Công nghệ thu phí không dừng |
Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong ngành GTVT
Đưa công nghệ vào dịch vụ công trực tuyến
Xác định dịch vụ công trực tuyến là tiền đề đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, thời gian qua Bộ GTVT đã cung cấp 255 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (165 dịch vụ mức độ 3, 90 dịch vụ mức độ 4). Trong hai năm 2017 - 2018, mỗi năm có gần 400.000 hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến trong tổng số 1,6 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. 3 năm liên tiếp (2016 - 2018), Bộ GTVT dẫn đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (trong số 20 bộ, ngành) theo đánh giá xếp hạng ICT Index quốc gia. Theo đó, nhiều lĩnh vực của Ngành đã có những thay đổi tích cực, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Đăng kiểm tập trung xây dựng cổng thông tin điện tử và thực hiện xong 5 thủ tục hành chính công trực tuyến cấp độ 4 cho tất cả các thủ tục liên quan đến đăng ký, kiểm tra và chứng nhận đối với xe cơ giới nhập khẩu; 4 thủ tục hành chính công trực tuyến cấp độ 3 trong các lĩnh vực tàu biển, đường sắt và đường bộ; tính đến nay đã có 57.501 số hồ sơ nộp trực tuyến và cấp 616.659 giấy phép điện tử.
Hàng hải với 12/12 thủ tục đang triển khai thí điểm, hoàn thành và triển khai chính thức từ ngày 01/7/2018; tính đến ngày 15/11/2018 có 38.974 hồ sơ nộp trực tuyến, cấp 35.440 giấy phép điện tử. Đường thủy nội địa có 4 thủ tục hoàn thành và triển khai chính thức từ ngày 25/7/2018; tính đến ngày 15/11/2018 đã cấp phép cho 102 lượt tàu biển xuất, nhập cảnh.Đường bộ đã triển khai chính thức 60/65 thủ tục tại Tổng cục ĐBVN và 63 sở GTVT cho tất cả đối tượng sử dụng. Tính đến ngày 15/11/2018, có 316 hồ sơ nộp trực tuyến với 42 doanh nghiệp tham gia, bên cạnh đó 5 thủ tục liên quan đến gia hạn giấy phép vận tải và thời gian lưu hành tại Việt Nam cho các phương tiện nước ngoài.Hàng không từ ngày 01/11/2018 chính thức kết nối dữ liệu hành khách trước chuyến bay giữa Cổng Thông tin Một cửa quốc gia và phần mềm nghiệp vụ của Cục Hàng không Việt Nam.
Công nghệ làm điểm tựa đổi mới
Lĩnh vực đường bộ
Công nghệ giám sát, điều hành giao thông trên cao tốc |
Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục ĐBVN ứng dụng cơ sở dữ liệu tập trung trong triển khai xây dựng các hệ thống cơ sở dự liệu tập trung như: Dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát tải trọng xe, giấy phép lái xe, thu phí, quản lý cầu...
Tổng cục ĐBVN đã xây dựng xong hệ thống quản lý đường bộ PMS, đã hoàn thiện mô-đun tự động cảnh báo tình trạng khai thác tuyến đường, lập kế hoạch sửa chữa đường bộ hàng năm và kế hoạch dài hạn cho các cục quản lý đường bộ hoàn toàn tự động với các thông tin cơ bản: Tên đường, tuyến đường, cấp quản lý, đoạn đường cần sửa chữa, chiều dài, làn đường, năm lập kế hoạch, phương thức sửa chữa, phân cấp thực hiện, đơn giá, khối lượng, giá thành sửa chữa. Năm 2018, hệ thống đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm và dự kiến năm 2019 sẽ đi vào hoạt động chính thức.
Công tác quản lý vận tải đường bộ đã “xây dựng và duy trì hoạt động của Trung tâm Xử lý và khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình”. Dữ liệu về vận hành phương tiện như: Hành trình, tốc độ trên nền bản đồ số, giám sát quá tốc độ, dừng đỗ theo quy định được quản lý nhằm khai thác, kiểm soát đáp ứng các yêu cầu quản lý của Ngành đối với các phương tiện vận tải lắp thiết bị giám sát hành chính. Hiện nay, hệ thống đã kết nối dữ liệu giám sát hành trình với hơn 745.822 xe ô tô trên toàn quốc, kết nối với dữ liệu biển báo tốc độ để kiểm soát tốc độ xe theo cung đường.
Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát tải trọng xe được Tổng cục ĐBVN triển khai xây dựng từ năm 2013, đến nay hệ thống phần mềm giám sát và quản lý tập trung dữ liệu tải trọng xe đang kết nối với 63 trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động và 14 trạm kiểm soát tải trọng xe cố định, đóng vai trò là nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về tình hình kiểm soát tải trọng xe của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong năm 2018, lĩnh vực này cũng sẽ hoàn thiện công tác ứng dụng quản lý đấu nối trên tuyến quốc lộ. Hệ thống kiểm soát tải trọng xe hàng ngày đang xử lý trung bình trên 60.000 lượt phiếu kiểm soát tải trọng xe tự động kết nối dữ liệu thông tin về phương tiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam để chiết xuất các thông tin: Tên trạm cân, địa bàn, số xe không vi phạm, số xe vi phạm, loại xe, tổng số trục, trọng lượng xe, số giấy phép lưu hành xe, kết quả cân xe, vượt tải trọng, vượt kích thước thùng hàng.
Thực hiện việc đổi mới mẫu giấy phép lái xe theo tiêu chuẩn ICAO, sử dụng công nghệ IPI mã hóa thông tin ẩn trên ảnh của người lái xe, áp dụng chứng thư số trên chữ ký và con dấu của cơ quan quản lý để phê duyệt cấp giấy phép lái xe. Cơ sở dữ liệu quản lý Giấy phép lái xe (GPLX) triển khai trên toàn quốc quản lý người học từ lúc đăng ký học đến khi được cấp GPLX. Hiện nay, dữ liệu GPLX đã tập trung tại Tổng cục ĐBVN với hơn 6,4 triệu GPLX ô tô và hơn 15,8 triệu GPLX mô tô, đồng thời hỗ trợ nguời dân và doanh nghiệp trong việc tham khảo, tra cứu thông tin về GPLX, thông tin về vi phạm của người lái xe.
Hệ thống thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tự động không dừng: Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bắt đầu vận hành từ ngày 30/10/2017. Dịch vụ thu phí tự động không dừng sử dụng công nghệ RFID giúp cho phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng lại thực hiện giao dịch, khách hàng đăng ký mở tài khoản thông qua dịch vụ của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và thực hiện giao dịch thanh toán tự động phí dịch vụ sử dụng đường bộ qua thẻ Etag dán trên kính xe tương tác với hệ thống thu phí tự động được lắp đặt tại trạm thu phí. Đây là dịch vụ tiên tiến trên thế giới và theo lộ trình đến năm 2020, tất cả các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc đều lắp đặt dịch vụ thu phí tự động.
Lĩnh vực đăng kiểm
Những năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng kiểm, bao gồm: Xây dựng mới phần mềm quản lý đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; trang bị các phần mềm phục vụ cho công tác thẩm định thiết kế đóng mới, hoán cải tàu biển và công trình dầu khí biển, đo dung tích, lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá trạng thái của phương tiện đang khai thác, ứng phó sự cố hàng hải trên biển; đổi mới toàn bộ hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu và kiểm tra tàu biển/công trình dầu khí biển qua mạng máy tính và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2006; hoàn thành và nâng cấp hệ thống quản lý giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển và phương tiện thủy nội địa; hoàn thành phần mềm quản lý cơ sở đóng tàu và cơ sở cung cấp dịch vụ kiểm tra kỹ thuật tàu biển để hỗ trợ và kiểm soát chất lượng công tác đánh giá công nhận năng lực các cơ sở đóng tàu; quản lý công tác đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh, lao động hàng hải đối với tàu biển.
