Quang cảnh hội thảo
Tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%
Sáng nay (15/11), Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức Hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô.
Tham luận tại hội thảo, TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong thời gian qua đã chứng kiến nhiều vụ TNGT gây thương vong đáng tiếc cho người ngồi trong ô tô, bao gồm trẻ em.
Chính những đòi hỏi thực tiễn và khoa học, Luật Trật tự, ATGT đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 đã quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Nội dung này được đánh giá là một trong những bước tiến lớn trong việc nâng cao ATGT cho trẻ em tại Việt Nam trong thời gian tới. Quy định này đã góp phần lấp đầy khoảng trống về pháp luật tại Việt Nam trong giai đoạn trước đây.
Thông tin tại hội thảo, dây an toàn có sẵn trên ô tô chỉ phù hợp với người có chiều cao từ khoảng trên 1,4m. Đối tượng trẻ em có chiều cao dưới 1,35m và dưới 10 tuổi cần có thiết bị an toàn riêng, phù hợp với lứa tuổi.
Thực tế cho thấy, đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng, mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hiện nay, mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%.
Chi phí rất thấp
Chi phí một thiết bị an toàn ở mức 1,5 - 2 triệu/thiết bị. Giả định chi phí mua ô tô cũ trên thị trường trung bình khoảng 200 - 300 triệu đồng. Giả định chi phí mua xe ô tô mới trên thị trường trung bình 500 - 700 triệu đồng. Như vậy, chi phí thiết bị an toàn chỉ chiếm 0,7 - 0,8% với xe cũ và 0,3 - 0,4% đối với xe mới.
So về tỷ lệ, chi phí tuân thủ quy định này còn thấp hơn với quy định đội mũ bảo hiểm với người đi xe máy.
Đây là mức mà phần lớn người sở hữu ô tô có khả năng chi trả. Thiết bị có thể điều chỉnh suốt quãng thời gian 1 - 10 tuổi. Bởi vậy, chi phí đầu tư chỉ có 1 lần.
Về lợi ích của chính sách, thông tin tại hội thảo cho biết, theo đánh giá sơ bộ, có khoảng 1.800 - 2.000 vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em.
Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam.
Một số hình ảnh tham luận tại hội thảo
Quy định trên sẽ ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em khi số lượng ô tô tại Việt Nam ngày một tăng.
Nhóm trọng tâm hiện nay là xe con cá nhân - loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao (tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 120 km/h).
Cùng với đó, các chuyên gia cũng thảo luận về việc áp dụng đối với phương tiện vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị. Điển hình như xe buýt trường học cần có tiêu chuẩn an toàn cao hơn; sự khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em của các loại xe kinh doanh vận tải như taxi,… Riêng với xe chở học sinh, có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phối hợp…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.