PGS. TS. Nguyễn Bá Hoàng Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh Người phản biện: GS. TSKH. Nguyễn Hữu Hà |
Tóm tắt: Theo Nghị quyết của lãnh đạo các nước ASEAN ngày 20/11/2007 tại Singapore, đến tháng 12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập, sớm hơn kế hoạch dự tính trước đây vào năm 2020. Đây là cộng đồng kinh tế thứ 2 sau Liên minh châu Âu EU. Cộng đồng kinh tế ASEAN là một trong ba trụ cột chính mà các nước ASEAN đang hướng tới đó là Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội và hợp tác sâu rộng về an ninh - chính trị giữa 10 nước ASEAN. Từ năm 1993, Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được thành lập bao gồm nhóm các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei). Việt Nam nằm trong nhóm gia nhập sau gồm 4 nước thành viên mới có kinh tế chậm phát triển hơn là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Cộng đồng AEC được thành lập sẽ là cơ hội và thách thức nền kinh tế của Việt Nam trong đó có thị trường lao động và nguồn nhân lực. Đây cũng chính là cơ hội và thách thức cho sự phát triển của công tác đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế hội nhập sâu rộng của khu vực. Bài viết tóm tắt các điểm chính trong việc thành lập AEC và các cơ hội và thách thức, các giải pháp theo phân tích của tác giả, cho sự nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng ngành GTVT nói chung và Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh nói riêng đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Từ khóa: AEC, cơ hội, thách thức, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
Abstract: According to the decision of the leaders of ASEAN countries dated 20/11/2007 in Singapore, in December 2015 the ASEAN Economic Community (AEC) will be established, five years earlier in compared with former plan, which stated in year 2020. The AEC is the second larges economic union after European Union EU. The AEC is one of three main columns, the ASEAN countries try to establish which are Economic Community, Cultural and Social Community and strong cooperation in political and security matters between 10 ASEAN countries. Since 1993, ASEAN Free Trade Area (AFTA) was established, including the ASEAN-6 group (Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines, Indonesia and Brunei). Vietnam are the country in the group of newly joint country members, the group included 4 lower economical developing countries (Cambodia, Laos, Myanmar and Vietnam). When AEC established, there are the opportunities and challenges for Vietnam economy included labor market and human resources, and also there are opportunities and challenges for the development of the education and training in colleges and universities, vocational colleges in order to meet demand of labor in the strong integration of the area. In this paper we summarized main points of the process by establishing of AEC, opportunities and challenges, solutions, according to the author, for better qualities education of human resources in colleges, universities in Transport section generally and the Ho Chi Minh university of transport particularly.
Keywords: AEC, opportunities, challenges, solution for better qualities education.
1. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)
Năm 2003, tại Bali (Indonesia), Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN đã hoạch định tầm nhìn ASEAN 2020 bao gồm 3 trụ cột chính là Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), trong đó quyết định Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào 2020. Tuy nhiên, ngày 20/11/2007 tại Singapore, để đẩy nhanh quá trình hội nhập giữa các nước trong khu vực, các nhà lãnh đạo đã thay đổi quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của cả khối ASEAN trước sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc.
Nguồn: Tổ chức tiền tệ thế giới, 2012 (International Monetary Fund, 2012), đến 2014 thì Việt Nam đã có số dân trên 90 triệu người.
AEC tạo ra một nền sản xuất và thị trường thống nhất của gần 500 triệu dân với GDP đạt hơn 2.300 tỷ USD với diện tích gần 5 triệu km2 đất liền và một khu vực biển và thềm lục địa rộng lớn.
Ước tính tới năm 2019 thì tổng dân số khu vực lên tới 670 triệu người và GDP gần 3.800 tỷ USD.
2 |
Như vậy, số dân trong khu vực ASEAN hiện nay tương đương với Liên minh châu Âu ( EU - European Union) hiện nay và vào năm 2020 sẽ lớn hơn nhiều số dân của Liên minh châu Âu, tuy nhiên tổng GDP các nước ASEAN chỉ bằng khoảng 13% tổng GDP hiện nay của Liên minh châu Âu. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, trong quá trình hội nhập, ASEAN đã nhảy vọt từ nấc thang hiện nay là Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lên nấc thang Liên minh Kinh tế AEC, một bước chuyển đổi mà Liên minh châu Âu (EU) đã cần đến 50 năm. Trên thực tế, theo những cam kết đã được công bố, AEC mới chỉ vượt qua được mức Liên minh thuế quan và có một số yếu tố của thị trường chung, chưa có chính sách kinh tế chung và cũng chưa có các cơ quan liên quốc gia như EU. Vì vậy, khái niệm Cộng đồng Kinh tế khác với một Liên minh Kinh tế trong Liên minh châu Âu và có thể ASEAN sẽ không lặp lại mô hình có đồng tiền chung của EU.
2. Hội nhập trong ngành GTVT
Kể từ khi đổi mới nền kinh tế (1986) đến nay, Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng đã và đang chủ động, tích cực thực hiện quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế khu vực, điển hình là hội nhập kinh tế ASEAN, ASEAN+ (với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…) và hội nhập Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng. Các tiến trình hội nhập này sẽ là động lực thúc đẩy trao đổi thương mại, thông thương và vận tải nội khối, nhất là đối với các quốc gia có chung đường biên giới. Trong đó, Việt Nam đang có cơ hội để trở thành cửa ngõ kết nối giữa một trong những nền kinh tế lớn và phát triển nhanh nhất thế giới là Trung Quốc và các nước ASEAN. Để tạo điều kiện thương mại biên giới của Việt Nam đối với các nước láng giềng thì cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước. Những nội dung cơ bản của hợp tác kinh tế ASEAN nhằm hướng tới Cộng đồng Kinh tế (AEC) vào cuối năm 2015, của Hội nhập ASEAN+ cũng như của hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Quá trình hội nhập sâu rộng hơn trong giai đoạn tới sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành GTVT, đặc biệt trong cơ sở hạ tầng đường bộ, đường hàng không, hàng hải và đường sắt.
Hợp tác GMS được đánh giá là hợp tác hiệu quả nhất trong các cơ chế hợp tác Tiểu vùng. Các sáng kiến và hoạt động trong chương trình GMS tập trung vào 9 lĩnh vực chính bao gồm: GTVT, Năng lượng, Môi trường, Du lịch, Bưu chính Viễn thông, Thương mại, Đầu tư, Phát triển Nguồn nhân lực, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một số hoạt động tiêu biểu trong các dự án GMS mà Việt Nam có thể kể đến như Chiến lược về 3 hành lang kinh tế GMS (Hành lang kinh tế Bắc - Nam, Hành lang kinh tế Đông - Tây và Hành lang kinh tế phía Nam). Việt Nam liên quan tới cả 3 hành lang kinh tế này và đã tích cực tham gia thể hiện qua việc sớm thông qua Hiệp định Vận tải xuyên biên giới (CBTA) với toàn bộ 17 phụ lục và 3 nghị định thư, cũng như sớm thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và vận tải (TTF). Trong GMS có 3 cửa khẩu đầu tiên áp dụng CBTA thì có 2 cửa khẩu liên quan đến Việt Nam, đó là cửa khẩu Dansavanh (Lào) - Lao Bảo (Việt Nam) và cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam). Bên cạnh đó, hiện nay, trong khuôn khổ GMS, các hợp tác cửa khẩu khác cũng đang được phát triển. Điển hình là dự án phát triển cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam), Bavet (Campuchia) và khu công nghiệp Trảng Bàng tại Mộc Bài đã góp phần nâng kim ngạch thương mại qua cửa khẩu này từ khoảng 10 triệu USD năm 1999 lên tới 708 triệu USD vào năm 2013, cũng như thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm cho khu công nghiệp (ADB, 2015).
Một số dự án quan trọng có thể kể đến trong chiến lược hành lang kinh tế là Dự án nâng cấp Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Phnom Penh (Campuchia) và dự án Hành lang vận tải Đông - Tây (Lào). Dự án nâng cấp Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Phnom Penh là một dự án rất thành công vì đã giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 4 tới 6 giờ. Đồng thời, dự án nối liền Thái Lan, Phnom Penh và TP. Hồ Chí Minh tới Vũng Tàu, đã góp phần tạo thuận lợi cho vận tải, thương mại cũng như du lịch giữa Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.
