Ngày mai (1/1/2023), Bộ GTVT tổ chức khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025), trong đó có dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, tổng mức đầu tư 20.470 tỷ đồng.
Nhà thầu giàu năng lực thi công hầm, cầu, đường cao tốc ở Việt Nam
Theo đó, tại cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, gói thầu đầu tiên của dự án được khởi công xây dựng là gói thầu XL01có giá trị 3.862 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu.
Trước đó, căn cứ quy định tại Thông tư 08/2022 của Bộ KH&ĐT và hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư, hồ sơ đề xuất của liên danh nhà thầu, chủ đầu tư (Ban QLDA2 - Bộ GTVT) đã tổ chức đánh giá và phê duyệt kết quả chỉ định thầu tại Quyết định 506/QĐ-BQLDA2 ngày 23/12/2022.
Nhà thầu được Ban QLDA2 chỉ định thực hiện gói thầu XL01 là liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.470 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu. Dự án có điểm đầu kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại Km127+720 (thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) và điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 629, thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Dự án đi qua các Huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi và Thị xã Hoài Nhơn tỉnh Bình Định.
Gói thầu đầu tiên thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được khởi công là gói XL1 dài 30 km, có giá trị 3.862 tỷ đồng, thời gian thi công 34 tháng; với quy mô công trình: đường bộ cấp I và 31 công trình cầu (4 cầu cấp II, 20 cầu cấp III, 7 cầu cấp IV).
Chia sẻ về năng lực của nhà thầu đứng đầu liên danh gói thầu XL01 của dự án, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả có đội ngũ cán bộ nhân viên trên 6.000 người, trong đó có các kỹ sư quản lý giàu năng lực, kinh nghiệm; đội ngũ công nhân lành nghề đã tham gia xây dựng nhiều công trình phức tạp đặc biệt sự góp sức của Hội đồng cố vấn là các chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực như tài chính, kỹ thuật, pháp luật, kiểm toán…
"Trong thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư bổ sung nhiều máy móc, thiết bị với giá trị trên 1.000 tỷ đồng, đặc biệt là các thiết bị thi công chuyên dụng như máy khoan hầm, máy phun vẩy, máy khoan nhồi đường kính lớn, máy đào, ô tô vận chuyển,...", đại diện Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Đáng chú ý, Tập đoàn Đèo Cả hiện đang là nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm thi công hầm lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị đã thi công hoàn thành các công trình hầm đường bộ lớn nhất tại Việt Nam (hầm Hải Vân dài 6.000m, hầm Đèo Cả dài 4.200m, hầm Cù Mông dài 2.600m) và hiện đang thi công các hầm đường bộ khác thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 như: Hầm Thung Thi dài 680m (cao tốc Mai Sơn - QL45), Trường Vinh dài 450m (cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu), hầm núi Vung dài 2.200m (cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo).
Không chỉ giàu kinh nghiệm thi công các hầm đường bộ, Tập đoàn Đèo Cả còn thi công hàng loạt các tuyến đường cao tốc đảm bảo tiến độ và chất lượng khi đã hoàn thành 2 dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận có quy mô, tiêu chuẩn tương tự dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả đang tiếp tục triển khai cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1) với vai trò là nhà đầu tư, tổng thầu thi công.
Về năng lực thi công cầu, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị đã và đang thi công các cây cầu có tính mỹ thuật và kỹ thuật cao như: Cầu vượt biển vịnh Cửa Lục tại Quảng Ninh (Cửa Lục 1, Cửa Lục 3), cầu vượt biển dẫn vào hầm Hải Vân; các cây cầu lớn trên các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Nhận diện những rủi ro khi làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Cần phải nói thêm, dù là một doanh nghiệp lớn và có nhiều kinh nghiệm triển khai xây dựng các công trình giao thông trọng điểm ở Việt Nam nhưng Tập đoàn Đèo Cả cũng đã nhận diện về những rủi ro khi thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Đầu tiên là các điều khoản tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán,… trong hợp đồng giữa Ban QLDA và nhà thầu chưa phù hợp, thiếu sự nhất quán giữa các Ban QLDA cần điều chỉnh để tránh ảnh hưởng đến tiến độ; Vai trò chủ đầu tư và quản lý dự án của các ban quản lý dự án cần tách bạch.
