Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa

Xã hội 27/11/2015 06:30

Vận tải bằng VTTNĐ chưa được phát huy do cơ sở hạ tầng luồng tuyến đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) chủ yếu vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên.

 

_DSC6239

Tình hình giao thông vận tải đường thủy nội địa

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi tự nhiên dày đặc, phân bố dọc theo chiều dài đất nước, rất thuận lợi và là tiềm năng lớn cho phát triển vận tải thủy nội địa. Cả nước có hơn 3.500 sông, kênh (hơn 3.000 sông, kênh nội tỉnh và hơn 400 sông, kênh liên tỉnh), đa phần các sông chảy ra biển thông qua 124 cửa sông, với tổng chiều dài hơn 80.500km, trong đó có khoảng 42.000km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải đường thủy. Hàng năm, vận tải thủy nội địa (VTTNĐ) đảm nhiệm vận chuyển khoảng 18% về hàng hóa, 6,8% về hành khách trong tổng lượng vận tải của toàn Ngành; tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8 đến 12%/năm. VTTNĐ có nhiều ưu việt, như: Giá cước thấp, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, đảm bảo ATGT cao và ít gây ô nhiễm môi trường.

VTTNĐ ở nước ta tập trung chủ yếu ở phía Bắc và phía Nam, trong đó, khu vực Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long chiếm ưu thế mạnh. Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vận tải bằng VTTNĐ chưa được phát huy do cơ sở hạ tầng luồng tuyến đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) chủ yếu vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên, hạn chế lớn nhất là luồng tuyến không đồng cấp trên các tuyến vận tải chính: Bán kính cong, tĩnh không, khoang thông thuyền của các cầu vượt sông, cống thủy lợi còn nhiều hạn chế; có nơi còn cản trở lớn cho hoạt động của phương tiện thủy nên kém phát triển, chưa phát huy lợi thế cạnh tranh sẵn có. Hoạt động VTTNĐ đã được xã hội hóa, tuy nhiên quy mô tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh vận tải thủy còn manh mún, chưa tập trung do lực lượng phương tiện chủ yếu tư nhân và hộ gia đình nắm giữ, phương tiện thủy chở công-ten-nơ, thiết bị xếp dỡ công-ten-nơ tại các cảng thủy nội địa có nguồn vốn lớn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Đặc biệt là khu vực phía Bắc không có cảng thủy nội địa xếp dỡ công-ten-nơ, do đó lượng hàng này chủ yếu là vận chuyển bằng đường bộ đến các khu công nghiệp và khu chế xuất. Bên cạnh đó, tại các địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn, người tham gia giao thông bằng ĐTNĐ chưa được đào tạo cơ bản về giao thông ĐTNĐ, việc điều khiển phương tiện theo kinh nghiệm, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ TNGT ĐTNĐ.

Thực trạng cơ chế chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển giao thông VTTNĐ

Về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông VTTNĐ: Hiện chưa có cơ chế chính sách cụ thể nhằm ưu tiên khuyến khích phát triển hạ tầng giao thông ĐTNĐ trên các tuyến vận tải thủy chính, tuyến vận tải thủy kết nối với phương thức vận tải đường biển; chưa có chính sách ưu đãi về thuế, phí… để các doanh nghiệp vay vốn đầu tư đóng mới các phương tiện thủy nội địa có trọng tải và công suất lớn, đặc biệt là phương tiện chở hàng công-ten-nơ; chưa có chính sách hỗ trợ trong công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đối với khu vực kinh tế đặc biệt khó khăn, chính sách công nghệ thông tin trong vận tải và hoạt động dịch vụ logistics… mà chỉ được định hướng, lồng ghép trong Luật Giao thông ĐTNĐ và quy hoạch phát triển giao thông VTTNĐ.

Do đó, để phát huy hết lợi thế của giao thông ĐTNĐ, tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy phát triển VTĐTNĐ, tăng thị phần, giảm áp lực cho đường bộ, giảm thiểu TNGT, Bộ GTVT thấy rằng cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT bằng ĐTNĐ. Ngày 4/9/2014, Bộ đã có Công văn số 9470/BGTVT-VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTTNĐ. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông VTTNĐ và trình Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10630/TTr-BGTVT ngày 13/8/2015.

Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 05/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT ĐTNĐ, trong đó có các nhóm cơ chế, chính sách gồm: Cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ; khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ VTTNĐ; hỗ trợ đào tạo người lái phương tiện thủy nội địa.

Các cơ chế, chính sách này sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn, thu hút trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa đầu tư vào GTVT ĐTNĐ, góp phần nâng cao hiệu quả VTTNĐ, kết nối các phương thức vận tải nhằm giảm tải cho đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu TNGT, bảo vệ môi trường, thực hiện thành công Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 4/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện địa hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận