Quý I/2018, thị trường xe được kỳ vọng sẽ “nổ máy, tăng ga”, nhưng trên thực tế tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng vẫn bao trùm thị trường xe. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 3 đạt 21.127 xe, tăng 70% so với tháng 02 nhưng lại giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3 cũng giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 4.200 chiếc được nhập vào Việt Nam, trong đó có trên 3.100 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam giảm 84% về số lượng và 75,8% về trị giá.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan chiếm số lượng áp đảo với 3.470 chiếc, từ Nga là 305 chiếc, từ Trung Quốc là 180 chiếc, từ Nhật Bản là 56 chiếc, từ Hàn Quốc là 43 chiếc và từ Mỹ là 39 chiếc. Trong khi đó, lượng xe nhập từ quốc gia ASEAN khác là Indonesia chỉ có 3 chiếc.
Trong số ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, có lô hàng hơn 2.000 xe của Honda Việt Nam. Việc Thái Lan cấp Giấy chứng nhận kiểu loại đã tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Chính phủ ban hành.
Các chuyên gia cũng nhận định, thời gian tới Indonesia cũng sẽ cấp Giấy chứng nhận kiểu loại cho ô tô xuất khẩu sang Việt Nam. Từ đó, ô tô từ đất nước xuất khẩu xe sang Việt Nam lớn thứ ba này sẽ tăng mạnh, nhất là khi thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN đã giảm xuống 0%.
Thông tin nhiều hãng xe sẽ ồ ạt nhập khẩu xe mới trong thời gian tới đang làm đau đầu các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất xe trong nước để giải bài toán giảm giá, tăng khuyến mãi để cạnh tranh, giữ thị phần.
Tuy có nhiều tín hiệu mới trên thị trường ô tô nhập khẩu, đặc biệt là việc giảm thuế xuống 0% đối với xe từ các nước ASEAN, nhưng thực tế giá xe vẫn không giảm nhiều so với kỳ vọng.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia, trong năm 2017 các hãng xe đã liên tục giảm giá rất mạnh mẽ, điều này được ví như một “cơn bão” lịch sử của thị trường xe. Đây là một yếu tố quan trọng khiến giá xe trong năm 2018 sau khi được áp dụng thuế 0% không giảm nhiều nữa. Bên cạnh đó, chi phí ảnh hưởng trong khâu nhập khẩu theo các quy định mới cũng làm tăng chi phí, từ đó việc kéo giảm giá thành xe sẽ không mạnh như kỳ vọng.
Trên một diễn biến khác, rất nhiều giả thiết được đưa ra mà nổi bật là dự đoán về xe sản xuất, lắp ráp trong nước có thể có ưu đãi chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước; miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất linh kiện... nhằm giảm giá xe nội, tạo áp lực cạnh tranh.
Về phía người tiêu dùng, tâm lý lo lắng trước những biến động về giá khiến tâm lý chờ đợi vẫn tiếp tục diễn ra và ngày càng nặng nề hơn. Với nguồn cung dồi dào nhưng cầu lại rất thấp cũng sẽ khiến cuộc đua giảm giá mới có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Từng được xem là một giải pháp an toàn trong cơn bão giảm giá xuyên suốt năm 2017, thị trường ô tô cũ cũng đang lâm vào cảnh khốn khó khi các gian hàng ế dài vắng bóng người mua. Hầu hết, khách đến các showroom ô tô cũ chỉ để tham khảo, “nghe ngóng” biến động giảm giá xe mới được ưu đãi thuế để có sự so sánh. Mặt khác, bên cạnh sự chờ đợi giảm giá ô tô mới, loại hình dịch vụ cho vay mua ô tô trả góp giúp khách hàng có thể vay tới 70% giá trị xe cũng được xem là một yếu tố khiến thị trường xe cũ ế ẩm
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.