Có được lên đà, kiểm định phương tiện thủy tại cơ sở đóng tàu cá?

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Ứng dụng 16/08/2024 14:42

Bộ GTVT cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện thủy, phương tiện thủy vỏ thép, vỏ gỗ khi đến hạn kiểm tra trên đà, kiểm định định kỳ có thể thực hiện tại cơ sở sửa chữa tàu cá.


Có được lên đà, kiểm định phương tiện thủy tại cơ sở đóng tàu cá? - Ảnh 1.

Phương tiện thủy nội địa vỏ thép, vỏ gỗ được phép kiểm tra trên đà, kiểm tra định kỳ tại các cơ sở đóng mới, sữa chữa tàu cá mà đã được Cục Đăng kiểm VN xác nhận đáp ứng yêu cầu đủ năng lực theo quy định tại QCVN 89: 2015/BGTVT

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời kiến nghị cử tri địa phương về công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trên địa bàn.

Theo đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GTVT cho phép các phương tiện thủy nội địa vỏ thép, vỏ gỗ khi đến hạn kiểm tra trên đà và kiểm tra định kỳ, sửa chữa, hoán cải có thể vào các cơ sở sửa chữa tàu cá đã được Chi cục Thủy sản đánh giá công nhận đủ năng lực, để thực hiện kiểm tra trên đà, kiểm tra định kỳ và sửa chữa, hoán cải phương tiện.

Về vấn đề trên, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT nhận được Văn bản số 70/BC-BLĐTBXH ngày 21/5/2024 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai nhiệm vụ của Đoàn công tác được thành lập theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và các khó khăn, vướng mắc của các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Nghệ An năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Trong báo cáo kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa có nội dung tương tự như kiến nghị trên.

Ngày 23/7/2024, Bộ GTVT có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó đã nêu rõ: Các phương tiện thủy nội địa vỏ thép, vỏ gỗ khi đến hạn kiểm tra trên đà và kiểm tra định kỳ, sửa chữa hoán cải hoàn toàn có thể thực hiện tại các cơ sở đóng mới, hoán cải sửa chữa tàu cá nếu các cơ sở này được cơ quan đăng kiểm thuộc Bộ GTVT đánh giá đáp ứng yêu cầu quy định tại QCVN 89: 2015/BGTVT của Bộ GTVT. Điều này giúp tạo thuận lợi cho chủ phương tiện thủy khi đến hạn thực hiện kiểm tra trên đà, kiểm tra định kỳ và sửa chữa, hoán cải phương tiện theo như nội dung kiến nghị.

Cùng với đó, tại văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ GTVT có chỉ đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa để rà soát, hướng dẫn các cơ sở sửa chữa tàu cá thực hiện đánh giá, công nhận năng lực theo Quy chuẩn QCVN 89:2015/BGTVT, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa vỏ thép, vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo Cục Đăng kiểm VN, một trong khó khăn, bất cập trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy hiện nay là nhiều địa phương không có hoặc ít cơ sở đóng tàu được xác nhận đáp ứng đủ năng lực đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy theo Quy chuẩn QCVN 89: 2015/BGTVT.

Thực trạng này dẫn đến hiện tượng người dân, doanh nghiệp đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện tại các địa điểm (thường là tại các bờ, bãi ven sông, hồ) chưa được Cục Đăng kiểm VN xác nhận đủ năng lực kỹ thuật; hoặc phương tiện được đóng/gia công tổng đoạn, chi tiết tại địa phương khác (tại các cơ sở đóng tàu đã được xác nhận năng lực) rồi được vận chuyển từng phần hoặc các chi tiết, cụm chi tiết bằng đường bộ đến các bờ, bãi ven sông, hồ để lắp ráp hoàn chỉnh và hạ thủy phương tiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận