Dự kiến nút giao này sẽ chính thức được khởi công vào ngày 18/1.
Theo ông Vũ Xuân Hòa, việc mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh nút giao Trung Hòa bằng nguồn vốn dư còn lại của Dự án xây dựng giai đoạn 2 đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội đoạn Mai Dịch-Bắc Hồ Linh Đàm (với khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam).
Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là 698,570 tỷ đồng.
Nút giao Trung Hòa nằm tại điểm đầu Đại lộ Thăng Long, là nút giao cắt giữa đường vành đai 3 với Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Phạm vi dự án theo hướng Đại lộ Thăng Long-đường Trần Duy Hưng từ km3+382,03 đến km 1+328,15 (ngã tư Trần Duy Hưng-Hoàng Minh Giám) theo lý trình Đại lộ Thăng Long. Theo hướng đường Phạm Hùng-Khuất Duy Tiến từ km 22+905,380 đến km 23+634,16 (vị trí kết thúc đường nhánh dẫn lên xuống cầu cạn), theo lý trình đường vành đai 3.
Quy mô dự án bao gồm xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long-đường Trần Duy Hưng-Hoàng Minh Giám. Mỗi hầm có 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8m (trong đó hầm kín dài 120m, hầm hở dài 488m, đường dẫn vào hầm dài 83,8m). Kết cấu móng hầm được sử dụng bao gồm: kết cấu móng cọc khoan nhồi, kết cấu móng cọc bê tông cốt thép, kết cấu móng nông được gia cố nền bằng cọc đất gia cố xi măng thi công theo công nghệ khoan phụt cao áp.
Theo đánh giá, đây là đầu mối giao thông quan trọng nhất của Đại lộ Thăng Long nối với đường vành đai 3 và đường Trần Duy Hưng, nút giao có tính chất kết nối giữa Trung tâm thủ đô Hà Nội với khu vực phía Tây của thành phố và qua các nút giao có các dòng xe từ các tuyến giao thông trục chính phía Đông Bắc như Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn đi qua đường Vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại.
TTXVN
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.