Dự án Hành lang vận tải Đông - Tây nối liền Savannakhet (Lào) với tỉnh Quản Trị của Việt Nam, cùng với Hầm Hải Vân, dự án nâng cấp cảng Đà Nẵng đã tạo nên Hành lang kinh tế Đông - Tây kéo dài khoảng 1.450km. Dự án cũng bao gồm việc xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất và dịch vụ tại cửa khẩu Dansavanh (Lào) - Lao Bảo (Việt Nam), qua đó đẩy mạnh sự hợp tác của các cơ quan hai bên, cải tiến thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho con người, phương tiện vận tải và hàng hóa di chuyển qua biên giới (ADB, 2011).
Gần đây nhất, Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 245km đã được hoàn thành. Đây là phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.
Việt Nam có chung 4.150km đường biên giới với 3 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, trải dài qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở… Chúng ta đã có nhiều đường bộ huyết mạch nối với nước bạn Lào như: QL7, QL8, QL9…, nước bạn Campuchia. Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác về đường bộ các nước ASEAN có đề ra kế hoạch phát triển “Mạng lưới đường bộ ASEAN”.Mạng lưới đường bộ ASEAN là tên gọi một dự án hợp tác giao thông đường bộ giữa các nước ASEAN. Dự án được hình thành từ Hội nghị Chuyên gia Đường bộ ASEAN lần thứ tư họp tại Hà Nội năm 1999. Hiện tại, mạng lưới đường bộ ASEAN gồm 16 tuyến, trong đó có 5 tuyến liên quan tới Việt Nam, đó là: Tuyến số 1 nối thủ đô các nước, tuyến số 5 nối thủ đô với các cảng biển, tuyến số 7 và số 8 nối các đô thị lớn với các cảng biển, tuyến số 11 nối các cảng biển với nhau. Trong thời gian tới, cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập chắc chắn sẽ có những ưu tiên lớn của Chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế cho việc phát triển mạng lưới đường bộ này. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho ngành GTVT nước ta.
Về cơ sở hạ tầng đường sắt có nhiều dự án, trong đó nổi bật làmạng lưới đường sắt xuyên Á được thiết kế với điểm đầu tại Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), đi qua các thành phố: Ngọc Khê, Mông Tự và Hà Khẩu của tỉnh này, kết nối với Việt Nam, Lào, Thái Lan và Singapore. Một tuyến trong mạng lưới này sẽ đi từ Côn Minh qua biên giới Việt Trung, về Hà Nội, qua TP. Hồ Chí Minh và đi qua Campuchia, rồi qua Thái Lan, Malaysia và nối với Singapore.
Thuế suất giữa các quốc gia trong cộng đồng kinh tế ASEAN về bằng “0”, sẽ tạo điều kiện cho giao lưu hàng hóa bằng đường biển, đường thủy nội địa, du lịch cũng sẽ phát triển hơn. Chuyên chở hành khách qua đường hàng không phát triển và tạo ra nhiều tiềm năng về vận tải bằng hàng không.
Như vậy, cơ hội phát triển rất nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ. Khi chúng ta mở cửa và thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành GTVT thì các doanh nghiệp của các nước bạn vốn có lợi thế hơn chúng ta về công nghệ và vốn, kinh nghiệm sẽ có nhiều điều kiện phát triển, thực hiện các quá trình sát nhập, mua bán doanh nghiệp, (điển hình trong dịch vụ bán lẻ là vụ mua lại chuỗi siêu thị Metro), như vậy, các doanh nghiệp chúng ta sẽ khó cạnh tranh hơn.
3. Cơ hội, thách thức và các giải pháp nâng cao chất lượng đối với các cơ sở đào tạo trong ngành GTVT
Hiện nay, chúng ta có 4 trường đại học thuộc Bộ GTVT là các cơ sở đào tạo và dạy nghề các chuyên ngành GTVT, gồm có: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ GTVT và Học viện Hàng không), một số trường cao đẳng, cao đẳng nghề và trung cấp nghề trực thuộc Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Ngoài ra, chúng ta còn có một số cơ sở đào tạo các chuyên ngành GTVT mà không thuộc sự quản lý của Bộ GTVT như các trường đại học và cao đẳng công lập thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác, các trường đại học và cao đẳng tư thục, các cơ sở dạy nghề tư thục.
