Chủ tịch tỉnh được tự nguyện nhận khoán xe công

Giao thông 24h 16/01/2019 17:31

Thay vì được đưa đón bằng xe biển xanh, lãnh đạo cấp Thứ trưởng có thể lựa chọn một trong hai phương án khoán kinh phí.


 

Chủ tịch tỉnh được tự nguyện nhận khoán xe công
Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh... có tiêu chuẩn ôtô đưa đón với giá tối đa 920 triệu đồng mỗi xe. Ảnh minh hoạ: Quỳnh Trang. 

Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô phục vụ lãnh đạo vừa được Chính phủ ban hành nêu nhiều chức danh được tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe công.

Theo đó, các chức danh như Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và tương đương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập... có tiêu chuẩn ôtô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan hoặc đi công tác (giá tối đa 920 triệu đồng mỗi xe).

Trường hợp mỗi chức danh trên tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng ôtô thì lãnh đạo đơn vị sẽ căn cứ tình hình thực tế để quyết định theo hai phương án.

Đầu tiên là khoán theo km, kinh phí được tính bằng đơn giá (phù hợp với thị trường) của quãng đường thực tế từ nơi ở đến cơ quan với tần suất hai lần mỗi ngày làm việc; kinh phí xe đi công tác cũng được tính bằng số km thực tế. 

Phương án hai, dựa trên tần suất quãng đường, số ngày đưa đón bình quân hàng tháng để khoán gọn kinh phí cho các chức danh; kinh phí đi công tác được tính theo tần suất trung bình mỗi tháng theo yêu cầu công việc. 

Trong trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn ôtô đưa đón như nêu trên ở một đơn vị đều áp dụng khoán cho toàn bộ công đoạn, đơn vị đó không trang bị xe phục vụ các chức danh này; nếu đã trang bị thì sắp xếp, xử lý theo quy định. 

Theo Bộ Tài chính, cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công được quy định từ năm 2007 song do thực hiện theo cơ chế tự nguyện nên ít chức danh đăng ký áp dụng.

Đến tháng 10/2016, Bộ Tài chính là một trong những đơn vị đi đầu trong khoán kinh phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc cho các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng. Việc khoán này được tính theo số km khoán và đơn giá các hãng taxi bốn chỗ phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán chi phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc. 

Sau đó hai tháng, Bộ Tài Chính yêu cầu các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện khoán xe công cho lãnh đạo. 

Đầu năm 2017, thành phố Hà Nội thí điểm khoản kinh phí sử dụng xe công cho 4 sở và 4 quận, huyện; mức khoán áp dụng là 9 triệu đồng/xe/tháng. 

Tháng 5/2018, TP HCM thí điểm khoán chi phí sử dụng xe công với 5 đơn vị. Hai phương án được TP HCM áp dụng là khoán theo quãng đường (11.000 đồng/km) hoặc theo xe (19,8 triệu đồng/tháng).

Giữa năm 2018, thống kê sơ bộ có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã thực hiện khoán xe công. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu cụ thể về các lãnh đạo nhận khoán xe công trên toàn quốc.  

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khoán xe công là hình thức mà nhiều nước đã áp dụng, sẽ giúp tiết kiệm đáng kể cho ngân sách và tạo minh bạch trong sử dụng tài sản công. "Vấn đề là nếu chỉ khoán tự nguyện mà không bắt buộc thì khó mở rộng mô hình này", bà nhận xét.   

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng, khoán xe công không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn hạn chế tình trạng lạm dụng xe công vụ vào mục đích cá nhân. "Việc này lẽ ra nên thực hiện từ lâu", ông nói.

Theo Nghị định mới, chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ôtô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá là: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội.

Cán bộ có chức danh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó thủ tướng... được sử dụng thường xuyên một xe ôtô trong thời gian công tác; chủng loại, giá mua xe ôtô trang bị cho các chức danh này sẽ do lãnh đạo Chính phủ quyết định.

Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy... được sử dụng thường xuyên một xe ôtô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/xe trong thời gian công tác.

Ý kiến của bạn

Bình luận