Chuyện dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm của "vua hầm" Đèo Cả

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 06/04/2023 14:28

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng:"Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm" là một quan điểm then chốt để vượt qua nỗi sợ hãi trong hoạt động điều hành doanh nghiệp.

Chuyện dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm của "vua hầm" Đèo Cả - Ảnh 1.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi tọa đàm

Sáng nay (6/4), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật và báo Tuổi Trẻ tổ chức Tọa đàm: "Người trẻ có sợ trách nhiệm".

Đây là đề tài trích ý từ bài viết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tên "Bệnh sợ trách nhiệm" được đăng trên Tạp chí Cộng Sản số 11/1973 (bút danh Người xây dựng) trong cuốn sách mới phát hành; Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm; Chia sẻ về phong trào "3 trách nhiệm" đang triển khai trong hệ thống Đoàn nhiều năm qua… Và thực tiễn câu chuyện "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" của người trẻ, đặc biệt là cán bộ, công chức trẻ khi thi hành nhiệm vụ, cũng như góc nhìn về "trách nhiệm" của chính mình từ mỗi vị trí công tác, học tập.

Tham luận tại toạ đàm, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng:"Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm" là một quan điểm then chốt để vượt qua nỗi sợ hãi trong hoạt động điều hành doanh nghiệp. Chính nhờ đó mà Đèo Cả từ một hợp tác xã xây dựng đã dám mạnh dạn đề xuất thực hiện dự án Đèo Cả rồi tiếp tục tháo gỡ nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông để gây dựng nên thương hiệu Tập đoàn Đèo Cả ngày nay.

Dám nghĩ

Xuất phát từ lòng trắc ẩn khi còn là cậu sinh viên đại học, tận mắt chứng kiến những tai nạn giao thông tang thương trên đèo Cả đã hun đúc trong tôi một niềm tin, lòng kiên định sẽ thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

":Với tầm nhìn, ý chí quyết tâm mãnh liệt dám "lấy ước mơ làm dũng khí", chúng tôi đã đưa dự án hoàn thành, không chỉ giải quyết vấn đề an toàn giao thông mà con có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, kinh tế, văn hóa và xã hội đối với các tỉnh miền Trung nói riêng, đất nước ta nói chung", ông Hoàng nói.

Tiếp nối theo tư duy "dám nghĩ" đó chúng tôi lại tiếp tục giải cứu các dự án bị đình trệ nhiều năm; mời người dân, các cơ quan thanh, kiểm tra, thậm chí cả cơ quan điều tra để nội soi chính mình; dám nghĩ những mô hình quản trị, mô hình đầu tư; dám đặt vấn đề với cơ quan có thẩm quyền như bộ, ngành, địa phương đồng thờiđưa ra các kiến nghị để điều chỉnh cơ chế, chính sách,… nhằm giải những bài toán khó tại các dự án bị đình trệ.

Chuyện dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm của "vua hầm" Đèo Cả - Ảnh 2.

Ông Hồ Minh Hoàng

Dám làm những dự án khó

Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình hầm đường bộ cấp đặc biệt đầu tiên do người Việt thiết kế và thi công, các yêu cầu về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Khi đề xuất dự án này, ông Hồ Minh Hoàng chỉ mới hơn 30 tuổi và một Đèo Cả còn rất non trẻ về cả tài chính, nguồn nhân lực và máy móc thiết bị.

Nhiều người và cộng đồng doanh nghiệp khi đó đã cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ. Khi nhận thấy quá nhiều khó khăn, các nhà đầu tư đã lần lượt rời đi, Đèo Cả đã đứng lên gánh vác công việc. Việc hoàn thành dự án khẳng định khả năng của người Việt, tinh thần Việt có thể chinh phục được việc khó.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là các dự án bị đình trệ nhiều năm. Các nhà đầu tư cũ yếu kém vềnăng lực tài chính, năng lực thi công, thậm chí còn bị vướng vào vòng lao lý không thể triển khai được dự án đáp ứng lòng mong mỏi của 23 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long cũng như hàng triệu đồng bào dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Các dự án này đều gặp rất nhiều khó khăn khi các điều kiện của hợp đồng tín dụng phức tạp gần như là bất khả thi, tổng mức đầu tư không phù hợp để điều chỉnh rất phức tạp, phương án tài chính khó khăn đòi hỏi phải có sự cân nhắc, tính toán hết sức kỹ lưỡng mà nếu Đèo Cả không tham gia thì các dự án này có thể vẫn phải nằm "đắp chiếu" khi không có nhà đầu tư nào dám làm.

Khi được Chính phủ đã tin tưởng giao trách nhiệm, Đèo Cả đã ứng kinh phí trả nợ cho các nhà thầu bị nợ trước đó, thực hiện một loạt các biện pháp quản trị thi công, loại bỏ nhà đầu tư, nhà thầu yếu kém, gắn trách nhiệm cho chính mình và cho cơ quan nhà nước khi xác định các mốc tiến độ của dự án để công khai cho người dân giám sát.

Đến nay, việc hoàn thành dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là một kỷ lục của ngành giao thông khi hoàn thành công trình đường cao tốc chỉ sau 2 năm.

Chuyện dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm của "vua hầm" Đèo Cả - Ảnh 3.

Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư theo hình thức PPP

Công khai thông tin, mời cộng đồng giám sát

Tại các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Đèo Cả đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình thực hiện chương trình cộng đồng giám sát để minh bạch và công bố thông tin tiến độ, những vướng mắc để xác định trách nhiệm các bên tham gia.

Hoạt động này tạo được đánh giá rất cao, tạo ra sự đồng thuận lớn trong xã hội khi đã nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, không sợ khuyết điểm. Đây không chỉ là kênh giám sát các bên liên quan mà cũng là cơ hội tốt để chúng tôi soi chiếu mình, kịp thời có những chấn chỉnh nội bộ để hệ thống ngày một tốt hơn.

"Ngoài ra, chúng tôi dám tiên phong khi ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại (chuyển đổi số, BIM) trong triển khai dự án hạ tầng giao thông từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng nhằm hạn chế sự can thiệp, ý chí chủ quan, tiêu cực của con người để tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh chóng và chính xác", ông Hoàng chia sẻ.

Dám chịu trách nhiệm

Với cơ quan nhà nước: Chịu trách nhiệm với những cam kết của mình, những quy định của pháp luật, tính minh bạch và hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước.

Với cổ đông: Chịu trách nhiệm trước việc quản lý, sử dụng đồng vốn mà cổ đông đóng góp đảm bảo đúng mục đích, mục tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tối ưu lợi nhuận.

Với người dân: Chịu trách nhiệm trước sự an toàn, tiện ích khi tham giao thông trên những cung đường do chúng tôi thực hiện. Tháng 10/2021, khi cơn bão dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Đèo Cả đã dám chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền khi chủ động mở hệ thống hầm tại miền trung gồm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân để hỗ trợ hàng vạn người dân hồi hương bằng phương tiện xe máy qua hầm an toàn.

Với đối tác:Với chiến lược kết nối để phát triển trên nguyên tắc "Rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa"tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực Tập đoàn Đèo cả đã có nhiều đối tác chiến lược trong ngoài nước.

Với người lao động: Đèo Cả được hình thành từ một Hợp tác xã Hải Thạch nhưng hơn 20 năm qua các xã viên ngày xưa đã trở thành CBNV và một bộ phận đã trở thành cổ đông của Tập đoàn, được nhận thu nhập ổnđịnh từ lương, thưởng và cổ tức,đặc biệtkhông để nợ lương hay cắt giảm lương ngay cả trong lúc dịch bệnh covid là điều mà chúng tôi đã làm tốt trong nhiều năm qua.

Tự bản thân, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng "Dám nghĩ -Dám làm -Dám chịu trách nhiệm"là một chuỗi từ suy nghĩ đến hành động thống nhất:

Trước hết, phải lấy lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân làm lợi ích tối thượng.

Hai là, lấy hiệu quả công việc làm thước đo chứng thực cho những ý tưởng táo bạo, để kiểm tra năng lực sáng tạo, từ đó tích luỹ kinh nghiệm và không ngừng đổi mới.

Ba là, không nản chí trước những thất bại và những rào cản, coi đó là một khâu trong quy trình đi đến thành công.

Bốn là, tập hợp được đội ngũ cộng sự nhiệt huyết, đồng cam, cộng khổ, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi.

Năm là, vững vàng niềm tin vào lẽ phải, việc làm tốt sẽ luôn luôn được bảo vệ.

Để xã hội nhiều người "Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm", ông Hoàng cho rằng, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, trọng dụng người dám nghĩ, dám làm. Người thực tâm, làm đúng với mục đích, nội dung, kết quả mà đầu ra cuối cùng lại gặp rủi ro ngoài ý muốn, bất khả kháng thì họ cần được miễn trách nhiệm, kỷ luật. Có những hình thức khen thưởng kịp thời những điển hình tốt về "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" thì mới có thể nhân lên điều tốt cho xã hội.