Chủ du thuyền hồ Tây đề nghị hỗ trợ khi tháo dỡ bán sắt vụn

Doanh nhân 23/02/2017 10:18

Đồng ý với chủ trương di dời các du thuyền về vị trí tập kết và tháo dỡ nhưng bốn chủ du thuyền đề nghị Hà Nội hỗ trợ tài chính.

 

Chủ du thuyền hồ Tây đề nghị hỗ trợ khi tháo dỡ bá
Du thuyền hồ Tây trước thời điểm bị tháo dỡ - Ảnh: Xuân Long

Bốn doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên hồ Tây đã có đơn kiến nghị trước thời điểm UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ thực hiện cưỡng chế tháo dỡ cầu dẫn, sàn cứng khu vực bến thủy nội địa của các du thuyền, dự kiến sáng 23-2.

Bà Nguyễn Thị Mai, giám đốc Công ty TNHH Nhuận Mai - chủ du thuyền Tây Long, nói các doanh nghiệp chấp hành chủ trương của thành phố về di dời, nhưng khi các doanh nghiệp còn đang thẩm định lại giá trị tàu, phường đã quyết định thời hạn cưỡng chế.

Ông Phương Năng Thắng, giám đốc Công ty TNHH du thuyền hồ Tây, cho biết để các du thuyền hoạt động thì phải có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.

Giấy phép này do Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp với thời hạn một năm chứ không cấp dài hạn.

Từ năm 2009, khi các giấy phép hoạt động bến thủy nội địa ở hồ Tây hết hạn, các doanh nghiệp đã làm đơn xin gia hạn theo đúng trình tự nhưng không được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp lại.

Ông Thắng cho biết lý do không được cấp lại không phải do các doanh nghiệp làm sai mà do quy định của Luật giao thông đường thủy có thay đổi.

Ông Thắng cũng khẳng định từ ngày 20-6-2016, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên hồ Tây đã chấp hành quyết định của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc dừng hoạt động bến thủy nội địa.

Ngày 7-2-2017, UBND thành phố Hà Nội có thông báo số 38 về kết luận của chủ tịch UBND thành phố, trong đó xác định xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Thắng khẳng định các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên hồ Tây đồng ý về việc di dời, tháo dỡ, nhưng đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp khi mất cơ hội kinh doanh, phải dỡ bỏ tàu còn thời hạn hoạt động hàng chục năm nữa, khi đó tàu chỉ còn giá trị bán sắt vụn khi tháo dỡ.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết thành phố đã có thông báo về việc xem xét các ý kiến phản ảnh của doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp gửi báo cáo về nguồn gốc, xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi, thời gian đưa vào sử dụng, vận hành phương tiện, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao đến thời điểm hiện tại.

UBND thành phố cũng yêu cầu thống kê hợp đồng lao động, số lượng lao động, tiền lương phải trả, khó khăn, vướng mắc của người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh để thành phố xem xét.

Ý kiến của bạn

Bình luận