Chú trọng công tác đào tạo lái xe ô tô cho bộ đội xuất ngũ

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
02/05/2019 10:21

Định hướng, dạy nghề, tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ là chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội, không chỉ góp phần xây dựng nền tảng chính sách hậu phương quân đội mà còn tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định, phục vụ công tác động viên khi cần thiết.


1
Trung tâm Sát hạch lái xe - Trường Cao đẳng nghề 21 - Quân đoàn 3

Tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ nêu rõ, quân nhân khi xuất ngũ tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ: Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Nếu tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề.

Trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai riêng, mỗi năm có hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ với tuổi đời thuộc độ tuổi lao động chính từ 18 - 27. Vì thế, khâu tư vấn học nghề và giải quyết việc làm đối với bộ đội xuất ngũ mang ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho lực lượng này có cơ hội được học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Trên tinh thần đó, Trường Cao đẳng nghề số 21 - Quân đoàn 3 đã phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên và Sở GTVT tỉnh Gia Lai hàng năm liên tục tổ chức tư vấn hướng nghiệp, triển khai đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, trí thức trẻ tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Thượng tá Võ Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 21 - Quân đoàn 3 cho biết, trong công tác đào tạo, điều đầu tiên phải tích cực đổi mới là phương pháp tư vấn, hướng nghiệp cho các đối tượng ở các đơn vị và địa phương, tiến hành tư vấn, quảng bá, hướng nghiệp cho các đối tượng khác có nhu cầu học nghề, trong đó học lái xe ô tô các hạng, sát hạch cấp bằng phải bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Trong năm 2018, Nhà trường đã tiến hành tư vấn cho 6.850 lượt bộ đội xuất ngũ và đăng ký học các ngành, nghề tại Trường. Tính đến hết tháng 10/2018, Nhà trường đã và đang đào tạo được 2.609/2.000 học viên, đạt 130% theo chỉ tiêu Nghị quyết Đảng ủy Nhà trường đã đề ra trong năm 2018. Trong đó: Đào tạo lái xe các loại là 1.800 học viên, 1.113 học viên là bộ đội xuất ngũ (Hạng C: 980 học viên, chiếm 88%; Hạng B2: 133 học viên, chiếm 12%). Năm 2019, Nhà trường đã và đang đào tạo 398 học viên là bộ đội xuất ngũ, trong đó Hạng C là 280 người; Hạng B2 là 118 người. Phấn đấu năm 2019, Nhà trường chiêu sinh và đào tạo mới các ngành nghề đạt 2.000 học viên trở lên.

Tuy nhiên, công tác liên kết đào tạo, lái xe đã nảy sinh một số bất cập do sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với đơn vị quân đội. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các trường nghề quân đội chưa tương xứng, chưa đáp ứng được các tiêu chí trong công tác đào tạo.

Cũng theo Thượng tá Sơn, trong những tháng đầu năm 2019, Nhà trường đã kết hợp với các đơn vị tuyên truyền về hướng nghiệp, dạy nghề cho hơn 4.000 đoàn viên thanh niên, trong đó đoàn viên thanh niên là bộ đội xuất ngũ và chuẩn bị xuất ngũ chiếm hơn 3.000 người. Đồng thời, Nhà trường thường xuyên đổi mới phương pháp tư vấn, hướng nghiệp cho các đối tượng ở các đơn vị và địa phương.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Nhà trường đã giới thiệu được nhiều việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp với một số doanh nghiệp trên địa bàn như: Tập đoàn Đức Long Gia Lai; Công ty Cổ phần Sông Đà 3, Sông Đà 4, Sông Đà 11.2; Công ty Thép tiền chế ATAD (Đồng Nai); Công ty Thép tiền chế Hoàng Hải (Sài Gòn); Công ty Lilama 5, Lilama 7; Công ty Cơ khí Lắp máy Lilama... Trước khi học viên ra trường, Nhà trường kết hợp các doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng cho 100% học viên là bộ đội xuất ngũ. Kết quả, bình quân có 45% học viên được tuyển dụng chính thức, số còn lại các học viên tự tìm việc làm hoặc lái xe cho gia đình.

Hạ sĩ Đặng Viết Thăng - Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết: “Tôi cũng như nhiều quân nhân xuất ngũ, mới đầu còn cảm thấy bỡ ngỡ, chưa xác định được nghề nghiệp sẽ làm gì khi ra quân. Tại buổi tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với các cấp lãnh đạo của đơn vị, trong đó có các đồng chí từ Trường dạy nghề về tư vấn. Qua đó, chúng tôi được tìm hiểu nghề phù hợp với thế mạnh hiện nay của địa phương, nắm được các chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, tìm việc làm theo quy định của Nhà nước. Với thời hạn một năm học, chúng tôi đều mong tìm được việc làm, cho thu nhập ổn định. Được sự tư vấn của Trường, sau khi xuất ngũ tôi chọn học nghề lái ô tô vì thấy có thể gắn bó lâu dài với nghề này và cũng phù hợp với năng lực của bản thân”.

Theo Thượng tá Võ Anh Sơn, công tác tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và bố trí việc làm cho thanh niên xuất ngũ nên tập trung vào việc chỉ đạo các cơ sở Đoàn làm tốt công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ học nghề cho thanh niên xuất ngũ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng và thị trường lao động. Đồng thời, các cơ sở cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các nghề hiện có, mở thêm các nghề mà thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và xã hội có nhu cầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận