741 sỹ quan vận hành các hạng; 431 sỹ quan quản lý các hạng; 69 sỹ quan kỹ thuật điện; 329 thuyền trưởng và máy trưởng các hạng được đào tạo và huấn luyện. (Ảnh vinamarine) |
Ông Bùi Thiên Thu - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong những tháng đầu năm, Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã tham mưu trình Bộ GTVT sửa đổi một số văn bản liên quan đến công tác đào tạo. Cục cũng đã cử cán bộ, công chức, viên chức đi tham gia học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị. Đồng thời phối hợp với các trường đào tạo chuyên ngành hàng hải mở các khóa bồi dưỡng và thi sỹ quan vận hành, sỹ quan quản lý, khóa bồi dưỡng sỹ quan điện, hoa tiêu hàng hải.
Về đào tạo nguồn nhân lực hàng hải, các đơn vị tổ chức thi, đào tạo, huấn luyện sỹ quan hàng hải: 741 sỹ quan vận hành các hạng; 431 sỹ quan quản lý các hạng; 69 sỹ quan kỹ thuật điện; 329 thuyền trưởng và máy trưởng các hạng. Tổ chức các lớp đào tạo hoa tiêu cơ bản và nâng cao hàng hải cho 35 học viên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Gia Vinh - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải I cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về kinh tế biển nói chung và vận tải biển nói riêng, với mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Để thực hiện mục tiêu, công tác huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kinh tế biển nói chung trong đó huấn luyện, đào tạo thuyền viên nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Mặc dù chất lượng thuyền viên của Việt Nam đã dần dần từng bước được khẳng định trên thị trường quốc tế và được các chủ tàu châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc chấp thuận, làm việc trên các đội tàu siêu trường, siêu trọng của các tàu chở hàng đặc biệt, tuy nhiên số lượng thuyền viên tham gia xuất khẩu lao động vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng. Theo thống kê, hiện tại chúng ta có khoảng 2.000 thuyền viên tham gia xuất khẩu lao động trên tổng số 43.000 sỹ quan, thuyền viên. Với nhiều lý do khác nhau, năng lực học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa thực sự đáp ứng ngay được thực tiễn sản xuất.
“Chính vì vậy, ngay từ năm 2007, nhà trường đã triển khai các chương trình khối ngành đi biển trên cơ sở phân tích vị trí việc làm, phân tích nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Hiện trường đang thí điểm đề án công tác triển khai xây dựng đề án thí điểm đào tạo thủy thủ, tàu máy chất lượng cao. Mục tiêu đề án này là đào tạo thủy thủ trực ca, máy trực ca chât lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế và năng lực theo quy định”.
Ngoài ra, về công tác cán bộ, Cục HHVN đã triển khai văn bản mới quy định về công tác cán bộ, tiến hành sửa đổi quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ theo hướng phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, ban hành Quyết định phê duyệt danh sách quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011-2016 và giai đoạn 2016-2021 các cán bộ thuộc diện Cục HHVN quản lý.
Đồng thời, thực hiện Đề án tinh giản biên chế của Cục HHVN giai đoạn 2015-2021 đã được Bộ GTVT, Cục HHVN đã trình Bộ GTVT danh sách 24 đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế trong năm 2016 theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014.
Theo ông Bùi Thiên Thu, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện đề án “Triển khai thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978 sửa đổi năm 2010”, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đào tạo thuyền viên, hoa tiêu tại các cơ sở đào tạo, đảm bảo chất lượng những người đã qua đào tạo, huấn luyện, đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Việt Nam và quốc tế; tổ chức đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao về hàng hải, có trình độ chuyên môn sâu.
Cục HHVN cũng tiếp tục thực hiện công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động cán bộ trong toàn Cục theo quy định; Triển khai đề án Tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021, Đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức sau khi được phê duyệt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.