Cơ hội và thách thức cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu

21/02/2018 06:54

ài viết đề cập tới những khó khăn và thách thức cơ bản mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam đã và đang gặp phải nhằm đề xuất giải pháp đồng bộ giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.


ThS. MAI LÊ LỢI

Công ty Cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam

TÓM TẮT: Bài viết đề cập tới những khó khăn và thách thức cơ bản mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam đã và đang gặp phải nhằm đề xuất giải pháp đồng bộ giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.

TỪ KHÓA: Dịch vụ logistics, chi phí logistics.

Abstract: The article discusses the basic difficulties and challenges which Vietnamese logistics service providers faced and facing with to propose synchronized solutions to reduce logistics costs contributing actively to increase the competitiveness of Vietnam's goods in the context of deep integration with the world.

Keywords: Logistics services; logistics costs.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Với bờ biển dài khoảng 3.260km trải dài từ Bắc đến Nam, nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Trong sự phát triển mạnh mẽ của xuất nhập khẩu những năm qua, logistics đã trở thành ngành dịch vụ quan trọng của hoạt động thương mại quốc tế và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng kinh tế.

2. NHỮNG CƠ HỘI

Logistics đóng góp quan trọng vào quá trình phân phối hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng và là cầu nối thương mại toàn cầu. Hoạt động logistics ngày nay không chỉ gắn liền với hoạt động kho vận, giao nhận vận tải mà còn lên kế hoạch, sắp xếp dòng chảy nguyên, vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, sau đó luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tạo nên sự liên thông trong toàn xã hội theo những phương án tối ưu hóa, giảm chi phí luân chuyển và lưu kho. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics còn là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng, xử lý hàng hư hỏng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Nếu logistics làm tốt sẽ đảm bảo dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn nhưng lại hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Với quy mô 20 - 22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước, những năm gần đây ngành dịch vụ logistics đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 1200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu về dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải… tập trung chủ yếu ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, với số lượng lao động lên đến khoảng 1,5 triệu người, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 40%. Đây là con số rất lớn nhưng trên thực tế ngoại trừ các doanh nghiệp nhà nước đang được cổ phần hóa, hầu hết các doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ, vốn điều lệ bình quân từ 4 - 6 tỷ đồng, nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành, tỷ lệ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về logistics còn chiếm khá thấp, chỉ từ 5 - 7%. Do nguồn nhân lực logistics đang thiếu trầm trọng cũng như nhận thức của doanh nghiệp về vai trò logistics ngày càng cao nên những người được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này luôn là “điểm ngắm” của các doanh nghiệp.

Thực tế doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hầu hết chưa cung cấp được dịch vụ logistics hoàn chỉnh theo đúng nghĩa, đa phần chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, thực hiện các nghiệp vụ đơn lẻ khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải nội địa, kho bãi, mua bán cước phí… Những dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao như đóng gói, quản lý đơn hàng, thay mặt chủ hàng thực hiện các nghĩa vụ với bên thứ ba…, đặc biệt là dịch vụ logistics trọn gói “door to door” chưa được quan tâm. Hoạt động logistics chưa tạo thành một chuỗi liên tục trong chuỗi cung ứng.

Thách thức về ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử: Trong hoạt động giao nhận vận tải, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch và quản trị là một yếu tố quan trọng, đánh giá độ tin cậy và năng lực của doanh nghiệp logistics. Các doanh nghiệp Việt Nam thường quản lý thủ công, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động ở Việt Nam như APLL, Maesk Logistics sử dụng những ứng dụng chuyên dụng để quản lý và cung cấp cho khách hàng khả năng nhìn thấy và kiểm soát đơn hàng (visibility) ở bất kỳ thời điểm nào. Mức độ ứng dụng thương mại điện tử (bao gồm cả trao đổi EDI và vận đơn điện tử, chứng từ điện tử…) của các doanh nghiệp Việt Nam yếu và thua kém so với các doanh nghiệp logistics nước ngoài, chưa có khả năng liên kết với các mạng lưới dịch vụ logistics khác. Do vậy, doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ có thể làm các dịch vụ đơn lẻ cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài.

Chúng ta còn phải đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực. Tại Việt Nam, hiện chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về logistics. Nguồn nhân lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là tự đào tạo theo kinh nghiệm thực tế, mức độ chuyên nghiệp còn kém. Khi thị trường bùng nổ, các doanh nghiệp logistics sẽ phải đối diện thêm với xu hướng thiếu hụt nhân lực giỏi do sức hút của các doanh nghiệp ngoại hoặc tự tách ra thành lập công ty riêng.

Thách thức về cơ chế chính sách quản lý và hạ tầng logistics: Việc quản lý các hoạt động logistics không nhất quán, còn chồng chéo, mỗi Bộ quản lý một khâu đoạn như: Thuế và hải quan do Bộ Tài chính quản lý, vận tải và hạ tầng do Bộ GTVT quản lý, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phụ trách…

Sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, thị trường dịch vụ logistics Việt Nam có sự chuyển biến tích cực với số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành phát triển nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao. Nếu nhìn vào tốc độ phát triển thương mại nước ta, cũng là mục tiêu phát triển của ngành dịch vụ logistics sẽ thấy kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng lên 1,86 lần, thị trường bán lẻ trong nước tăng bình quân 20 - 25%/năm và kết quả, ngành dịch vụ logistics cũng tăng tương ứng 20 - 25%/năm. Tuy nhiên theo thống kê cho thấy, các công ty logistics Việt Nam mới chỉ hoạt động trong phạm vi nội địa hay một vài nước trong khu vực và chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn cho các doanh nghiệp logistics quốc tế. Trong khi đó, các công ty nước ngoài (khoảng 25 công ty đa quốc gia, chiếm tới 70 - 80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam) với phạm vi hoạt động gần 100 quốc gia khác nhau. Đây là một trong những cản trở cho các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Bởi lẽ, trong xu thế toàn cầu hóa, chủ hàng thường có xu hướng thuê ngoài từ rất nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù có thể tính đến vai trò của các đại lý mà các công ty Việt Nam thiết lập ở các quốc gia khác nhưng quan hệ này thường khá lỏng lẻo và không đồng nhất.

Đây chính là những nguyên nhân cơ bản làm cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam thua xa so với các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay là điều dễ hiểu và các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn đóng vai trò là “vệ tinh” cho các công ty logistics nước ngoài, chỉ đảm nhận một số dịch vụ đơn lẻ trong hoạt động logistics như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi… Trong bối cảnh khi mà hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển, thương mại nội địa ngày càng mở rộng, nhu cầu dịch vụ logistics càng gia tăng thì đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, khắc phục để hạn chế thua thiệt ngay trên “sân nhà” đối với lĩnh vực được coi là ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” của nền kinh tế, không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với đất nước mà còn có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế hiện nay.

Theo cam kết, Việt Nam thực hiện tự do hóa dịch vụ logistics trong WTO và Hội nhập Asean về logistics theo lộ trình 4 bước bao gồm:

- Tự do hóa thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế quan;

- Tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics;

- Nâng cao năng lực quản lý logistics;

- Phát triển nguồn nhân lực.

Theo đúng lộ trình cam kết WTO, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung ứng các dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa. Bối cảnh này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành logistics ở Việt Nam. Trước hết là cơ hội để phát triển logistics của Việt Nam là tiếp cận được thị trường logistics rộng lớn hơn với những ưu đãi thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; phát huy lợi thế địa lý - chính trị trong phát triển cơ sở hạ tầng logistics như phát triển cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên Á, các trung tâm logistics; hội nhập logistics tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển quan hệ đối tác, thị trường xuất khẩu được mở rộng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng...