Đối với phương tiện đường bộ đã phát hành 100% hóa đơn điện tử đối với các thủ tục kiểm tra và chứng nhận xe cơ giới nhập khẩu triển khai trên Cổng Thông tin Một cửa quốc gia kể từ tháng 3/2016. Hiện nay, Cục đang xây dựng các thủ tục trực tuyến đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GTVT. Việc kiểm định xe cơ giới tại các đơn vị đăng kiểm đang được thực hiện đồng bộ trên Chương trình quản lý kiểm định xe cơ giới.
Ứng dụng công nghệ thông tin tối đa trong quản lý, điều hành công tác đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt: Thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt trên phần mềm quản lý RAM. Việc quản lý, phối hợp giữa bộ phận quản lý giữa Cục và các cơ sở đăng kiểm đường sắt trong cả nước được thông qua các báo cáo điện tử công việc hàng ngày và qua phần mềm Skype; cung cấp thông tin và tình hình triển khai các chương trình, dự án, đề án đang triển khai liên quan đến công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0.
Lĩnh vực đường thủy nội địa
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tăng cường ứng dụng các phần mềm quản lý nghiệp vụ cảng vụ, phần mềm quản lý hạ tầng, phần mềm quản lý đăng ký phương tiện thủy nội địa; quản lý bằng, cấp mới chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa, phần mềm phục vụ vận tải và ATGT như: Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu trực tuyến hơn 5.000 cảng/bến thủy nội địa trên toàn quốc, đưa lên bản đồ số; quản lý phương tiện ra vào cảng, bến, cấp phép bằng phần mềm cho phép chủ phương tiện có thể tiến hành làm thủ tục qua các phương thức như: website, email, tin nhắn sms, fax, điện thoại; triển khai thử nghiệm lắp đặt 12 trạm đo mực nước tự động tại một số tuyến sông, dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống phao tiêu báo hiệu đường thủy nội địa gồm hơn 18.000 phao, báo hiệu đã được số hóa trên phần mềm và đang dần thay thế bằng phao có gắn hệ thống giám sát tình trạng hoạt động và cảnh báo dời vị trí, cảnh báo giao thông; đã xây dựng thí điểm 3 tuyến vận tải trên Hải đồ điện tử đường thủy I-ENC theo tiêu chuẩn quốc tế; sử dụng phần mềm trong quản lý phương tiện thủy nội địa, bằng lái, chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện. Ứng dụng quản lý phương tiện thủy nội địa qua Hệ thống Thiết bị nhận dạng tự động (AIS); trên hệ thống đường thủy nội địa quốc gia đã có 55 trạm thu tín hiệu AIS; lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trực tuyến đảm bảo giao thông, đếm lượt phương tiện tại các vị trí trọng điểm cùng với hệ thống cảnh báo tĩnh không cầu.
Lĩnh vực hàng hải
Thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam tăng cường ứng dụng các phần mềm quản lý nghiệp vụ cảng vụ, phần mềm quản lý hạ tầng, phần mềm quản lý đăng ký phương tiện, quản lý bằng, cấp mới chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện, phần mềm phục vụ vận tải và ATGT như:
Xây dựng và đưa vào sử dụng Trang Thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam nhằm phổ biến, tuyên truyền thông tin về hoạt động của Ngành về thông tin tàu biển, thuyền viên, luồng hàng hải... đến người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và thuận tiện. Cục đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm kiểm tra tàu biển từ năm 2013 có chức năng trao đổi, theo dõi thông tin kiểm tra tàu biển của Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ. Từ tháng 12/2015 đã đưa phần mềm cung cấp thông tin cập nhật về bình đồ luồng hàng hải điện tử (ENC) của 43 tuyến luồng hàng hải, các thông báo hàng hải và thông tin về hệ thống đèn biển (94 đèn biển). Hệ thống đã giúp cho người đi biển và các cơ quan quản lý nhà nước có thể cập nhật các thông tin về bình đồ luồng hàng hải, thông báo hàng hải và hệ thống đèn biển một cách dễ dàng, thuận tiện.Hệ thống AIS được Vishipel đầu tư, đưa vào hoạt động từ năm 2013 với chức năng thu nhận bản tin AIS từ các phương tiện lắp đặt thiết bị AIS (vùng thu nhận được giới hạn trong phạm vi tầm phủ sóng VHF, tính từ vị trí lắp đặt trạm thu AIS); cung cấp thông tin nhận dạng, vị trí, hành trình di chuyển và các thông tin liên quan của các phương tiện cho người sử dụng; cho phép tra cứu lịch sử hành trình tàu trong quá khứ theo nhu cầu của người sử dụng.
