Chuẩn bị đầu tư cao tốc hơn 6.000 tỷ đồng nối Đồng Tháp-Tiền Giang

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 22/02/2022 15:18

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

z3199367316173_aa876ac073dcf363d46fe74b22be1114
Tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài khoảng 27,43km đi qua hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp (ảnh minh họa)

Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài khoảng 27,43km, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài 18,2km và đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài khoảng 9,23km.

Dự án được đề xuất xây dựng theo tiêu chuẩn quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường 17m, tốc độ thiết kế 100km/h (tương tự quy mô phân kỳ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai đầu tư xây dựng).

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.029 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng và thiết bị (4.172 tỷ đồng); chi phí GPMB, tái định cư (719 tỷ đồng); chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác (721 tỷ đồng). Dự án được đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đêt thực hiện đầu tư.

Theo Bộ GTVT, dự án sau khi hoàn thành sẽ xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền, đồng thời đoạn tuyến là một phần tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh để kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) với các các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh).

Đòng thời, với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, dự án góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, tạo động lực để phát triển KT-XH khu vực.

Ngoài ra, dự án sẽ phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển KT-XH giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Lộ trình dự kiến triển khai dự án

- Năm 2022: Chuẩn bị dự án

- Năm 2022 đến 2023: Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đạt 90 - 95%

- Năm 2023: Tổ chức thi công xây dựng

- Năm 2025: Cơ bản hoàn thành dự án

Ý kiến của bạn

Bình luận