Chủ trương đúng nhưng cần có sự đồng thuận

Tác giả: Lê Minh - Trần Kim

saosaosaosaosao
Ý kiến 29/06/2017 09:01

Sau khi chủ trương dừng hoạt động các tuyến xe khách cố định nội tỉnh để phát triển mạng lưới xe buýt công cộng của UBND tỉnh Thái Bình có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp, chủ xe lo lắng cho rằng sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản đồng loạt.


Cần hợp lý, hợp tình

Theo đơn kiến nghị gửi Tạp chí GTVT, các doanh nghiệp (DN) vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh hoạt động tại Bến xe trung tâm Thái Bình đang đối mặt với nguy cơ phá sản và đồng nghĩa với việc hàng trăm lao động sẽ thất nghiệp trước chủ trương dừng hoạt động các tuyến vận tải khách nội tỉnh để phát triển mạng lưới xe buýt công cộng được đầu tư dưới hình thức xã hội hóa.

unnamed (17)
 

 

unnamed (18)
Văn bản thông báo gửi các DN về việc dừng hoạt động tác tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Vào ngày 24/5/2017, các đơn vị vận tải nhận được Thông báo số 530 của Sở GTVT thông báo: Việc dừng hoạt động các tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ ngày 24/6/2017. Theo thông báo này, các đơn vị vận tải hiện đang khai thác các tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh được tiếp tục khai thác theo phương án đăng ký đến hết ngày 23/6/2017. Yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác bến xe ô tô khách trên địa bàn niêm yết thông báo tới toàn bộ đơn vị vận tải, chủ phương tiện, lái phụ xe và hành khách về việc ngừng khai thác các tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh, chủ động thanh lý hợp đồng bến với các đơn vị vận tải trước ngày 23/6/2017 theo quy định. Thực hiện ngừng tiếp nhận phục vụ các phương tiện khai thác tuyến cố định nội tỉnh từ ngày 24/6/2017.

Trước đó, tại Tờ trình số 107/TTr-SGTVT ngày 18/6/2015 của Sở GTVT gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc không tổ chức lập quy hoạch tuyến vận tải khách nội tỉnh để phát triển hệ thống các tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

Qua khảo sát thực tế và phân tích, Sở GTVT Thái Bình cho rằng, để đáp ứng nhu cầu đi lại người dân trong tỉnh và dựa trên theo quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe taxi và tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020 định hướng 2030. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 địa bàn toàn tỉnh phát triển thêm 08 tuyến, nâng tổng số từ 11 lên 19 tuyến. Các tuyến buýt sẽ phủ kín địa bàn các huyện, thành phố, bao gồm: Tuyến từ thành phố trung tâm đi các huyện, tuyến vành đai, tuyến liền kề sang các tỉnh lân cận.

IMG_8778
Một số DN và chủ xe lo lắng trước nguy cơ phá sản trước thông báo dừng khai thác tuyến khách nội tỉnh từ phía Sở GTVT Thái Bình.

Ông Phạm Ngọc Sơn – Giám đốc xí nghiệp vận tải 27/7 Đông Hưng cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu đi lại của nhân dân, từ những năm 1990, xí nghiệp chúng tôi  đã đầu tư, mở tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh. Sau ngần ấy năm đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà, thì nay áp dụng lệnh cấm hoạt động đối với xe khách cố định nội tỉnh, điều có thể nguyên nhân đẩy các DN đứng bên nguy cơ phá sản.

“Từ khi có lệnh cấm, hàng trăm đầu xe không thể lăn bánh ra đường. Cứ hễ đưa xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân là bị lực lượng chức năng bắt giữ. Đồng thời, nhiều xe đang bị từ chối cấp phù hiệu. Trước kia, xe của các DN làm ăn yên ổn tại bến, đóng thuế, lệ phí đầy đủ cho ngân sách nhà nước thì nay bị đẩy ra đường chạy dù, chạy cóc, vi phạm Luật Giao thông”, ông Sơn cho biết.

Bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp

Bày tỏ quan điểm với PV Tạp chí GTVT, một chủ xe cho rằng: Việc khai trừ xe khách cố định nội tỉnh là làm mất đi quyền kinh doanh của DN, quyền lựa chọn phương tiện đi lại của người dân. Rõ ràng, chủ trương này chưa tạo được sự đồng thuận từ DN và người dân.

Tại buổi làm việc với PV, các DN vận tải cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Bình nên có lộ trình hợp lý để tạo điều kiện cho xe khách tuyến cố định nội tỉnh trở lại hoạt động bình thường, được kiều lựa chọn tự do kinh doanh, bình đẳng với xe buýt theo quy định của pháp luật.

IMG_8781
Các nhà xe dừng tại cổng bến xe trung tâm thành phố Thái Bình phản đối quyết định dừng hoạt động tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh để thay thế bằng xe buýt.

Đối với người dân, hành khách Nguyễn Hồng Nhung (xã Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bình) thể hiện thất vọng khi chờ cả tiếng đồng hồ mà vẫn không đón được xe về quê.

“Tôi đứng đợi xe ở đây từ 6h30 sáng, để bắt xe về quê nhưng chờ đến 8 giờ vẫn không có xe. Khi hành khách thắc mắc thì nhân viên bến xe chỉ tư vấn nên đi bằng phương tiện khác về cho nhanh, ở đây giờ không có xe về tuyến xã, tuyến huyện”, chị Nhung cho biết.

Tương tự, ông Trần Văn Thìn (58 tuổi, một bệnh nhân chạy thận quê ở Hưng Hà, Thái Bình) chia sẻ: “Đang yên đang lành thì đi lại gặp khó khăn".

unnamed (19)
Lực lượng chức năng phải rất vất vả mới thuyết phục được các xe di chuyển, chống ùn tắc giao thông.

Làm việc với PV Tạp chí GTVT, ông Bùi Huy Quang – Trưởng phòng Quản lý vận tải – An toàn giao thông - Sở GTVT Thái Bình cho biết: “Việc dừng hoạt động tuyến vận tải cố định nội tỉnh là cần thiết và theo đúng chủ trương của tỉnh. Với quan điểm, Thái Bình là một tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, đã đến lúc cần phải xây dựng mạng lưới giao thông công cộng văn minh và chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Việc dừng xe khách nội tỉnh để mở các tuyến buýt là hoàn toàn hợp lý”.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với PV, đại diện Bến xe trung tâm thành phố Thái Bình cũng khẳng định việc mở các tuyến buýt trong tương lai gần cũng rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của hành khách, tuy nhiên cũng cần phải có lộ trình và đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn. Đồng thời, vị này cũng lại tỏ sự tiếc nuối khi các xe khách nội tỉnh bị dừng hoạt động đón, trả khách. “Họ sống với chúng tôi từ những ngày khai sinh ra bến xe này, giờ bị cấm hoạt động quả thật là xót xa. Trước kia, mỗi ngày có khoảng 68 chuyến xe đi các huyện hoạt động tại đây, đóng góp 10% trên tổng số doanh thu của bến. Rõ ràng, đây là cú sốc lớn đối với bến xe và người dân”, vị đại diện này xác nhận.

IMG_8779
Ông Bùi Huy Quang – Trưởng phòng Quản lý vận tải – An toàn giao thông - Sở GTVT Thái Bình cho biết: Việc dừng hoạt động tuyến vận tải cố định nội tỉnh là cần thiết và theo đúng chủ trương của tỉnh.

Thiết nghĩ, chủ trương thay đổi xe khách nội tỉnh bằng hệ thống xe buýt là hoàn toàn đúng, song không được làm xáo trộn sự đi lại của người dân, cũng như phải có lộ trình để các doanh nghiệp đang hoạt động có thời gian và điều kiện để chuyển đổi sang hoạt động khác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Chủ trương đúng, nhưng khi triển khai thực hiện mà chưa được sự đồng thuận sẽ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. 

Ý kiến của bạn

Bình luận