Phong phú chợ hoa tết
Cứ đến những ngày giáp Tết, phố phường Hà Nội đông vui nhộn nhịp một cách lạ thường, nhà nhà người người rủ nhau đi sắm Tết, chơi Tết. Dù bận đến mấy, người ta cũng phải dành thời gian đi chợ hoa, ngoài chuyện mua hoa và cây cảnh để bài trí nhà cửa, sân vườn đón năm mới còn là thú vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên ban tặng cho con người vào thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ.
Hà Nội có rất nhiều chợ hoa Tết nhưng nổi bật nhất là chợ hoa Hàng Lược, Quảng An, Hà Đông… Mỗi chợ hoa lại có một nét đặc thù riêng như chợ hoa Hà Đông nổi tiếng với những cây mai vàng, mai trắng, chợ hoa Hàng Lược là địa điểm nhiều người yêu thích nhất, còn chợ hoa Quảng An lại mang đậm sắc đào Nhật Tân cũng như sắc màu của các loài hoa. Các chợ hoa bắt đầu họp từ 10 đến 15 ngày trước Tết.
Chợ hoa Hàng Lược mang tính truyền thống nhất, các loài hoa từ những cánh đồng vùng ngoại thành, nhất là vùng ven Hồ Tây nổi tiếng được người bán gồng gánh về đây tạo nên một chợ hoa rực rỡ sắc màu. Nhờ tuyến phố trải dài mà những cành đào trên tay người bán có được không gian để người mua thỏa thích ngắm nhìn trước khi quyết định rước sắc xuân về nhà. Tại phiên chợ này, mọi người có thể dạo chơi, ngắm nhìn, chụp ảnh với tất cả các hàng hoa mà không nhất thiết phải mua. Chợ hoa truyền thống này đã đi vào thi ca nhạc họa, trong bài hát “Mãi vẫn là tuổi thơ Hà Nội” với “Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ, đất Thăng Long người ơi…” quả là đẹp và sẽ chẳng bao giờ già nua với thời gian và mùa xuân.
Đồng thời, người Hà Nội có thú chơi hoa Tết rất tao nhã mà thanh cao, nhưng trên hết, đào được xem như hoa hậu, một loài hoa đặc trưng cho ngày Tết của người miền Bắc nói chung. Mặc dù vậy, lại có nhiều người thích chơi thủy tiên. Ngày Tết, trên ban thờ gia tiên và bàn tiếp khách, có những bình hoa thủy tiên thơm ngát hương, đó là cách chào xuân của nhiều gia đình Hà Nội, để rồi vào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người chơi hoa ngồi chăm chú bên bình thủy tiên, đợi đến thời khắc hoa nở. Người ta cho rằng, nếu hoa thủy tiên nở đúng lúc giao thừa, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn trong suốt cả năm.
Vài năm trở lại đây, để tránh thế đơn điệu và nhàm chán, người Hà Nội còn rộ lên mốt chơi phong lan ngày Tết. Để có được một chậu lan đẹp chơi Tết, rất nhiều người đã lặn lội vào tận những trang trại lan ở Mê Linh, Đà Lạt để đặt hàng từ nhiều tháng trước Tết. Người Hà Nội không chỉ cắm hoa, chơi hoa vào riêng dịp Tết mà hàng ngày, hàng tháng, thú chơi hoa, cắm hoa đã trở thành thói quen, nét đẹp truyền thống. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, nét đẹp văn hóa ấy lại được chăm chút và phát huy hơn nữa.
Ấm áp tình xuân
Đối với những đứa trẻ thành phố, niềm vui trong sinh hoạt, không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết như gói bánh chưng, làm mứt, trang trí cây nêu là những điều “xa xỉ”, chỉ được xem trên vô tuyến, đọc trên sách báo. Cuộc sống thành thị như một guồng máy công nghiệp, mọi người không còn thời gian để ngồi lau lá dong, đãi gạo nếp, đỗ xanh hay ngồi canh mẻ mứt trên bếp lửa hồng nữa. Chỉ mất 1 tiếng đi siêu thị, tất cả mọi thứ đều được chuẩn bị xong xuôi từ bánh chưng, mứt tết cho đến cả xôi, gà cúng, mâm ngũ quả... Còn đâu những phiên chợ Tết đông vui, sinh động tiếng người mua kẻ bán hòa trộn cùng tiếng gà gáy, tiếng chim kêu.