Lĩnh vực hàng không
Hiện nay, các tàu bay mới (B787, A350) đều có kết nối Internet thông qua vệ tinh. Hệ thống công nghệ thông tin trên tàu bay bao gồm 3 phân hệ chính: Phân hệ hành khách (giải trí, kết nối Internet không dây), phân hệ quản lý của hãng hàng không (ghi, lưu trữ và truyền dữ liệu bay) và phân hệ kiểm soát tàu bay (lái tự động) được bảo đảm an toàn an ninh mạng ở mức độ cao nhất về công nghệ.
Hàng không đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm thi trực tuyến lý thuyết cho 4 đối tượng nhân viên hàng không thuộc các lĩnh vực: An ninh hàng không, quản lý cảng hàng không, sân bay, quản lý hoạt động bay, tiêu chuẩn an toàn bay; ứng dụng phần mềm CASORT (Civil Aviation Safety Oversight and Tracking) là một công cụ được cung cấp để thực hiện các chức năng liên quan đến cơ sở dữ liệu tàu bay và giám sát viên an toàn bay với mục đích đảm bảo an toàn các hoạt động hàng không dân dụng trên cơ sở các bản ghi (record) các hoạt động (action) của những người đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động giám sát và cập nhật hồ sơ. Các bản ghi và hoạt động có thể được tìm kiếm (tracking) và truy cập (access) từ bất cứ địa điểm nào có mạng Internet và hiện được nhiều nhà chức trách hàng không các nước trên thế giới sử dụng.
Các tàu bay đều được trang bị chế độ lái tự động (AutoPilot), hệ thống cảnh báo va chạm giữa các máy bay (TCAS). Trung tâm kiểm soát đường dài, tiếp cận có hệ thống tự động quản lý không lưu (ATM), hệ thống tích hợp xử lý kế hoạch bay và dữ liệu bay, hệ thống xử lý điện văn không lưu (AMHS), các hệ thống SIM công nghệ 3D phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo… Hệ thống đặt vé giữ chỗ toàn cầu (Galileo, Amadeus), hệ thống làm thủ tục hành khách (Sabres) của các hãng hàng không, hệ thống thông tin hành khách trước chuyến bay (APIS) tại các cảng vụ hàng không, hệ thống CUTE (Common Use Terminal Equipment) làm thủ tục hành khách tại các CHK...
Phải làm chủ được công nghệ mới nâng cao năng suất lao động Phát biểu chỉ đạo mới đây về công tác ứng dụng khoa học công nghệ của ngành GTVT trong cuộc cách mạng 4.0, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, nhất là trong quản lý, vận hành, khai thác GTVT, trong đó sử dụng trí tuệ nhân tạo; kết nối các cơ sở dữ liệu GTVT giữa các cơ quan, đơn vị để dùng chung; ứng dụng công nghệ mới ở các lĩnh vực GTVT. Các nội dung chương trình đề xuất phải cụ thể, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao; chủ động cập nhật, nâng cao nhận thức về xu thế phát triển, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động quản lý, sản xuất của đơn vị, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường năng lực, chủ động tiếp cận và làm chủ công nghệ. Các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng đổi mới chương trình, mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.