3.1. Về cơ hội
Việt Nam tham gia vào các thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual Recognition Agreement), theo đó cho phép chứng chỉ của các nhà cung cấp dịch vụ được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Đến nay, ASEAN đã ký kết 7 MRAs trong các lĩnh vực sau: (i) dịch vụ kỹ thuật, (ii) dịch vụ điều dưỡng, (iii) dịch vụ kiến trúc, (iv) thừa nhận lẫn nhau đối với chứng chỉ giám sát, (v) người hành nghề y, (vi) người hành nghề nha khoa và (vii) kế toán. Như vậy, một số bằng cấp, chứng chỉ mà các cơ sở đào tạo của chúng ta cấp có cơ sở pháp lý trong việc công nhận tiếp cận việc làm tại các nước ASEAN.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực cùng các nước ASEAN triển khai các hoạt động trong các lĩnh vực khác, trong đó có GTVT. Các Bộ trưởng GTVT đã thông qua các văn kiện pháp lý làm cơ sở hợp tác trong các lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ.
Các dự án giao thông trong khu vực sẽ thu hút lực lượng lao động trẻ của Việt Nam. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người.
Chúng ta sẽ có cơ hội tự do dịch chuyển nguồn nhân lực. Trong đó nhìn chung, về mặt việc làm và nguồn nhân lực khi cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời cuối năm 2015, nguồn lực lao động của chúng ta có cơ hội tiếp cận các việc làm đòi hỏi ít chuyên môn và yêu cầu trình độ, kỹ năng thấp tại các nước Đông Nam Á khác.
3.2. Thách thức
Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn do chúng ta nằm trong nhóm 2 là nhóm gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, những nước chậm phát triển và hội nhập chậm hơn các nước trong nhóm 1. Một thách thức lớn là chúng ta sẽ mất cơ hội cho các việc làm tay nghề trình độ cao ngay cả trên sân nhà do trình độ, kinh nghiệm và khả năng ngôn ngữ của lao động chúng ta không bằng các nước Nhóm 1 trong khu vực.
Do rào cản về ngôn ngữ mà các nước trong nhóm một đặc biệt các nước sử dụng nhiều tiếng Anh như Singapore, Philippines, Malaysia sẽ có lợi thế hơn chúng ta rất nhiều.
Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Theo các chuyên gia đánh giá quốc tế, nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Do vậy, nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
3.3. Giải pháp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh
Để góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong Ngành cần phải đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục - đào tạo, trong đó có đào tạo nghề với một số giải pháp tập trung vào 3 hướng chính đó là Chuẩn hóa, Quốc tế hóa và Xã hội hóa.
Về Chuẩn hóa
- Thứ nhất, trong xã hội cũng như trong các trường cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của việc chuẩn hóa trong cao đẳng, đại học, trên đại học trong chiến lược phát triển nhân lực của đất nước thời kỳ 2016 - 2020; đưa các thang tiêu chuẩn vào trong đào tạo và dạy nghề; hình thành và nâng cao hệ thống chuẩn mực đội ngũ giảng dạy, chuẩn mực cho cơ sở vật chất, tài liệu và chuẩn mực cho đầu ra của sinh viên, các chi tiết cho từng chương trình, từng đề cương môn học; hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội và coi trọng kỹ sư, công nhân lành nghề.
- Thứ hai, tăng cường hệ thống đào tạo mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học của hệ thống và liên thông với các bậc học khác; xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định giáo dục, các xếp hạng trong giáo dục, khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với đất nước, xu thế các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới, đưa các tiêu chuẩn tiến bộ và hiện đại trong khu vực dần dần áp dụng vào các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước ta.
Về Quốc tế hóa
- Thứ nhất,tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các trường trong khu vực, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu, tham khảo chương trình đào tạo các nước, trao đổi sinh viên, công nhận bằng cấp lẫn nhau. Những cán bộ nghiên cứu phải viết được báo cáo hội thảo và các bài báo quốc tế, Muốn vậy, phải hết sức đề cao vai trò tiếng Anh trong trường, tăng cường giáo viên đã tốt nghiệp ở nước ngoài.
