Hai con của Sue Cowley ở Thượng Hải sau 6 tháng không được dạy các bài giảng chính thức. Tuy nhiên, cô giáo Anh khẳng định "việc học tập không chỉ diễn ra ở trường". |
"Giáo dục là gì?", Sue Cowley đặt câu hỏi trong cuốn sách mới. "Có phải là đến trường mỗi ngày, mặc đúng quy định đồng phục, học hành chăm chỉ và hoàn thành bài tập về nhà? Có phải là làm theo những gì giáo viên bảo, cư xử tốt và tuân thủ mọi thứ? Có phải giáo dục chính là bạn biết bao nhiêu sự kiện và có thể nhớ lại trong các kỳ thi? Hay có thể là một điều gì đó khác biệt - điều có thể diễn ra bên ngoài thế giới cũng như trong lớp học?", The Guardian trích đăng.
Cowley từng nghĩ sẽ dành cả cuộc đời cho giáo dục. Cô dạy tiếng Anh và kịch ở các trường cấp hai, ra nước ngoài đào tạo các giáo viên khác, là chuyên gia trong quản lý hành vi, viết hơn 25 cuốn sách cho giáo viên và phụ huynh. 3 năm trước, cô đột ngột quay lưng với tất cả. Thất vọng vì những thay đổi trong hệ thống giáo dục ở Anh và chế độ thi cử, cô quyết định đưa con ra khỏi trường, gói ghém hành trang, bước vào hành trình đi khắp châu Âu và Trung Quốc.
Lộ trình được vạch ra xoay quanh sở thích của những đứa trẻ: khủng long (bảo tàng lịch sử tự nhiên Museum für Naturkunde ở Berlin, Đức), núi lửa (Vesuvius gần vịnh Naples, Italy), Leonardo da Vinci (The Last Supper ở Milan, Italy) và gấu trúc khổng lồ (vườn thú Bắc Kinh, Trung Quốc).
Cô Cowley cùng chồng là Frank, con trai Alvie (11 tuổi), con gái Edite (8 tuổi) khởi hành đến Dover vào tháng 2/2014. Họ dừng chân ở căn nhà di động vùng ngoại ô Amsterdam, ghé thăm căn nhà của Anne Frank và bảo tàng Rijksmuseum trước khi chuyển tới Đức, Italy, Bồ Đào Nha, Pháp và nhiều nước khác.
Chuyến đi của gia đình Cowley hoàn toàn dựa trên sở thích của các con. |
Chuyến đi trùng thời điểm chính phủ Anh thẳng tay xử lý trường hợp vắng mặt trong năm học, khiến phụ huynh rất khó khăn mới có thể đưa con ra khỏi trường. Hàng trăm phụ huynh đã bị phạt và tòa án cũng đưa ra nhiều thử thách. Chính phủ cho rằng nếu trẻ không đến trường sẽ không thể học. Nhưng Cowley nghĩ khác.
"Việc học tập không chỉ diễn ra ở trường. Không phải mọi kỳ nghỉ đều tồi tệ, không phải tất cả sự vắng mặt ở trường đều gây tổn hại. Những đứa trẻ của tôi trải qua 6 tháng không ngồi ở lớp và học theo bất kỳ bài giảng chính thức nào, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ngừng học", cô viết trong các trang mở đầu cuốn sách Road School.
Có 4 nguyên tắc cho "trường học trên đường" (road school). Thứ nhất, chúng sẽ luôn di chuyển. Thứ hai, chúng sẽ "săn" những điều thú vị. Nguyên tắc thứ ba ít phổ biến hơn là cả hai phải viết nhật ký hành trình mỗi ngày trong một trang A4. Và thứ tư, trong khi một số nguyên tắc cần được tuân thủ, số khác được tạo ra để phá vỡ. "Không có đồng phục, không có thời khóa biểu, không có bài kiểm tra của chính phủ, không bị giam cầm, không có bài tập về nhà", Cowley cho biết.
