "Không để dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân".

Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả và các nhà thầu đang cùng chung những nỗi trăn trở, để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra vì trách nhiệm, năng lực và quyết tâm của Chúng tôi mới chỉ là "điều kiện cần" còn "điều kiện đủ" ở đây chính là sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương nơi dự án đi qua. Vì vậy, thay mặt cho các nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các mỏ vật liệu mới, đường mới tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải. Thời gian hoàn thành trước 30/1/2023.

Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ xây dựng và Bộ GTVT rà soát, chỉnh sửa, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 877/QĐ-TTg ngày 22/07/2022; Cho phép áp dụng thí điểm mô hình thông tin công trình BIM cho Dự án cao tốc; Bộ Xây dựng sớm có ý kiến về các định mức thi công chưa phù hợp mà Bộ GTVT xây dựng.

Ngoài ra, UBND các tỉnh cần khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu đã được lựa chọn trước ngày 30/01/2023 để nhà thầu triển khai đảm bảo tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên môi trường công bố chỉ số giá, đơn giá vật tư, vật liệu hàng tháng phù hợp với thực tế để đảm bảo công tác thanh, quyết toán công trình. 

VIdeo: Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ

VIDEO: Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ

10h15, tại Hậu Giang, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 3.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, hôm nay trong không khí vui mừng, phấn khởi của những ngày đầu năm mới - năm 2023, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) - Bộ Quốc phòng rất vinh dự, tự hào khi được đại diện cho các nhà thầu thi công phát biểu tại buổi Lễ khởi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 và phát động phong trào thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công. 

 Tại buổi Lễ khởi công trọng thể hôm nay, đại diện cho các nhà thầu thi công dự án, chúng tôi xin hứa tập trung nguồn lực con người, tài chính, thiết bị xe máytổ chức thi công chặt chẽ, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Hai là xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các nhà thầu thi công, chấp hành nghiêm và sử dụng chặt chẽ, đúng mục đích nguồn vốn đầu tư, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. 

Đồng thời luôn hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên công trường. Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ thêm. Việc đảm bảo đủ nguồn vật liệu cho các dự án là rất quan trọng, đặc biệt là các dự án trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, với nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường sử dụng trong năm 2023 và 2024 khoảng 18,5 triệu m3, trong khi hiện nay nguồn cung cấp tại các mỏ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng đủ nhu cầu. 

Là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm ban hành các Nghị quyết để triển khai thực hiện với nhiều cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, tạo sức lan tỏa lớn cho phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. Do đó, cần có sự cân đối, ưu tiên phân bổ nguồn vật liệu từ các địa phương có nguồn vật liệu cho các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 được khởi công hôm nay. 

Chúng tôi kính mong luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trên địa bàn các tỉnh, thành phố có dự án đi qua cũng như các địa phương có nguồn vật liệu phục vụ dự án.

Binh đoàn 12 tham gia nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 như: Cần Thơ - Hậu Giang, Bùng - Vạn Ninh,...

Video: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu phát động thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công

VIDEO: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu tại buổi lễ

10h10, tại Quảng Ngãi: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu phát động thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi lễ

Video: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi lễ khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 -2025

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi lễ

9h58, tại Quảng Bình: Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: Đảm bảo tiến độ, chất lượng gắn với hiệu quả giải ngân

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã kịp thời giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền.

Quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ GTVT, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất. Công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Năm 2023 là năm bản lề có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Điều đó đòi hỏi toàn ngành GTVT hơn lúc nào hết phải tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống đi trước mở đường (vượt nắng thắng mưa), đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của ngành, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng gắn với hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Với tinh thần đó, nhân buổi lễ ngày hôm nay, Bộ GTVT chính thức phát động các phong trào thi đua trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT với những nội dung chủ yếu sau:

Phong trào thi đua "Đẩy mạnh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công" và Phong trào thi đua "Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông".

Để các phong trào thực sự thiết thực, hiệu quả và đi vào thực chất, tạo không khí thi đua sôi nổi, đảm bảo hoàn thành mọi mục tiêu đề ra, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, các chủ đầu tư, các Ban QLDA, các chủ thể tham gia dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tập trung thực hiện 2 nhóm nội dung.

Một là, ngay sau khi khởi công dự án, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết; huy động đầy đủ nhân lực, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc hiện đại để tập trung triển khai tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường; Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.