- Thứ hai, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và dạy nghề trong Ngành, bao gồm phát triển đội ngũ giáo viên chuẩn hóa về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm theo các cấp độ (quốc gia, khu vực và quốc tế). Phát triển chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại theo hướng mở, linh hoạt, thích hợp với nghề nghiệp trong nước và cả trong khu vực ASEAN. Các trường đại học của chúng ta phần lớn có quy mô rất nhỏ, chỉ bằng một khoa của các trường đại học quốc tế, cở sở vật chất còn nghèo nàn, ngay cả đất đai cho nhà trường cũng rất hạn chế, Nhà nước cần có quy chế cấp đất, hỗ trợ nguồn lực và tạo cho việc sát nhập các trường thành cơ sở lớn hơn để có thể thi đua và cạnh tranh được với các trường trong khu vực.
- Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề, nhất là với những nước thành công trong phát triển dạy nghề ở khu vực ASEAN và trên thế giới; tích cực vận động, thu hút nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA cho giáo dục và dạy nghề trong Ngành; hợp tác với các nước ASEAN để tiến tới công nhận bằng cấp, kỹ năng chuyên môn và nghề nghiệp giữa các nước, các trường hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, tích cực tham gia vào các hoạt động của khu vực và thế giới để giao lưu và học hỏi kinh nghiệm, như tham gia Hội thi tay nghề ASEAN, Hội thi tay nghề thế giới.
Về xã hội hóa và đào tạo theo như cầu của xã hội
- Thứ nhất, các cấp quản lý và cả các cán bộ giảng dạy tham gia góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế về giáo dục đại học, cao đẳng và đào tạo nghề trong nghành GTVT trong điều kiện hiện nay; thúc đẩy cơ chế để cơ sở đào tạo là một chủ thể độc lập, tự chủ, xã hội hóa; có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên, người lao động, chính sách đào tạo liên thông; xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành và đánh giá năng lực người học, hướng tới doanh nghiệp phải là một trong những chủ thể giáo dục, đào tạo nghề nghiệp; đổi mới chính sách tài chính; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển, huy động tiềm năng của xã hội trong giáo dục
- Thứ hai, gắn kết giữa giáo dục đại học, cao đẳng dạy nghề trong ngành GTVT với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động trong nước và khu vực, quốc tế; xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo với trị trường lao động, hướng vào việc đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, từng chuyên ngành trong ngành GTVT, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; hình thành các đơn vị quan hệ trường - ngành trong các cơ sở đào tạo và dạy nghề. Doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo như xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, xác định danh mục ngành nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học, tham gia các hội đồng trường, hội đồng tư vấn cho các ngành trong các cơ sở giáo dục và đào tạo…
Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ sở đào tạo và dạy nghề về nhu cầu việc làm và các chế độ cho người lao động; phản hồi cho cơ sở đào tạo về trình độ, điểm mạnh và yếu của người lao động được tốt nghiệp từ trường. Các cơ sở đào tạo tổ chức khảo sát theo dõi, thu thập thông tin về sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp; có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin từ phía doanh nghiệp và thay đổi để thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài trong khu vực ASEAN mà sinh viên của trường mình đang làm việc.
4. Kết luận
Theo nghị quyết của lãnh đạo các nước ASEAN ngày 20/11/2007 tại Singapore, tháng 12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập. Cùng với việc hội nhập của các ngành kinh tế trong cả nước, hội nhập trong ngành GTVT bao gồm các dịch vụ vận tải và các dự án cơ sở hạ tầng nối liền các nước ASEAN về đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải - đường thủy nội địa sẽ đưa lại những cơ hội và thách thức cho ngành GTVT của Việt Nam. Đặc biệt, cùng với việc hội nhập về nguồn nhân lực sẽ mang lại cơ hội cho sự dịch chuyển tự do cho nguồn nhân lực các trình độ, trong đó có nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức cho các cơ sở đào tạo trong Ngành, đặc biệt các trường cao đẳng và đại học ngành GTVT; nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, nghiên cứu tập trung vào 3 hướng chính, đó là: Chuẩn hóa, Quốc tế hóa và Xã hội hóa chính là chìa khóa để đáp ứng sự cạnh tranh về nguồn nhân lực trong ngành GTVT, đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Tài liệu tham khảo
[1]. http://www.vi.wikipedia.org/wiki/Cộng_đồng_Kinh_tế_ASEAN.
[2]. http://www.List of ASEAN countries by GDP (nominal).
[3]. TS. Lê Đăng Doanh, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC):Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Tạp chí Tia sáng, Bộ Khoa học Công nghệ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.