Chuyện các tỷ phú lớn tuổi nằm trong top giàu nhất thế giới không đáng ngạc nhiên, do việc tích lũy khối lượng lớn tài sản cần thời gian khá dài. Trong nhóm 500 tỷ phú giàu nhất thế giới được Bloomberg theo dõi, khoảng một phần năm từ 80 tuổi trở lên và 21 người hơn 90 tuổi. Trong đó có 8 đại diện châu Á, với tổng tài sản 125 tỷ USD.
Đó là chưa kể hai tỷ phú vừa qua đời đầu năm nay. Eka Tjipta Widjaja - tỷ phú dầu cọ Indonesia (98 tuổi) và Henry Sy - ông vua bán lẻ Philippines (94 tuổi). Tổng tài sản của hai người này là gần 17 tỷ USD.
Vì vậy, châu Á luôn là một trong những tâm điểm chú ý về vấn đề thừa kế. "Ngày càng nhiều gia đình nghĩ đến việc này", Peng Qian - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Khởi nghiệp và Công ty Gia đình châu Á Tanoto, thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết, "Chúng tôi dự báo nhu cầu dịch vụ quản lý tài sản của nhóm người giàu nhất châu Á sẽ lên rất cao trong vài năm tới".
Khi một tỷ phú qua đời, ít nhất hai kịch bản sẽ xảy ra. Một là chia tài sản theo đúng trật tự. Hai là bùng nổ một cuộc chiến tranh giành tài sản.
Sy đã chọn cách thứ nhất. Khi qua đời, ông có tài sản 7,2 tỷ USD. Hơn 10 năm trước, Sy đã chia cổ phần của mình trong SM Investments cho 6 người con, giúp tất cả họ trở thành tỷ phú.
Li Ka-shing cũng rời CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings năm ngoái, sau khi để con trai Victor tiếp quản đế chế của mình. Gần đây, ông còn đưa cháu gái Michelle Li vào HĐQT Chesterfield Realty - một công ty thuộc CK Hutchison Holdings.
Còn với nhiều gia đình siêu giàu khác, chuyện này có thể gây ra cả một cuộc chiến tranh giành quyền lực. Năm 2011, vua sòng bài Macau - Stanley Ho (97 tuổi) đã phải chia phần lớn tài sản cho các bà vợ và con để dàn xếp lục đục nội bộ. Tuy nhiên, các thành viên gia đình, trong đó có con gái lớn - Pansy, vẫn đang mắc kẹt trong một cuộc chiến đã kéo dài cả thập kỷ để giành đế chế casino của ông ở Macau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.