Ảnh minh họa. |
Thứ Năm tuần trước, Tổng thống Mỹ - Donald Trump ký biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu lên số hàng hóa trị giá tới 60 tỷ USD của Trung Quốc. Một ngày sau, thuế nhập khẩu với nhôm thép toàn cầu vào Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố áp thuế nhập khẩu với 3 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Nếu mọi chuyện chỉ kết thúc ở đây, cuộc cãi vã sẽ chẳng thể có tác động nghiêm trọng lên toàn cầu. Tuy nhiên, cả công nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều sẽ cảm nhận được khi chi phí và giá cả tăng lên, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
CNN đã thống kê động thái thương mại gần đây giữa hai nước và dự báo điều gì có thể xảy ra trong tương lai.
Mỹ sẽ đánh vào ngành công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc
Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 25% lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% lên nhôm nhập khẩu. Phần lớn quốc gia trên thế giới đều phải chịu mức thuế này.
Chính quyền ông Trump cũng sẽ áp 25% thuế nhập khẩu lên nhiều hàng hóa khác của Trung Quốc. Danh sách này chưa được công bố, nhưng sẽ có công nghệ truyền thông, vũ trụ, thông tin và máy móc. Việc này được đưa ra sau một cuộc điều tra của Mỹ, kết luận Trung Quốc cố tình phân biệt đối xử với các hãng công nghệ Mỹ tại nước này.
Đây là những mặt hàng thương mại chủ chốt của hai nước. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thuộc các lĩnh vực trên. Chủ yếu là máy tính và thiết bị bán dẫn, theo dữ liệu của Mỹ và hãng nghiên cứu Panjiva thuộc S&P Global Market Intelligence.
Trung Quốc sẽ đánh vào nông dân và vườn nho Mỹ
Thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu lên 128 mặt hàng của Mỹ, nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế nhôm, thép, theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc. Thuế này sẽ chủ yếu nhắm vào rượu, trái cây, thịt lợn, nhôm tái chế và các loại hạt. Danh sách đầy đủ vẫn chưa được công bố, nhưng nó sẽ có hiệu lực từ ngày 31/3. Các loại thuế sẽ dao động từ 15% đến 25%.
Giá trị số mặt hàng bị ảnh hưởng chỉ là 3 tỷ USD một năm. Đây là con số khá nhỏ. Nhưng nó chỉ là sự bắt đầu.
Trung Quốc hiện là khách hàng hàng đầu với 300.000 nông dân trồng đậu nành tại Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc mua 61% đậu nành xuất khẩu của Mỹ. Đến nay, họ chưa đề cập đến việc đánh thuế mặt hàng này, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước đã nhắc tới số liệu trên.
Trung Quốc cũng không cần phải áp thuế nhập khẩu lên nông dân Mỹ để trừng phạt nước này. Họ đơn giản chỉ cần tăng làm ăn với Nam Mỹ.
Năm ngoái, đậu nành từ Brazil vào Trung Quốc đã tăng gần 35% so với năm trước đó, trong khi con số này của Mỹ chỉ tăng 2%, theo Panjiva. Brazil bán nhiều đậu nành sang Trung Quốc hơn cả Mỹ. Giới chuyên gia cho biết sự tăng vọt năm ngoái không liên quan đến chính sách thương mại, nhưng nó cho thấy Trung Quốc có lựa chọn khác để thay thế hàng Mỹ.
Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc hiện nắm 1.170 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Con số này thường biến động nhẹ, nhưng đến tháng 1, nó đã xuống đáy nửa năm.
Trung Quốc sẽ không thể bán lượng lớn trái phiếu cùng lúc, vì nó sẽ khiến giá trị số trái phiếu còn lại trong danh mục của họ đi xuống. Vấn đề thực sự là: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc mất hứng và không mua nhiều nợ Mỹ nữa?
Năm tài chính này, Chính phủ Mỹ cần phát hành gần 1.000 tỷ USD trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách được dự báo phình to trong những năm tới do chính sách giảm thuế. Điều này có nghĩa Mỹ cần bán nhiều trái phiếu hơn cho các quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài, người dân và ngân hàng Mỹ. Trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất thế giới.
Người ta không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc ngừng mua nợ Mỹ, hoặc giảm đáng kể việc mua. Nhưng ít nhất thì hiện tại cũng không phải thời điểm lý tưởng để Mỹ chọc giận chủ nợ lớn nhất của mình.
Đây liệu có phải là dấu chấm hết cho kỷ nguyên hiện tại của nền kinh tế toàn cầu?
Câu hỏi này có vẻ trầm trọng, nhưng quan niệm của thế giới về thương mại của Mỹ và Trung Quốc đang đảo ngược.
Từ sau Đại chiến Thế giới II, Mỹ vẫn là tấm gương cho thương mại tự do, còn Trung Quốc nổi tiếng là bảo hộ. Giờ đây, Mỹ muốn đánh thuế lên hàng nhập khẩu, còn Trung Quốc - ít nhất là từ lời nói - lại cho thấy quyết tâm chống bảo hộ.
Cả Tổng thống Chile và Colombia đều mô tả tình hình này là “thế giới lộn ngược”. Các chuyên gia kinh tế về thương mại tự do cho biết Mỹ đang từ bỏ vai trò dẫn dắt thương mại toàn cầu, dù ông Trump cho rằng mình chỉ đang cố giúp người Mỹ hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc lại ngày càng mở rộng hiện diện, thể hiện qua tham vọng thương mại toàn cầu với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Liệu ông Trump có làm như đã nói?
Dù vậy, tất cả những mối đe dọa trên có thể chẳng thành hiện thực. Trump muốn áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm của mọi nước vào Mỹ. Các đồng minh và đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ đều dọa sẽ trả đũa.
Nhưng sau đó, ông lại miễn thuế cho Mexico, Canada, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Brazil và Argentina. Điều này có nghĩa 4 nước xuất khẩu thép, và 4 trên 7 nước xuất khẩu nhôm hàng đầu vào Mỹ đều không bị áp thuế.
Ông cũng liên tục đe dọa phá bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Dù vậy, Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer gần đây cho biết đàm phán đang có tiến triển.
Các loại thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc cũng phải vài tuần nữa mới có hiệu lực. Với chính phủ hiện tại trong Nhà Trắng, đây là một khoảng thời gian rất dài.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.