Chất lượng không khí ở Bắc Kinh xuống thấp. (Nguồn: scmp.com) |
Trung Quốc có thể dễ dàng đáp ứng cam kết về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, vào năm 2030 trong Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu, song theo nhận định của các nhà nghiên cứu, giải pháp cơ cấu lại nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở nước này, trong đó đảm bảo 20% nhu cầu tiêu thụ được huy động từ năng lượng tái tạo và hạt nhân có thể là một mục tiêu khó khăn đối với quốc gia có lượng khí thải CO2 cao nhất thế giới này.
Trong bài viết trên tạp chí Nature Communications ngày 26/3, tác giả Kelly Sims - Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách khí hậu, Cao đẳng Fletcher thuộc Địa học Tufts của Mỹ, chỉ ra khó khăn của Trung Quốc trong việc tăng gấp 3 việc sử dụng nguyên liệu phi hóa thạch, cho rằng điều này đòi hỏi Trung Quốc có một cuộc cải tổ lớn trong ngành năng lượng cố hữu của nước này, cũng như triển khai toàn diện một hệ thống mua bán hạn ngạch khí thải còn non trẻ.
Bài viết chỉ ra nhiều nguy cơ nếu Trung Quốc không thể đặt được mục tiêu đã đề ra và những mục tiêu tự nguyện khác, trong đó mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C trong Hiệp định Paris có thể xa vời trong bối cảnh độ ấm lên của Trái Đất được dự báo tăng gấp 2 lần vào cuối thế kỷ này.
Bên cạnh chính sách tăng cường sử dụng nguồn năng lượng từ nhiên liệu "Xanh" trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt, Bắc Kinh cam kết mở rộng diện tích rừng hấp thu khí thải thêm 4.500km2 vào năm 2030 so với năm 2005.
Theo tác giả Sims, Bắc Kinh đang đi đúng hướng nhằm hoàn thành những cam kết của nước này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cụ thể, Bắc Kinh đã không rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện ý định này.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc vẫn luôn thể hiện vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng việc đưa ra một loạt chính sách nhằm giảm thiểu lượng khí thải CO2.
Đa phần các chính sách này đều đảm bảo lợi ích song trùng đối với an ninh năng lượng, cải cách kinh tế và giảm ô nhiễm trong không khí.
Theo một nghiên cứu mới đây, có khoảng 1 triệu đến 2,8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm ở Trung Quốc là do không khí ô nhiễm.
Theo thống kê, trong năm 2018, tổng lượng khí thải CO2 của Trung Quốc là 10 tỷ tấn, chiếm 25% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu mà một phần nguyên nhân do Bắc Kinh gia tăng sử dụng nhiên liệu than đá.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Trung Quốc còn nhiều thời gian để đảo ngược đà tăng này trước năm 2030.
Kết luận bài viết, tác giả Sims khẳng định tuy là nước phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới, Trung Quốc không thể đơn độc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cuộc chiến này đòi hỏi tất cả các nước công nghiệp lớn có hành động để giảm lượng khí thải, trong khi các nước đang phát triển sẽ cần triển khai các chiến lượng tăng trưởng thay thế để hỗ trợ các nước giàu hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.