Chuẩn bị khởi công dự án đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ hơn 3.837 tỷ đồng

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 29/09/2022 11:28

Dự án đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2022.


Khởi động hàng loạt gói thầu xây lắp khủng tại dự án Vành đai TP.Cần Thơ - Ảnh 1.

Hướng tuyến đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ

Sở GTVT TP.Cần Thơ vừa phát hành hồ sơ mời thầu 3 gói thầu xây lắp thuộc dự án đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ (nối QL91 và QL61C).

Cụ thể, gói thầu 20: Thi công xây dựng cầu Ba Láng (bao gồm dự phòng phí) phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 27/9/2022 đến 18/10/2022. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án, giá gói thầu được phê duyệt gần 506 tỷ đồng, loại hợp đồng đơn giá điều chỉnh, thời gian thực hiện hợp đồng 1.080 ngày. 

Gói thầu 16: Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km03+000-Km06+080) có dự toán phê duyệt hơn 481 tỷ đồng được phát hành HSMT từ ngày 14/9/2022 đến 5/10/2022. Đây cũng là thời gian phát hành HSMT gói thầu số 17: Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km06+080-Km09+340) với dự toán hơn 476 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT TP.Cần Thơ, dự án đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2021-2026. Dự án có 66 gói thầu, trong đó có 6 gói thầu xây lắp quy mô lớn. Ngoài 3 gói thầu đang mời thầu, 4 gói thầu xây lắp khác của dự án sẽ được công bố mời thầu trong quý IV/2022 và quý I/2023.

Cụ thể các gói thầu số 15: Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km00+000-Km03+000) với dự toán 418 tỷ đồng; Gói thầu số 18: Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km09+340-Km12+480) với dự toán hơn 397 tỷ.

Gói thầu số 19: Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km12+480-Km16+550,13) có dự toán hơn 479 tỷ đồng; Gói thầu số 21: Thi công điện chiếu sáng, đường dây trung áp và trạm biến áp có dự toán hơn 95 tỷ đồng.

Được biết, dự án đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ (nối QL91 với QL61C) có tổng chiều dài toàn tuyến 19 km. Dự án có điểm đầu giao QL91 tại Km 20+370, gần cầu Ô Môn và giao đường Tỉnh 922; điểm cuối giao QL61C tại Km 1+400, vận tốc thiết kế đạt 50 - 60 km/h.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ cho biết, theo cam kết với lãnh đạo TP.Cần Thơ, các quận/huyện có dự án đi qua sẽ khẩn trương thực hiện các thủ tục đo đạc, đền bù GPMB, hỗ trợ tái định cư nhằm bàn giao tối thiểu 50% mặt bằng toàn dự án trong tháng 10/2022 để có thể tổ chức khởi công dự án ngay khi hoàn tất lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp đầu tiên. 

"Khối lượng giải phóng mặt bằng dự án rất lớn do đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ có diện tích đất cần thu hồi trong năm nay là 157 ha, đi qua 4 quận/huyện", ông Dũng chia sẻ.

Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, các gói thầu sẽ đồng loạt mời thầu theo mô hình quản lý dự án quy mô lớn. Theo đó, các khâu lập, thẩm định, phê duyệt HSMT sẽ tiến hành khoa học chặt chẽ, tiến độ nhanh nhất.

"Dự án đã được phân bổ vốn 1.400 tỷ đồng trong năm 2022 nhưng quá trình GPMB, đo đạc, kiểm đếm, tái định cư trên địa bàn quận Ninh Kiều phát sinh nhiều vướng mắc nên đến nay tỷ lệ giải ngân của dự án còn rất thấp", ông Dũng nói và cho biết, ngay khi hoàn tất quá trình lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát sẽ đồng hành cùng nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân của dự án ngay từ những gói thầu xây lắp đầu tiên.

Ý kiến của bạn

Bình luận