Chiến dịch nhằm thúc đẩy nhận thức và hành vi của lái xe trên toàn quốc về làm chủ tốc độ phương tiện theo quy định khi tham gia giao thông, đồng thời lan tỏa thông điệp của chiến dịch: "Hầu hết người đi bộ và người đi xe đạp có thể sống sót khi va chạm ở tốc độ không quá 30 km/h. "Hãy đi chậm lại vì tương lai của trẻ thơ" kêu gọi chấp hành tốc độ quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt tại khu vực trường học nơi có rất nhiều trẻ em hàng ngày đến trường xây dựng ước mơ. Bạn sẽ không thể dự đoán hết các tình huống bất ngờ trên đường. Vì vậy, đi chậm lại ở những khu vực trường học cũng chính là cách bạn bảo vệ tương lai của trẻ thơ".
Thời gian qua, Vital Strategies đã hỗ trợ hơn 100 chiến dịch an toàn đường bộ giải quyết các yếu tố rủi ro quan trọng tại 27 thành phố trên 14 quốc gia ưu tiên. Tại Việt Nam, những thành phố này bao gồm Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies làm việc và hỗ trợ các thành phố và các chính phủ trên thế giới củng cố hệ thống y tế công cộng của họ để đối phó với những thách thức y tế quan trọng và khó khăn nhất, trong đó có vấn đề ATGT, thông qua thiết kế giải pháp, xây dựng và vận động chính sách cải thiện ATGT bằng các hoạt động và chiến dịch ATGT dựa trên bằng chứng.
"Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,19 triệu người chết do các vụ va chạm giao thông (các vụ va chạm này vốn có thể phòng ngừa được), đây là một con số đáng báo động. Việc lái xe quá tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây va chạm, đặc biệt đối với trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do chiều cao hạn chế khiến người điều khiển xe khó nhìn thấy, cũng như khả năng nhận biết của các em về môi trường xung quanh đang còn trong quá trình phát triển", bà Irina Morozova, Giám đốc Chương trình Truyền thông ATGT, Vital Strategies thông tin và nói thêm: "Chúng tôi vui mừng khi Ban ATGT TP. Đà Nẵng đã phát động Chiến dịch "Hãy đi chậm lại vì tương lai của trẻ thơ" nhằm mục đích ngăn chặn hành vi chạy quá tốc độ gần khu vực trường học. Hoạt động truyền thông phối hợp với công tác thực thi của CSGT là một phần quan trọng áp dụng phương pháp tiếp cận y tế công cộng trong ATGT, góp phần làm thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân, hướng tới một xã hội an toàn và văn minh hơn. Tổ chức Vital Strategies tự hào là đối tác đồng hành trong việc xây dựng và triển khai chiến dịch này. Chiến dịch được phát triển dựa trên các nghiên cứu, dữ liệu và tình hình thực tế của từng địa phương, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhất".
Theo bà Irina Morozova, chiến dịch truyền thông này được Tổ chức Vital Strategies phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội và TP. HCM xây dựng và triển khai dựa trên nghiên cứu và bằng chứng.
Tại TP. Đà Nẵng, trong quá trình triển khai các chiến dịch truyền thông về ATGT từ năm ngoái tới nay, Vital Strategies đã nhận được sự quan tâm, phối hợp hiệu quả của Sở GTVT, Ban ATGT cũng như lực lượng CSGT TP. Đà Nẵng. Các hình ảnh và thông điệp của Chiến dịch luôn được Đà Nẵng triển khai hết sức đồng bộ và hiệu quả. Hình ảnh triển khai Chiến dịch của Đà Nẵng luôn được Vital Strategies lựa chọn để sử dụng báo cáo ở nhiều nơi làm ví dụ về triển khai ở Việt Nam. Bởi vì, cách tiếp cận giải quyết các vấn đề ATGT từ góc độ y tế công cộng là truyền thông, phối hợp với hoạt động thực thi của CSGT để đảm bảo và tăng cường hiệu quả, trong đó vai trò của CSGT là rất quan trọng.
"Chúng tôi đánh giá cao công tác phối hợp của Sở GTVT, Ban ATGT với CSGT TP. Đà Nẵng cũng như các ban, ngành để đưa chiến dịch ATGT đến được với nhiều người dân Đà Nẵng nhất. Chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục tạo ra hiệu quả tốt cho các chiến dịch tiếp theo", bà Irina Morozova bày tỏ.
Ông Lê Tặng, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT TP. Đà Nẵng thông tin, trong những năm qua, tại Việt Nam, TNGT luôn được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, hậu quả TNGT ảnh hưởng đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế và làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn, thân thiện trong mắt bạn bè, đối tác.
Nhanh một giây, chậm cả đời - Hãy chấp hành tốc độ quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt tại khu vực đông dân cư, bệnh viện, trường học..., nhất là khu vực trường học nơi có rất nhiều trẻ em hàng ngày đến trường xây dựng ước mơ. Bạn sẽ không thể dự đoán hết các tình huống bất ngờ trên đường. Vì vậy, đi chậm lại ở những khu vực trường học cũng chính là cách bạn bảo vệ tương lai của trẻ thơ.
Ông Tặng cho biết, tài liệu truyền thông chính là video spot mang tên "Hãy đi chậm lại vì tương lai của trẻ thơ" được phát sóng trên truyền hình quốc gia từ ngày 18/11 đến 15/12/2024 và được các tỉnh, thành trong cả nước hưởng ứng, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Video toàn cảnh Lễ Phát động Chiến dịch "Hãy đi chậm lại vì tương lai của trẻ thơ"
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.