Tốc độ đô thị hóa mạnh, các đô thị trung tâm không còn nhiều quỹ đất để phát triển BĐS |
Xu hướng dịch chuyển của thị trường BĐS Việt Nam
Nếu nhìn lại nhận định đưa ra từ các năm trước có thể thấy, các chuyên gia trong ngành đã dự báo khá đúng về diễn biến của thị trường BĐS, khi các khu vực “đầu tàu” như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã không còn là điểm nhấn duy nhất của các nhà đầu tư mà đang mở rộng ra các thị trường mới.
Thực tế, sự chuyển dịch của thị trường BĐS đã bắt đầu manh nha hình thành từ khoảng hai năm trước nhưng chỉ thực sự bùng nổ trên phạm vi rộng kể từ đầu 2018 đến nay. Theo các chuyên gia, xu hướng này đang vận động theo một quỹ đạo tất yếu, tác động bởi nhiều yếu tố.
Sau những năm tăng trưởng thần tốc, thị trường BĐS tại các đô thị lớn đang dần rơi vào trạng thái “bão hòa”. Tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng quy mô dân số không ngừng khiến quỹ đất nơi đây ngày một thu hẹp, tác động trực tiếp đến thị trường BĐS.
Thống kê của Vnrea cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018. Tại thành phố Hồ Chí Minh, mức độ giảm mạnh hơn khi tổng nguồn cung giảm gần 50%. Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm nguồn cung của hai thị trường này xuất phát từ việc Chính phủ đang có sự rà soát lại toàn bộ các dự án BĐS để tránh quỹ đất bị cạn kiệt.
Bất chấp thị trường chững lại, giá bất động sản vẫn rất cao. Cụ thể, tại TP HCM, giá căn hộ tăng từ 10 đến 30%, đất nền nhiều nơi tăng gần 30 - 40% và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến nhiều khách hàng e ngại xuống tiền đầu tư và chuyển hướng tìm kiếm các khu vực còn ở mức giá thấp.
Điều này đã dấy lên làn sóng di cư của các doanh nghiệp BĐS tiến về các vùng đất vùng ven, tỉnh lẻ, nơi còn quỹ đất rộng, nhu cầu du lịch lớn và tốc độ đô thị hóa đang trên đà mạnh mẽ để “gối đầu” phát triển dự án trong các năm tới. Bởi đối với các nhà đầu tư địa ốc, không có quỹ đất thì chẳng khác nào ra trận mà thiếu vũ khí.
Theo dự báo trong các năm sắp tới, tỷ lệ đô thị hóa sẽ lan rộng khắp các tỉnh, thành cả nước, đưa Việt Nam đuổi kịp tốc độ đô thị hóa của thế giới, cùng với đó là sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu với khoảng 50% dân số sinh sống ở đô thị vào năm 2020, vì vậy, dư địa lớn của thị trường BĐS vẫn chờ các doanh nghiêp phía trước.
Dù có nhiều “sự lựa chọn”, nhưng không phải thị trường mới nào cũng là miếng bánh ngọt hấp dẫn bởi cơ hội luôn đi cùng với thách thức, đòi hỏi các nhà đầu tư tiên phong phải có tiềm lực và tầm nhìn dài hạn. Trong bối cảnh này, những địa phương có tiềm năng dồi dào, sở hửu chỉ số cạnh tranh tốt sẽ là những yếu tố quan trọng để lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư.
Chiến lược “đóng chiếm” Tây Nam Bộ của các ông lớn
Nếu như ở phía Bắc, thị trường mới gọi tên các khu vực như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh… nhờ có vị trí thuận lợi, hạ tầng kết nối đồng bộ với trung tâm Hà Nội và sự bứt phá thần tốc của kinh tế - xã hội thì tại phía Nam, đại diện nổi bật cho xu thế mới này đang hướng mạnh về Tây Nam Bộ, vùng đất sở hữu quỹ đất rộng lớn “thẳng cánh cò bay” và đi đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đánh giá về tiềm năng phát triển thị trường bất động sản khu vực Tây Nam Bộ, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng đây là khu vực còn nhiều dư địa phát triển bất động sản.
“Thị trường nhà ở cho thấy nhu cầu của người dân ngày một tăng. Trong khi TP.HCM đang rà soát, kiểm soát phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm thành phố, cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư dãn sang những địa bàn lân cận, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, việc chú trọng tăng khai thác hạ tầng giao thông, tăng liên kết khu vực là nền tảng quan trọng cho bất động sản vùng phát triển”, ông Lực cho biết.
Đáng chú ý, theo kết quả đánh giá PCI, Tây Nam Bộ luôn là nơi có điểm số trung bình PCI cao nhất trong 6 vùng trong cả nước liên tục từ năm 2014 trở lại đây. Nổi bật có 3 tỉnh nằm trong top 5 PCI cả nước là Đồng Tháp, Long An và Bến Tre.
Cầu Vàm Cống – công trình giao thông quan trọng tại Tây Nam Bộ |
Từ những thế mạnh và tiềm năng này, năm 2018, Tây Nam Bộ ghi nhận số doanh nghiệp mới thành lập ấn tượng với hơn 9.500 doanh nghiệp. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt trong thời gian qua với sự góp mặt của rất nhiều ông lớn.
Đơn cử như tại Đồng Tháp, tỉnh có chỉ số PCI cao nhất Tây Nam Bộ là một trong những mảnh đất nhận đang đón nhận nhiều dự án đầu tư.
Mới đây, Tập đoàn FLC chính thức khởi công dự án khu đô thị FLC La Vista Sadec tại Sa Đéc, với quy mô 15ha, định hướng trở thành một khu đô thị đầy đủ tiện ích, là không gian sống tiêu chuẩn cao đồng thời cũng là điểm đến mua sắm, giải trí lý tưởng của người dân cũng như du khách vùng Tây Nam Bộ.
Theo đại diện Tập đoàn FLC, FLC La Vista Sadec mới chỉ là phát súng khởi đầu cho những chiến lược dài hạn của Tập đoàn này hướng đến mục tiêu “tiến về miền Tây”. Sắp tới, nhiều dự án khác sẽ được FLC xúc tiến triển khai nhằm góp phần thay đổi diện mạo đô thị xứ sở sen hồng nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung.
Với tiềm năng lớn, dư địa phát triển còn dồi dào, Tây Nam Bộ được dự báo sẽ trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản trong thời gian tới, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.