Bên cạnh đó, giá các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu luôn biến động theo chiều hướng tăng trong khi các địa phương công bố giá vật tư, vật liệu, chỉ số giá không kịp thời, chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho công tác điều chỉnh giá cũng như công tác thanh quyết toán, đồng thời khi các dự án đồng loạt triển khai dễ dẫn đến tình trạng các chủ mỏ đầu cơ tăng giá cao hơn so với công bố giá của địa phương.
"Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo để tháo gỡ nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ vật liệu thông thường dẫn đến nguy cơ chi phí tăng cao và chậm tiến độ", đại diện Tập đoàn Đèo Cả thông tin.
Một yếu tố rủi ro khác được Tập đoàn Đèo Cả chỉ ra là quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, xác định giá dự toán và lập hồ sơ yêu cầu dễ sai xót khi dự án được thực hiện trong thời gian ngắn, tính chất công trình theo tuyến đi qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp. Việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu sẽ là thách thức rất lớn đối với các bên tham gia thực hiện dự án trong bối cảnh hiện nay.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo các Ban QLDA tách bạch vai trò của chủ đầu tư với vai trò quản lý dự án, nhất quán các tiêu chí tạm ứng, thanh toán và quy trình nghiệm thu đồng thời xem xét lại năng lực và kinh nghiệm thực tế của cá nhân, tập thể từ các Ban QLDA đã triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 nhằm phân công phù hợp với khả năng tương tác với nhà thầu.
Tiếp đó là cơ quan chức năng cần kiểm soát giá và nguồn vật liệu. Thông qua việc quản lý dòng tiền tạm ứng từ tài khoản chuyên dụng để kiểm soát chi tiêu của các nhà thầu trong liên danh sử dụng đúng mục đích, trong đó ưu tiên giải ngân trước cho các nhà cung ứng nhằm bình ổn giá vật tư, vật liệu. Tổ chức rà soát, chủ động làm việc với ban quản lý dự án, địa phương để cùng xem xét các bất cập về chính sách nhằm đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Đồng thời, các đơn vị liên quan đến dự án cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quản trị điều hành. Riêng Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiên phong ứng dụng công nghệ số khi khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thông qua hệ thống thiết bị quét tự động "3D-Laser-Scanning" và bay chụp "LiDAR" để hạn chế sự can thiệp bằng tay của con người nhằm tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh và chính xác.
Tổ chức đánh giá lại hồ sơ thiết kế, dự toán của Chủ đầu tư để xác định độ chính xác của địa hình, vị trí mỏ vật liệu, bãi đổ thải, phạm vi GPMB,… đảm bảo việc tính đúng, tính đủ để đề xuất dự án, quản lý nhà thầu, phản biện tư vấn giám sát và phục vụ công tác hậu kiểm của Cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ được sử dụng thiết bị "3D-Laser-Scanning" trong giai đoạn thi công để tự động quét và ghi lại kích thước cấu kiện công trình, kiểm tra sự phù hợp so với hồ sơ thiết kế; xác định chính xác kích thước hình học của mái dốc taluy, chiều dày các lớp kết cấu đường (lớp nền, lớp móng, lớp mặt bê tông nhựa,…), độ dốc mui luyện mặt đường và đặc biệt xác định độ lún của nền đường trong quá trình đắp gia tải.
"Ý thức được trách nhiệm là nhà thầu đứng đầu liên danh, thời gian qua Tập đoàn Đèo Cả đã dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc phát triển công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản trị dự án cao tốc lần này sẽ tạo ra tính vượt trội về năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả", đại diện Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.