Vô số xe máy vi phạm giao thông bị thu giữ nhưng không có người đến nhận |
Thủ tục đơn giản, dễ đi vào cuộc sống
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Nghị định số 31/2020 được thi hành, áp dụng trên cả nước từ ngày 01/5 mà không cần phải chờ thông tư hướng dẫn.
Theo Điều 14 của Nghị định này, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm đủ điều kiện thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.
Các điều kiện bao gồm: Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện; tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.
Chưa tiếp nhận trường hợp người dân làm đơn bảo lãnh phương tiện Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) cho biết, việc cho người vi phạm đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ đã được quy định tại Nghị định số 115/2013.Nghị định số 31/2020 đã hướng dẫn rõ ràng về điều kiện cho người vi phạm đặt tiền bảo lãnh cho phương tiện của mình. Đây là cơ sở pháp lý để lực lượng CSGT thực hiện. Tuy nhiên, do nội dung sửa đổi còn khá mới mẻ nên trong những ngày đầu Nghị định có hiệu lực, Phòng CSGT vẫn chưa tiếp nhận trường hợp người dân nào làm đơn bảo lãnh phương tiện vi phạm. |
Cũng theo Thượng tá Nhật, việc giải quyết vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thuộc thẩm quyền của công an quận, huyện, phòng CSGT, cảnh sát đường thủy trở lên.
Với mức tiền bảo lãnh, theo quy định, muốn được giải quyết việc đặt tiền bảo lãnh thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện để được giữ, bảo quản phương tiện; trong đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính; tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện, nơi đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện.
Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện.
Một điểm đáng chú ý của Nghị định này là khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, cơ quan chức năng sẽ phải tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Phía người vi phạm tuyệt đối không được sử dụng phương tiện vi phạm tham gia giao thông trong thời gian được giao bảo quản; không được tự ý thay đổi nơi giữ.
Thuận tiện cho cả đôi bên
Đề cập tới quy định được sửa đổi này, anh Vũ Văn Hùng (30 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) cho biết: “Nghị định số 31/2020 rất thiết thực, giúp các cơ quan chức năng giải quyết được tình trạng không có chỗ giam giữ xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ”.
Ngoài ra, quy định này sẽ giải quyết vấn đề xin - cho giữa người vi phạm và lực lượng thực thi pháp luật. “Để tránh bị giữ xe, nhiều người sẵn sàng chấp nhận chi ngoài cả vài triệu đồng hoặc hơn nhằm chuyển lỗi, bỏ qua lỗi để phương tiện không phải nằm bãi phơi mưa phơi nắng. Thậm chí, không ít trường hợp “đi đường tắt”, chạy vạy để được nhận lại xe sớm hơn thời hạn quy định tại khung xử phạt. Đây là nguyên nhân gây phát sinh tiêu cực trong xử lý vi phạm”, anh Hùng nhấn mạnh.
Thực tế, tại các thành phố lớn, lực lượng công an sở tại vẫn chưa có một bãi tạm giữ phương tiện đúng nghĩa. Xe vi phạm vẫn phải đưa về các bãi ngoài để giữ, từ đây phát sinh một vấn đề nhạy cảm khác là giá trông giữ phương tiện vi phạm.
Trung tá Phạm Văn Tuyến - nguyên cán bộ Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) nhìn nhận, nhiều bãi trông giữ nắm được tâm lý muốn nhanh chóng lấy xe ra sớm của người vi phạm nên vô tư hét giá, “chặt chém”, làm phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng chức năng.
“Việc cho người dân nộp tiền bảo lãnh, tự mang xe về bảo quản vừa giúp họ yên tâm, vừa bớt được một gánh nặng ngân sách, hạ tầng dành cho các bãi tạm giữ xe vi phạm... nên chính quyền sẽ được lợi lớn. Bên cạnh đó, việc có thể nộp tiền bảo lãnh để không bị tạm giữ xe cũng sẽ góp phần đẩy lùi tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm giao thông”, Trung tá Tuyến cho biết thêm.
Về phía lực lượng chức năng, việc cho phép người vi phạm giao thông nộp tiền bảo lãnh để tự quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm sẽ giảm áp lực trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Trung tá Trần Quang Vinh - Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) phân tích, khi tạm giữ phương tiện, chủ phương tiện ngoài việc nộp phạt phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản phương tiện... trong thời gian phương tiện bị tạm giữ.
Trong khi đó, bảo lãnh xe về để tự bảo quản, chủ xe sẽ chỉ mất tiền nộp phạt. Còn với CSGT, việc bảo lãnh phương tiện sẽ giúp họ không phải “đau đầu” với việc tìm chỗ trông giữ trong bối cảnh các bãi trông giữ xe vi phạm đang quá tải nghiêm trọng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.