Cô giáo dày dặn kinh nghiệm không đặc biệt quan tâm đến việc làm gián đoạn quá trình học tập của con bởi tin cả hai đều có khả năng. Alvie và Edite thích đọc và viết, không nhất thiết phải trải qua kỳ thi SATs ở trường (chương trình đánh giá giảng dạy quốc gia, thực hiện tại các trường tiểu học ở Anh). Học tập thông qua du lịch chính là học tập theo nghĩa rộng hơn.
Họ đóng gói thư viện di động - một vali chứa một nửa truyện hư cấu và một nửa truyện người thật việc thật (không có cuốn sách giáo khoa nào), bỏ lại những cuốn sách sau khi đã đọc xong và nhặt nhạnh thêm những cuốn sách trên đường đi.
Cuối cuốn sách Road School có khung chương trình giảng dạy dành cho các bậc cha mẹ không phải là giáo viên muốn cùng con du lịch thế giới. Chẳng hạn, để luyện môn tiếng Anh, trẻ có thể được gợi ý viết thư về nhà. Đối với môn toán, chuyển đổi tiền tệ, khoảng cách di chuyển và giá cả trên thực đơn là những gì trẻ có thể học. Nghệ thuật, ngôn ngữ hiện đại, lịch sử và địa lý là những kiến thức trẻ chắc chắn sẽ thu nạp trên đường đi.
Cô giáo Anh tin rằng trẻ học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng khi du lịch khắp thế giới. |
"Chuyến đi này dường như chẳng làm hại những đứa trẻ của tôi chút nào. Cả hai đều có động lực học tập. Chúng đọc sách một cách vui vẻ và bị cuốn hút bởi mọi thứ. Khi trở lại trường, Edite đã rút ra được bản đồ cực kỳ chính xác về châu lục từ trí nhớ, điều mà nhiều người lớn còn cảm thấy khó khăn", Cowley chia sẻ.
Một điểm tích cực khác là du lịch giúp trẻ tăng khả năng đối phó với những điều bất ngờ xảy ra trên đường đi. Cậu bé Alvie từng bước lên tàu điện ngầm ở Trung Quốc và cánh cửa đóng sầm lại khi gia đình vẫn đang ở bên ngoài. Sau đó, họ gặp nhau ở trạm tiếp theo, khi Alvie bình tĩnh ngồi đọc sách chờ đợi.
Sau 6 tháng du lịch cùng bố mẹ, Alvie và Edite tiếp tục tham dự lớp học như các bạn. Tuy nhiên, Cowley lo lắng về tương lai lâu dài của giáo dục. Trong bối cảnh các trường học vật lộn với việc cắt giảm tài chính, chương trình giảng dạy sửa đổi tác động nhiều đến học sinh, Cowley không hài lòng với việc tăng lớp luyện thi cho trẻ và suy nghĩ đến việc tổ chức cuộc cách mạng của phụ huynh nhằm chống lại kỳ thi SATs.
"Tôi không khuyến khích tất cả phụ huynh giáo dục con theo cách của tôi. Tuy nhiên, càng nhiều trải nghiệm, trẻ càng tiếp thu được điều gì đó mới mẻ mỗi ngày. Khoảnh khắc trở về, tôi bắt đầu suy nghĩ sắp tới gia đình mình sẽ đi đâu", Cowley cho biết.
Cowley là một trong số ít phụ huynh mang đến cho con nền giáo dục khác biệt. Tuy nhiên, con số này không ngừng phát triển ở Anh. Số lượng trẻ em được giáo dục tại nhà tăng 65% từ năm 2009 đến 2015, vài gia đình trong số đó chọn "giáo dục phiêu lưu" - đưa con đi khắp thế giới. Lựa chọn này trở nên khả thi bởi nhiều công việc hiện nay không đòi hỏi người làm phải ngồi một chỗ.
"Tôi đã tiếp xúc với các gia đình đang làm theo cách tương tự. Cách thế giới vận hành có thể dạy cho trẻ rất nhiều điều, đó là một hình thức học tập khác", Cowley nói. Đặc biệt, cô tiếp cận hình thức này không chỉ với tư cách phụ huynh mà còn là một giáo viên có kinh nghiệm đang đào sâu ý tưởng "giáo dục là gì".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.