Hai là, triển khai mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công và kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác khen thưởng để kịp thời cổ vũ, tạo khí thế thi đua tích cực trong toàn ngành.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự giám sát của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh của các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh khu vực dự án đi qua. Đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn.

9h55, tại Quảng Bình, lễ khởi công dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh đã bắt đầu 

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tham dự buổi lễ tại điểm cầu Quảng Bình

9h50, tại Quảng Ngãi, buổi lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã chính thức bắt đầu

Quảng cảnh buổi lễ khởi công đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

9h40, tại Quảng Ngãi: Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ đến tham dự lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn


Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ đến tham dự buổi lễ

9h30, tại Quảng Ngãi: Đúng 9h30, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Lễ khởi công dự án đầu tư công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2012-2025 đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, cùng đi có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và đại diện các bộ, ngành, địa phương

Trước khi vào tham dự lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe chủ đầu tư giới thiệu về thông tin dự án, hướng tuyến, phương án kỹ thuật thi công dự án.


9h20, tại Quy Nhơn, Bình Định: Công tác khởi công dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn đã sẵn sàng

Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là nhà thầu thi công tại dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn


9h15, tại Quảng Bình: Đại diện Tập đoàn CIENCO4 chia sẻ về kế hoạch triển khai thi công dự án:

Ông Nguyễn Tài Mạnh - Ban Điều hành dự án (Cienco4) chia sẻ với phóng viên

9h10, tại Quảng Bình: Đại diện nhà thầu Tổng công ty 36 cam kết bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án ngay sau lễ khởi công

Thượng tá Nguyễn Đăng Thuận, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty 36 - CTCP chia sẻ quyết tâm của nhà thầu thi công cao tốc Bùng - Vạn Ninh 

9h00, tại Quảng Bình: Công tác khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bùng - Vạn Ninh đã sẵn sàng

Tại điểm cầu Quảng Bình, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, mọi công tác chuẩn bị đều đã hoàn tất, sẵn sàng tiến hành khởi công

 

8h30, tại Hậu Giang: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm và các đại biểu đã có mặt tại buổi lễ khởi công.

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm và các đại biểu đã có mặt tại buổi lễ khởi công.

7h50 tại Quảng Ngãi: ""Giữ đúng lời hứa của tỉnh với Chính phủ"

Lễ khởi công dự án cao tốc Bắc -Nam giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trực tuyến ở 12 địa điểm

Trước giờ bấm nút khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Lê Quốc Đạt - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến nay Quảng Ngãi đã phê duyệt 75 phương án bồi thường, với diện tích thu hồi trong quy hoạch 396,5/494,6ha, đạt 80,2%. Bàn giao mặt bằng để thi công dự án được 48,94/60,3km, đạt 81,2%, giữ đúng lời hứa của tỉnh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bàn giao ít nhất 70% khối lượng mặt bằng trước ngày khởi công công trình. 

Theo ông Đạt, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam ảnh hưởng đến hơn 2.000 hộ dân trong tỉnh, với khoảng 1.300 hộ dân thuộc diện tái định cư. Vì vậy, Quảng Ngãi phải đầu tư xây dựng 24 khu tái định cư cho người dân; trong đó, các huyện Tư Nghĩa có 2 khu, Nghĩa Hành có 6 khu, Mộ Đức có 4 khu và TX.Đức Phổ có 12 khu. 

 “Hiện chúng tôi đang lập bản vẽ thiết kế và dự toán, trình thẩm định. Sau đó, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, bàn giao mặt bằng và tổ chức triển khai thi công xây dựng các khu tái định cư trước ngày 15/12/2022, để di dời người dân về nơi ở mới trong thời gian sớm nhất”, ông Đạt nói.

7h45 tại Hậu Giang: Tập trung thi công, không phụ sự tin tưởng của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính Phủ 

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, trong không khí trang trọng của buổi lễ khởi công 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 hôm nay, Tổng công ty vô cùng tự hào khi được tham gia 4 gói thầu. Trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có giá trị lớn nhất và địa chất cũng phức tạp nhất. Tổng công ty tự hào khi là liên danh đứng đầu. 

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 3.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn

"Chúng tôi xác định để đảm bảo tiến độ tại dự án này việc tập trung được vật liệu cát là quyết định sự thành công. Phía công ty đã làm việc với An Giang để chủ động trữ lượng cát phục vụ thi công về sau. Với tinh thần mở đường thắng lợi, ngay sau khi mở thầu chúng tôi đã tổ chức lực lượng, nhân công máy móc để tập trung thi công, không phụ sự tin tưởng của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính Phủ", Đại tá Ngọc nói.