Có thể nói rằng, chợ hoa Tết là nét đẹp truyền thông duy nhất mà những đứa trẻ thành phố có thể cảm nhận. Khi còn nhỏ, cứ mỗi độ giáp Tết, tôi rất háo hức, mong chờ từng ngày để bố mẹ được nghỉ đưa đi chợ hoa Hàng Lược. Tôi luôn mong đợi đến ngày này một phần là được đi chơi, đi xem những bông hoa tươi thắm nhiều màu sắc và chọn mua cho gia đình chơi Tết, còn một phần là được nghe bố kể nhiều câu chuyện thú vị. Năm nào cũng vậy, mỗi khi đi chợ hoa cùng gia đình, điều tôi mong chờ nhất là được nghe những câu chuyện ngày xưa bố, mẹ tôi đón Tết như thế nào. Mặc dù đã nghe nhiều lần nhưng những câu chuyện đó không bao giờ trở nên nhàm chán với tôi. Cứ khi nhìn thấy hình ảnh người bán đào trên vai vác cành đào to sụ, trên tay cầm những nhánh đào nhỏ đi mời khách mua, bố lại để cho tôi nghe câu chuyện ngày xưa bố cùng bà chặt đào nhà đem ra chợ Tết bán kiếm tiền mua lá dong, gạo nếp, đỗ về gói bánh chưng và mua khoai tây, bí về làm mứt.
“Thời đó ông bà nghèo lắm, cứ đến gần Tết là cả nhà bận rộn xem trong vườn có gì bán được đem hết ra chợ để lấy tiền mua đồ Tết. Bà đứng ở đầu chợ bán đào, bán hoa đồng tiền, cô con thì đứng ở giữa chợ bán rau, còn bố và các chú thì cứ chạy đi chạy lại từ nhà lên chợ để mang đồ cho bà bán. Bao nhiêu tiền kiếm được bà lại mua đồ chuẩn bị Tết. Ngày đi chợ, tối về bà lại vào bếp xào mứt, ông thì gói bánh chưng, hầu như những ngày gần Tết không ai ngủ. Mệt nhưng mà vui, cả năm mới có một dịp cả gia đình cùng làm bên nhau như vậy”, bố tôi kể.
Đối với tôi, những câu chuyện đó còn sinh động hơn cả những hình ảnh xem trên ti vi, trên sách báo. Mỗi lần đi chợ hoa Tết, bố dắt tay tôi vừa đi ngắm hoa, vừa chỉ cho tôi thấy thế nào là đào đơn đào kép, đào phai đào bích hay tại sao mọi người lại cắm hoa hải đường vào ngày Tết và hơn hết là bố trả lời hàng loạt câu hỏi vì sao ngày Tết phải như thế này, phải như thế kia mà tôi đưa ra. Điều đáng nói, dù lúc đó tôi còn khá nhỏ nhưng bố mẹ luôn cho tôi chọn từ phong bao lì xì, đồ trang trí cây và mẹ dạy tôi chọn hoa như thế nào mới đẹp.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, nhìn lại những kí ức đó mới thấy ý nghĩa, ấm áp biết bao. Chợ hoa ngày Tết đã trở thành ký ức tuổi thơ khó phai trong tâm trí tôi. Nó không chỉ là khoảng thời gian cả nhà thư thái đi ngắm hoa, chọn hoa trang trí ngày Tết mà đó còn là những buổi học quý giá về các giá trị truyền thống tưởng chừng như đã bị lãng quên trong nhịp sống hối hả thường ngày.
“Hương vị” Tết xưa với những nếp sinh hoạt truyền thống dù có ở nơi đâu, trong môi trường nào vẫn luôn được người Việt Nam gìn giữ và truyền lại cho con cháu .
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.