Học sinh thực hành tìm hiểu về phản ứng hoá học. |
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức Hóa học sẽ xuất hiện từ cấp THCS, với việc tích hợp vào môn Khoa học tự nhiên. Giai đoạn này, học sinh chỉ làm quen với một số kiến thức hóa cơ bản ở mức độ định tính, mô tả trực quan, chưa hiểu rõ cơ sở của cấu tạo chất và bản chất của quá trình biến đổi hóa học.
Hóa học là môn riêng, độc lập từ cấp THPT. Theo đó, ở lớp 10, môn này trang bị cho học sinh kiến thức cơ sở hóa học chung về cấu tạo chất và quá trình biến đổi hóa học. Đây là cơ sở lý thuyết chủ đạo để học sinh giải thích được bản chất, nghiên cứu được quy luật hóa học ở nội dung hoá học vô cơ trong chương trình môn lớp 11 và hoá học hữu cơ ở lớp 12.
"Điểm mới quan trọng nhất trong Chương trình môn Hóa học là định hướng tăng cường bản chất hoá học của đối tượng; giảm bớt và hạn chế nội dung phải ghi nhớ máy móc cũng như phải tính toán theo kiểu toán học hoá vốn ít đi vào bản chất hoá học và thực tiễn", tóm tắt dự thảo chương trình môn Hoá học nêu.
Về nội dung, chương trình môn Hóa gồm 3 mạch kiến thức cốt lõi là: Cơ sở hóa học chung; Hóa học vô cơ và Hóa học hữu cơ. Trục phát triển chính của chương trình môn Hóa học là hệ thống chủ đề và chuyên đề kiến thức cơ sở hóa học chung về cấu tạo chất và quá trình biến đổi hoá học. Kiến thức về cấu tạo của nguyên tử, liên kết hóa học, năng lượng hóa học, tốc độ phản ứng hóa học, cân bằng hóa học, phản ứng oxi - hóa khử và dòng điện, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, là cơ sở lý thuyết chủ đạo để học sinh giải thích được bản chất, nghiên cứu được quy luật hoá học ở nội dung hoá học vô cơ và hoá học hữu cơ.
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (70 tiết/lớp/năm), trong mỗi năm học chương trình dành thời lượng 35 tiết/lớp/năm cho các chuyên đề Hoá học, để những học sinh có thiên hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được lựa chọn, khám phá. Mục tiêu của các chuyên đề này là phân hoá sâu, mở rộng nâng cao kiến thức, tăng cường kỹ năng thực hành, luyện tập và vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Phương pháp giáo dục của môn Hoá học được đổi mới, đặc biệt chú trọng định hướng phát triển năng lực thông qua thiết kế hoạt động dạy học cho mỗi nội dung, chủ đề. Trong đó, phương pháp định hướng hoạt động tạo ra các hoạt động trải nghiệm, vận dụng, gắn kết với thực tiễn và định hướng giải quyết các vấn đề thực tế, nhằm nâng cao sự hứng thú của học sinh, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh mà môn học đảm nhiệm.
Các giáo viên cũng được khuyến khích sử dụng phương pháp dạy học kết hợp giáo dục STEM. Theo đó, học sinh sẽ được phát triển khả năng tích hợp kiến thức kỹ năng của các môn học Toán - Kỹ thuật - Công nghệ và Hoá học vào việc nghiên cứu giải quyết một số tình huống thực tiễn. Việc sử dụng các bài tập đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (bài tập mở, có nhiều cách giải...), các bài tập có nội dung gắn với thực tiễn... cũng được chương trình đề xuất là một trong những phương pháp chủ yếu. Tuy nhiên, trong cách dạy này, giáo viên cần giảm các bài tập nặng về tính toán toán học.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.