Cô gái 32 tuổi này đang thay đổi ngành giao thông Đông Nam Á

Doanh nhân 04/11/2016 14:34

Tan Hooi Ling là đồng sáng lập của ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á Grab.

grab-fouder-1476763470800
 

Bốn năm trước, tại một quán cà phê ở thủ đô Kuala Lumpur, một phụ nữ trẻ với chiếc điện thoại thông minh trên tay đang nhiệt tình hướng dẫn cho những lái xe taxi ở địa phương cách sử dụng ứng dụng gọi xe.

Đó chính là cách Tan Hooi Ling khởi nghiệp kinh doanh. Hiện tại Tan 32 tuổi và là đồng sáng lập kiêm CEO của Grab - ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á nhận được hơn 21 triệu lượt tải ở 6 quốc gia khu vực này.

Cha của Tan là một công chức nhà nước, còn mẹ mở một đại lý môi giới. Khoản tiền tiết kiệm của bố mẹ Tan giúp cô được hưởng nền giáo dục từ phương tây khi theo học chuyên ngành kỹ sư tại một đại học ở Anh Quốc. “Cho tới lúc đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mở một doanh nghiệp”, Tan chia sẻ.

Bước ngoặt tới khi Tan đang học tại trường kinh doanh Harvard nhờ học bổng từ công ty trước đó cô làm việc là McKinsey. Tại trường này, Tan gặp người đồng hương với mình là Anthony Tan – người thành lập nên Grab cùng với cô và hiện là Tổng giám đốc của công ty.

Các giảng viên tại Harvard vốn rất thực tế. Trong một sự kiện cắm trại của trường, họ đã tổ chức một cuộc thi ý tưởng kinh doanh giúp ích cho những người thu nhập thấp dành cho sinh viên. Anthony và Tan đã quyết định trở thành một nhóm và cùng lên ý tưởng cho cuộc thi.

Cả 2 dành nhiều ngày để hoàn thiện ý tưởng của mình. “Cô ấy thậm chí làm việc ngay cả khi chúng tôi đi trượt tuyết tại Colorado”, Arum Kang – người bạn cùng lớp ở trường Harvard với Tan nhớ lại.

Kasturi Rangan – giáo sư tại trường kinh doanh Harvard - người đã dạy cả 2 nhà đồng sáng lập Grab nói rằng nền tảng giáo dục tại Malaysia cùng với khả năng phân tích tốt đã giúp Tan nắm bắt được những cơ hội mà mọi người thường cho rằng có rất ít khả năng thành công”.

Taxi tại Malaysia hiển nhiên không an toàn và không đáng tin cậy. “Nhìn chung hành khách không thể hoàn toàn tin tưởng lái xe, còn xe thì có mùi rất khó chịu”. Thậm chí, các lái xe thường đi quá đường để tính thêm phí.

Sau khi tốt nghiệp từ trường kinh doanh, Tan được phân bổ vào làm tại văn phòng San Francisco của McKinsey trong 2 năm. Tuy nhiên, cô quyết định rút ngắn thời gian, trả lại số tiền được tài trợ đi học ở Harvard trước đó và quay trở lại với dự án Grab. Lúc ấy, Tan hoàn toàn bị thuyết phục rằng ý tưởng cùng thực hiện với Anthony có thể thay đổi hoàn toàn xã hội Malaysia bằng việc mang lại lợi ích cho cả hành khách đi taxi và lái xe taxi.

“Chúng tôi tin tưởng cả 2 sẽ bổ sung những điểm mạnh và bù trừ điểm yếu cho nhau”, Anthony – đồng sáng lập Grab cùng Tan, đồng thời là con của một gia đình sở hữu doanh nghiệp ô tô lớn ở Malaysia.

Tại Grab, Anthony đóng vai trò quan trọng, chịu trách nhiệm quan hệ với các nhà đầu tư. Còn Tan vốn là một sinh viên kỹ thuật chuyển sang làm kinh doanh vì vậy cô ấy đóng vai trò đứng phía sau hậu trường.

Một trong những trải nghiệm cá nhân của Tan khi đi xe taxi tại Malaysia đã ảnh hưởng rất lớn tới dịch vụ của Grab. Ứng dụng này cho phép khách hàng chia sẻ với người thân của họ thông qua email thông tin tin xác họ đang ở đâu. Các hành khách có thể đánh giá lái xe về hành trình của họ và các lái xe có thái độ tồi sẽ bị thải loại.

Tan cũng giữ mối quan hệ mật thiết với các lái xe Grab. Cô sử dụng ứng dụng của công ty mỗi ngày để thu thập những phản hồi từ lái xe.

Jimmy Gan – một lái xe sử dụng ứng dụng Grab mô tả Tan là “một phụ nữ dễ gần và biết lắng nghe”. Kể từ khi bắt đầu gia nhập Grab vào năm 2013, thu nhập của Gan đã tăng hơn 15%.

Grab cũng mở ra cơ hội việc làm cho phụ nữ. Grace Ong – một lái xe taxi nữ tại Kuala Lumpur thông qua ứng dụng Grab hy vọng kiếm được 400 ringgit (95 USD) mỗi ngày. Việc Grab yêu cầu hành khách phải đăng ký tài khoản cũng khiến ứng dụng này an toàn hơn cho những lái xe nữ.

Bị hấp dẫn bởi mô hình kinh doanh dựa trên những điều kiện địa phương, các nhà đầu tư liên tục rót vốn cho Grab, đẩy giá trị của công ty này lên mức 1,8 tỉ USD. Điều đó khiến công ty trở thành "chú kỳ lân”(công ty trị giá 1 tỷ USD hoặc hơn) đầu tiên ra đời từ một trong những nền kinh tế đang phát triển tại Đông Nam Á.

Những người trẻ tuổi ở Đông Nam Á đang cho thấy khả năng sẵn sàng mở và điều hành một doanh nghiệp. Trong năm kết thúc vào tháng 6, số lượng kỷ lục lên tới 111.101 công dân châu Á thi GMAT – kỳ thi nhằm đánh giá trình độ và khả năng của sinh viên để nộp đơn vào chương trình học thạc sĩ, tiến sĩ quản trị kinh doanh.

Một xu hướng hiện tại đang diễn ra là các nhân tài trẻ tuổi của châu Á sau khi học tập, lĩnh hội kiến thức ở phương Tây đã quay trở về đóng góp cho quê hương. Chính những người như Anthony và Tan đang thổi làn gió mới, góp phần tạo lập tương lai cho lĩnh vực kinh doanh.

Ý kiến của bạn

Bình luận