Chưa quản được xăng dầu lậu tuồn vào cây xăng?

Doanh nghiệp 07/01/2018 05:21

Thuế phí chiếm đến 40% giá xăng dầu, vì thế cuộc chiến buôn lậu và các mánh lới gian lận ngày càng khó chống. Rốt cuộc thì người tiêu dùng lãnh đủ.

 

Chưa quản được xăng dầu lậu tuồn vào cây xăng
Cảnh sát biển kiểm tra tàu gỗ vận chuyển dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc - Ảnh: ĐỨC ĐỊNH

Tình trạng buôn lậu xăng dầu tăng mạnh một phần vì thuế, phí chiếm khoảng 40% giá xăng dầu. Trong khi Nhà nước thất thoát ngàn tỉ tiền thuế thì người dân cũng bị rủi ro…

Doanh nghiệp, chuyên gia lo chất lượng động cơ bị ảnh hưởng do xăng dầu bị trà trộn và đề nghị thay vì tập trung đánh thuế khi nhập khẩu, nên đánh thuế khi xăng dầu được bán ra để chống hàng lậu...

Nêu cụ thể hơn về tình hình buôn lậu xăng dầu, ông Nguyễn Văn Sơn, phó tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết có nhiều vụ buôn lậu tới trên 1 triệu lít dầu. Mua bán trái phép xăng dầu gây thất thu ngân sách, theo ông Sơn, lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm.

Ông Lê Duy Minh - cục phó Cục Thuế TP.HCM - cho biết đến nay TP.HCM có khoảng 3.700 trụ bơm xăng dầu nhưng thời gian qua rất khó quản được nguồn gốc xăng tại các cửa hàng bán lẻ. Nhiều đầu mối thực hiện nghiêm nhưng đến điểm bán lẻ lại có lượng hàng trôi nổi, tiếp tay cho hàng lậu.

Một đại diện của Petrolimex thừa nhận do áp dụng công nghệ ERP kiểm soát được đầu vào và đầu ra nên ngăn chặn được tình trạng xăng dầu lậu trà trộn nhưng với các đại lý, cửa hàng được Petrolimex nhượng quyền thương hiệu, việc kiểm soát xăng dầu lậu vẫn khó khăn. 

"Xăng dầu lậu chi hoa hồng rất cao. Nên hệ thống đại lý chúng tôi không thể kiểm soát được, có khi họ chỉ mua 60% xăng dầu của Petrolimex, còn lại 40% mua ngoài" - vị này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tiu - giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực 1 - cho biết các đối tượng buôn lậu thường đưa ra mức hoa hồng chiết khấu từ 1.600-1.700 đồng, trong khi mức chiết khấu hoa hồng xăng E5 của các doanh nghiệp đầu mối đến các đại lý chỉ khoảng 850 đồng/lít".

Theo ông Nguyễn Văn Thủy - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế, ngành thuế đã thực hiện dán tem ở 50.000 cột bơm xăng trên 63 tỉnh thành. 

Tổng cục Thuế cho biết sau dán tem, lượng xăng bán ra của một số doanh nghiệp tăng hơn trước tới 10-20%.

Tuy nhiên, ông Lê Duy Minh cho rằng việc dán tem chỉ chặn được cửa xăng dầu lậu vào cây xăng, còn những "kênh" khác loại hàng này có thể vẫn len lỏi, nhất là với người mua không cần hóa đơn, như: mua để chạy máy gặt đập liên hợp, tưới cây, bán cho tàu thuyền đánh bắt trên biển... 

"Do vậy dán tem cây xăng chỉ là một phần. Cơ quan quản lý thị trường phải vào cuộc để kiểm soát nhằm chặn cửa xăng dầu lậu..." - ông Minh đề nghị.

Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc dán tem tại các cột bơm xăng là một chuyện, quan trọng hơn là kiểm soát được chất lượng xăng. Nếu xăng dầu bị trà trộn, chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của động cơ.

Ông Lê Duy Minh cho biết có hiện tượng nhiều cây xăng được dán tem thông báo trụ bơm xăng hư liên tục để yêu cầu cơ quan thuế xuống tháo niêm phong, sửa chữa. 

"Cục Thuế TP đang theo dõi vì nghi là 'mánh' để trả đồng hồ về số 0" - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Tiu nhận định dù nhiều địa phương đã dán tem tại cột bơm để kiểm soát xăng dầu lậu nhưng tình trạng tháo tem, gian lận vẫn diễn ra. 

Trong khi mỗi lít xăng dầu chiếm tới 40% thuế phí, nên các đối tượng buôn xăng dầu lậu có thể tăng chiết khấu cho các đại lý, gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp và ảnh hưởng lợi ích của người tiêu dùng.

Ngăn chặn buôn lậu xăng dầu, theo đại diện Petrolimex, là hoàn toàn có thể. "Tất cả hàng hóa mua phải mở LC, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài... Không thể mua 20 tấn về nhưng lại chỉ thanh toán có 10 tấn. Không có khó khăn gì quản lý, nhưng nếu có hệ thống bảo kê thì chịu" - đại diện Petrolimex nói.

Theo các chuyên gia, cũng cần nghiên cứu thay đổi cách thức thu thuế xăng dầu, thay vì tập trung thu ở đầu vào (hàng loạt thuế như nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt...), cần nghiên cứu tăng thu ở đầu ra để nhằm giảm hàng lậu.

Bán 1 lít xăng lậu, lời khoảng 7.000 đồng

Ông Lê Duy Minh cho biết do mỗi lít xăng phải gánh các loại thuế như nhập khẩu, bảo vệ môi trường, VAT... nên tùy thời điểm, chi phí cho thuế thường ở khoảng 7.000 đồng/lít.

Do vậy mỗi lít xăng dầu lậu được tuồn vào cửa hàng, người kinh doanh lời đứt số tiền này.

Ông Minh kiến nghị giải pháp là cơ quan chức năng có thể công khai đầu vào gồm số liệu xăng dầu nhập khẩu, sản lượng xăng dầu từ Nhà máy Dung Quất để giám sát đầu vào.

Về đầu ra thì kiểm soát bằng cách dán tem, nắm chắc nguồn cung cấp. "Chẳng hạn, tổng đại lý cung cấp cho đại lý cấp 1 nào, đại lý cấp 1 bán cho cây xăng nào, số lượng bao nhiêu để có thể đối chiếu đầu vào - đầu ra.

Trường hợp phát hiện đầu vào - đầu ra có chênh lệch sẽ dễ dàng truy nguồn gốc xăng dầu lậu" - ông Minh nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận