Chuyện ít biết về thủy thủ tàu ngầm Việt Nam

Xã hội 05/05/2015 10:05

Phấn đấu trở thành thủy thủ tàu ngầm hiện là nguyện vọng của nhiều cán bộ chiến sĩ công tác tại Quân chủng Hải quân, bởi họ có cơ hội được làm việc trên những con tàu hiện đại nhất của Việt Nam, nên dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng đây cũng là niềm tự hào và vinh dự của người lính hải quân.


Lữ đoàn 189 hầu hết là lính trẻ nên phong cách cũng rất...

Lữ đoàn 189 hầu hết là “lính trẻ” nên phong cách cũng rất “xì teen”.

Khả năng chiến đấu của một chiếc tàu ngầm mà Việt Nam đang sở hữu tương đương với một lữ đoàn tàu mặt nước, có thể tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước và các mục tiêu khác của đối phương. Những thủy thủ sau khi được tuyển lựa ngặt nghèo, được tập trung về Học viện Kỹ thuật Quân sự để học ngoại ngữ, học đại cương cũng như rèn luyện nâng cao thể lực trong vòng một năm, sau đó tiếp tục được sàng lọc để cử đi đào tạo ở nước ngoài (Nga, Ấn Độ).

Kết thúc khóa đào tạo ở nước ngoài, trở về đơn vị, các sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm vẫn tiếp tục rèn luyện tại Trung tâm huấn luyện thủy thủ tàu ngầm để không ngừng nâng cao về chuyên môn, cũng như kỹ thuật, chiến thuật khi tác chiến trên biển. Trung tâm huấn luyện của lữ đoàn được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là trung tâm hiện đại nhất của khu vực Đông Nam Á.

Cuối tuần tiếng nhạc vang lên khắp khu doanh trại. Hát nhạc hip hop, khiêu vũ, múa võ, đấm bốc, bơi thuyền… “món gì” lính ta cũng sẵn sàng thử sức. Trung tá Đậu Văn Hoàng, thuyền trưởng tàu 183 khoe: Đội đi thi võ, bơi thuyền, đấm bốc… của đơn vị năm nào cũng đạt thành tích cao trong toàn Quân chủng.

Lính trẻ nên mới có chuyện những ngày đầu mới đặt chân đến nước Nga, có anh chàng nhìn thấy tuyết mê quá, đã bất chấp nhiệt độ âm dưới 24 độ C, vẫn cởi trần lao ra chụp ảnh cùng tuyết.

Hỏi thủy thủ tàu ngầm xa nhà quanh năm, thời gian đâu để “tìm hiểu đối tượng”? Anh em cười: Giờ ai cũng có facebook cả mà. Châm ngôn của lính tàu ngầm là “Tốc độ âm thanh nhanh hơn tốc độ ánh sáng”, bởi vậy khoảng cách về địa lý không thể ngáng trở được tình yêu đôi lứa. Quan trọng nhất vẫn là sức mạnh của “sóng tình”. Bằng chứng thuyết phục là anh em trong đơn vị đến nay hầu hết đều đã có gia đình, số độc thân còn khoảng 4- 5 người nhưng hầu như đều đã có “người trong mộng”, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt.

Năm 2013, kíp tàu ngầm 184 có gần 50 anh em được cử đi học ở Nga, thì chỉ vài tháng sau đó đơn vị lần lượt tổ chức ăn mừng 13 “hải quân” nhí chào đời mạnh khỏe tại quê nhà. Ai nấy đều tự hào vì đội hậu bị tại địa phương nay càng thêm hùng hậu, góp phần làm ấm lòng những ông bố trẻ đang học tập xa quê. Thậm chí nhiều người đã chọn đặt tên con là Nga, là Liên để kỉ niệm chuyến học tập đặc biệt của mình ở nước Nga. Đơn vị kết thúc khóa học về nước lại tiếp tục đón thêm 10 cô dâu mới.

Đến thăm kíp tàu 7 vừa huấn luyện ở Ấn Độ về, tôi còn được nghe câu chuyện li kì về một “đám cưới vắng chủ rể”, đó là đám cưới của thủy thủ Vũ Quang Dũng. Theo kế hoạch của đơn vị, ngày 13/1/2015 anh em sẽ về đến Việt Nam; bởi vậy gia đình Dũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho đám cưới sẽ diễn ra vào ngày 18/1. Tuy nhiên sát ngày bay thì bão lớn ập đến, mọi chuyến bay đều bị hủy bỏ. Ở quê nhà, họ hàng hai bên gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng cho đám cưới, nên mọi sự thay đổi vào phút chót đều rất phiền phức. Nhưng đám cưới không có chú rể thì hàng xóm láng giềng sẽ nghĩ sao? Tiếp tục tổ chức đám cưới hay hủy bỏ? Anh em trong đơn vị cùng xúm lại làm tham mưu cho Dũng.

Cuối cùng, Dũng hạ quyết tâm: vẫn tổ chức cưới tại quê nhà. Cô dâu đã có gia đình nhà chồng đến đón về. Hình ảnh chú rể sẽ được “truyền hình trực tiếp” qua sky. Kế hoạch bàn thảo kĩ càng. Chú rể comple chỉnh tề, ngồi trước màn hình máy tính. Đúng ngày giờ, đám cưới “độc nhất vô nhị” đã được diễn ra trong rất nhiều tiếng cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc.

Chia tay lữ đoàn 189, tôi nhớ mãi câu chuyện của Minh Cường, cán bộ phòng Chính trị Lữ đoàn. Cường kể, ngày Cường mang đơn xin vào nhận công tác ở Vùng 4 Cam Ranh, nơi này vẫn còn hoang vu lắm. Cường đi bộ 12 cây số mới vào đến đơn vị. Chân mỏi, nắng xói đỉnh đầu, mồ hôi ướt đẫm khiến chàng sĩ quan trẻ không khỏi thấy nản. Đúng lúc ấy, Cường bắt gặp biển hiệu bên đường ghi dòng chữ “Xin đừng từ bỏ những vùng đất cằn cỗi”. Chính dòng khẩu hiệu giản dị ấy đã giữ chân Cường ở lại với mảnh đất Cam Ranh nắng gió, và đưa anh đến với lữ đoàn 189.

Những người lính trẻ ở lữ đoàn 189, họ không nói nhiều về mình. Nhưng nhìn ánh mắt những người như Cường, tôi lý giải được vì sao chỉ trong thời gian ngắn, thành tích của cán bộ và chiến sĩ trong lữ đoàn đã khiến những chuyên gia quân sự của Nga cũng phải nể phục và đơn vị thực sự là niềm tự hào của Quân chủng Hải quân Việt Nam.

Theo Cảnh Sát Toàn Cầu

Ý kiến của bạn

Bình luận