7h35 tại Quảng Ngãi: Công nhân lái máy xúc: "Vui và tự hào"

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Thanh Huệ (56 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi), công nhân máy xúc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: "Hơn 20 năm tham gia thi công các công trình trên cả nước, nhưng tâm trạng hôm nay thật vui sướng, tự hào vì được tham gia đội hình xe máy khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, ngay chính trên quê hương mình. Đặc biệt vui mừng hơn khi mặt bằng thi công khởi công ngay trên cánh đồng, mặt bằng rộng thoáng. Đây là tín hiệu tích cực cho công tác triển khai thi công dự án thuận lợi, đưa dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng".

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 5.

Hướng tuyến cao tốc qua địa bàn thôn Phước An, xã Đức Hoà, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi (địa điểm diễn ra lễ khởi công)

7h30 Tại Hậu Giang: Tất cả đã sẵn sàng cho lễ khởi công

Trực tiếp: Khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 6.

Ban tổ chức đang kiểm tra lại công tác phát đường truyền dữ liệu. Lực lượng an ninh bảo đảm trật tự cho buổi lễ đã sẵn sàng. Ngay lúc này, máy móc và công nhân đại diện cho các nhà thầu liên danh thi công gồm: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 36-CTCP, Tổng công ty xây dựng số 1-CTCP, Công ty CP Đầu tư Xậy dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, Công ty CP Xây dựng Tân Nam đã tập trung tại khu vực tổ chức thi công. Tất cả đã sẵn sàng cho công tác khởi động tại buổi lễ khởi công.

7h25 tại Quảng Ngãi: Đội hình xe máy thi công dự án vào vị trí sẵn sàng nhận nhiệm vụ

7h30, trước 1 tiếng đồng hồ diễn ra lễ khởi công cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, đội hình xe máy thi công dự án vào vị trí sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

7h00 tại Quảng Ngãi: Không khí sôi động trước giờ khởi công dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn 

Đúng 8h30 buổi lễ khởi công mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm ngày 1/1/2023, người dân sống tại thôn Phước An, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt tại địa điểm diễn ra lễ khởi công dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.

Trực tiếp: Lễ khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 2.

Bà Huỳnh Thị Mai Ba (86 tuổi, trú thôn Phước An) có mặt từ sáng sớm tại địa điểm làm lễ khởi công dự án

Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 có tổng chiều dài toàn tuyến 88km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Dự án đi qua các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), có điểm đầu kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại Km127+720 (Xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) và điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 629, thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tay cầm chiếc gậy tre, mắt nhìn hàng chữ in trên băng rôn, giọng bà Huỳnh Thị Mai Ba (86 tuổi, trú thôn Phước An) run run: Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025". Đây là lần đầu tiên bà Ba nhìn thấy một dự án lớn được khởi công trên quê hương của mình.

Bà Ba là người tham gia hoạt động cách mạng, từng bị bắt, bị hành hạ dẫn đến biến chứng khiến bà không còn nghe rõ. Bà nói: "Tai không còn nghe được, nhưng mắt còn sáng, chân còn vững, phải ra tận nơi xem cho bằng được. Thấy như ri là sướng lắm, vui lắm!" Thấy quê hương từng ngày phát triển mà lòng vui sướng, bà Xuân-một người dân địa phương, nói: Từ khi nhận được sự vận động của địa phương, gia đình tôi đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Với tuyến cao tốc này, bà con hy vọng sẽ giúp tỉnh nhà ngày một phát triển hơn, khang trang hơn.

Ông Thới Văn Thành (68 tuổi, trú thôn Phước An) cho biết, gia đình ông có 2,5ha đất ruộng bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc, hiện nay ông đã bàn giao diện tích trên cho chính quyền để thực hiện khởi công dự án.

"Nghe tin Thủ tướng Chính phủ về nên những ngày trước người dân chúng tôi đã cùng nhau dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, đóng góp kinh phí, cùng với chính quyền xã mua cờ Tổ quốc, cờ phướn cắm dọc hai bên đường nối vào khu vực lễ khởi công", ông Thành nói.

Trực tiếp: Lễ khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh 4.

Nhiều người dân đã có mặt để chứng kiến buổi lễ khởi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 44/2022 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, dự án có tổng chiều dài khoảng 729 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146. 990 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.