Chợ nổi nhìn từ góc độ an toàn giao thông

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
21/08/2019 10:57

Chợ nổi là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch vì nó gắn liền với tập tục, và là nét đặc trưng của con người và văn hoá vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, mặt trái chợ nổi là để lại bao nỗi băn khoăn về ô nhiễm môi trường nước và đặc biệt là an toàn giao thông, vậy bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nhưng phải an toàn là điều phải suy nghĩ.


 

DSCF6668
Chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ cảnh buôn bán tấp nập

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Ở Đồng bằng sông Cửu Long khi nói đến chợ nổi phải kể đến Chợ Cái Răng nằm ở cách thành phố Cần Thơ khoảng 5km về phía Tây, chợ nổi Phụng Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang, chợ nổi Cà Mau nằm tại thành phố Cà Mau là vẫn giữ được nét mộc mạc vốn có, khác chăng là những chiếc ghe chèo ngày xưa, nay được gắn động cơ với nhiều kiểu dáng mẫu mã khác nhau.

DSCF6676
"Bẹo hàng" cách tiếp thị độc đáo vùng sông nước

Tại đây, thuyền bè đi lại tấp nập, mỗi một chiếc thuyền là một quầy hàng hoá di động. Người bán thịt, kẻ bán rau, trái cây… thôi thì thượng vàng hạ cám, “trên trời dưới bể” thứ gì cũng có. Ghe nào bán thứ gì thì "bẹo hàng", treo thứ đó lên cây sào trước thuyền người mua căn cứ vào nhưng thứ treo trên đầu sào để tìm những thứ mình mua. Người mua kẻ bán, tiếng động cơ đan lẫn vào nhau làm huyên náo cả một khúc sông.

Chợ nổi là một tập quán sinh hoạt của bà con vùng sông nước đã có từ rất lâu, theo thói quen thuyền bè thường không đậu tập trung, mà đậu nơi nước sâu để những ghe nhỏ hơn luồn lách bên trong để buôn bán do đó các phương tiện đến họp chợ thường xuyên lấn chiếm luồng, gây ảnh hưởng đến giao thông và là nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn giao thông. Các chợ đều họp tại các ngã ba, ngã tư lấn luồng chạy tàu, những phương tiện thuỷ gia dụng chạy cắt mặt những phương tiện lớn và các chợ này thường che khuất tầm nhìn của các phương tiện khác khi đến ngã ba ngã tư còn ở trên bờ thì các hộ dân tại các khu chợ nổi đều lấn chiếm bờ sông, ý thức chấp hành luật giao thông đường thuỷ rất kém, nhiều phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn... luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Dù chưa có vụ TNGT nào xảy ra nhưng nó tiềm ẩn yếu tố mất an toàn giao thông đường thuỷ, mất trật tự bởi sự lộn xộn của các thuyền buôn tại các chợ đã tạo khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan chợ nổi với ấn tượng nhếch nhác, thuyền bè đậu mất trật tự, đặc biệt là khi các cơ quan chức năng đến thì thuyền bè chạy dạt từ chỗ này sang chỗ khác, khi lực lượng kiểm tra đi khỏi thì đâu lại vào đấy. Góp phần không nhỏ cho sự mất an toàn là những thanh niên mới lớn đến chợ đã sử dụng “chân vịt” xuồng máy để đùa cợt một vòng nước bao quanh đuôi chiếc ghe làm cho phương tiện ở phía sau không thể quan sát được rất dễ xảy ra tai nạn.

Cần được quy hoạch lại

DSCF1997
Phương tiện neo đậu tuy tiện, không theo hàng lối, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT

Chiếc ca nô chở chúng tôi đi chợ Cái Răng chốc chốc lại phải dừng lại gỡ rác bám quanh chân vịt. Người mua, kẻ bán tiếng động cơ đan lẫn vào nhau làm huyên náo cả một khúc sông. Không nơi nào phương tiện thuỷ lại phát triển đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng như ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi một địa phương có một kiểu đóng và trang trí khác nhau, chỉ cần nhìn chiếc ghe là có thể biết được chiếc ghe từ vùng nào đến. Kéo theo đó là sử dụng động cơ tuỳ tiện nhiều loại từ phương tiện thuỷ gia dụng gắn máy cole, cho đến động cơ của máy công nông, nhưng gây ồn nhất phải nói đến những chiếc ghe chở khách được gắn máy ô tô, ống giảm thanh chỉ dài khoảng 20cm, âm thanh phát ra thì đinh tai nhức óc. Từ mờ sáng những phương tiện này đua nhau nổ máy, chạy qua chạy lại. Kéo theo đó là khí thải, dầu nhớt và những phụ phẩm trong quá trình mua bán không sử dụng được là những người dân xả trực tiếp, lòng sông bỗng trở thành nơi chứa rác thải của chợ.

DSCF2013
Phương tiện vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa khá phổ biến

Chợ nổi đã gắn liền với đời sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng giống như chợ phiên ở những làng quê vùng đồng bằng trên bộ. Vì vậy, không thể loại bỏ nó nhưng cần được quy hoạch và quản lý chợ nổi như một loại hình sinh hoạt văn hoá. Để làm được điều đó cần sự có sự phối hợp giữa các ngành văn hoá, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đường sông. Nên chăng các tỉnh có chợ nổi hoạt động dành một qũy đất ở gần khu họp chợ, đào sâu vào bên trong hoặc làm hẳn một con kênh đào tại đây các ghe, thuyền được sắp xếp theo trật tự, giữa các ghe có lối đi lại dành cho khách tham qua. Có như vậy hình ảnh chợ nổi vẫn giữ được những giá trị vốn có, mà khách du lịch đến tham quan và mua sắm, cảm nhận được  nét hoá đặc sắc, chính người dân địa phương là người được thu lợi trực tiếp từ khách du lịch đồng thời cũng giải quyết được tình trạng mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực chợ nổi hoạt động .

Ý kiến của bạn

Bình luận