3. NHỮNG THÁCH THỨC

Hiện nay, chi phí logistics Việt Nam bị đánh giá là rất cao, chiếm khoảng 25% GDP của Việt Nam (trong khi đó, mức trung bình của thế giới là 15% GDP, của Mỹ chỉ chiếm khoảng 9%, châu Âu khoảng 13%, Nhật Bản khoảng 11%, Singapore khoảng 8% GDP).

loi3.1
Hình 3.1: Tỷ trọng chi phí logistics so với GDP của một số nước

Nguyên nhân chính được nhận định là: (1) Hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam đang thiếu và yếu so với yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt là đường bộ chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa của nước ta, dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ; (2) đại đa số các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động với quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, các mối liên kết chưa hiệu quả do đó khoảng 80% thị phần logistics Việt Nam đang nằm trong tay số lượng nhỏ doanh nghiệp logistics nước ngoài; (3) mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện nhiều cải cách nhằm tinh gọn thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn về thủ tục thông quan dẫn đến làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa, tăng chi phí của doanh nghiệp; (4) vận tải biển nội địa chưa phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ; (5) sự liên kết giữa các cảng và dịch vụ hậu cảng (như kho, bãi, trung tâm logistics) còn hạn chế do thiếu các ứng dụng công nghệ cao trong quản lý khai thác logistics, dẫn đến chi phí phải trả của ngành cao; (6) nguồn nhân lực cũng là yếu tố hạn chế để phát triển logistics Việt Nam. Nguồn nhân lực hiện tại cũng chỉ đáp ứng theo quy mô của doanh nghiệp và việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này chưa đáp ứng được nhu cầu do thiếu các cơ sở đào tạo chuyên sâu chất lượng cao.

Nếu nhìn vào bức tranh chung của ngành Logistics Việt Nam thì các doanh nghiệp nước ngoài đang ở thế trên. Tuy nhiên, vẫn có một số lợi thế về doanh nghiệp nội địa, đó là: Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu phần lớn kho bãi, khiến doanh nghiệp nước ngoài phải thuê lại hoặc liên kết, liên doanh để phục vụ dịch vụ logistics; thứ hai, các doanh nghiệp trong nước hiểu được thị trường, tâm lý khách hàng, địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn doanh nghiệp nước ngoài; thứ ba, về nhân sự, lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Bảng 3.1. Chỉ số hoạt động logictics ở Việt Nam

loibang3.1

Nhiều cơ quan chức năng, các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của Ngành. Nhìn chung, khi nói đến đối tượng sử dụng dịch vụ logistics (các công ty thương mại, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến sản xuất), các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt là các công đoạn còn lại từ cảng trong nước đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Khuôn khổ pháp luật điều chỉnh các hoạt động logistics hiện nay đã không còn phù hợp, thiếu cập nhật các định chế cần thiết trong lĩnh vực logistics quốc tế. Vì vậy, thị trường dịch vụ logistics vẫn còn thiếu tính minh bạch, cạnh tranh chưa lành mạnh, chưa tạo điều kiện phát triển bền vững cho ngành.

4. GIẢI PHÁP

Cần có chiến lược phát triển cũng như các chính sách hỗ trợ cho ngành logistics; hoàn thiện khung pháp lý logistics minh bạch, phù hợp xu thế phát triển hiện nay, tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục hải quan, thực hiện một cửa quốc gia, điện tử hóa khai hải quan, ứng dụng thương mại điện tử, cải cách thủ tục hành chính… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics cắt giảm chi phí, nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cần thành lập Ủy ban Quốc gia về logistics, là cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối thực thi các chương trình, mục tiêu chung của ngành, tham gia tư vấn quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2035; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn của ngành Logistics. Theo đó, cần sớm hoàn thiện cảng, cảng thông quan nội địa, đường bộ, kho bãi, trang thiết bị và các định chế có liên quan; hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng (đường biển, đường không, bộ, sắt...); sắp xếp lại cảng trên cơ sở dài hạn; lập trung tâm logistics (phân phối) tại các vùng trọng điểm kinh tế để tập trung hàng xuất và phân phối hàng nhập khẩu hay thành phẩm; xây dựng một mạng lưới phân phối giữa chủ hàng, công ty giao nhận hệ thống chi nhánh, nơi phân phối cuối cùng, đồng thời với các trung tâm phân phối là các hệ thống kho gom hàng.

Về giao nhận vận tải hàng không, Chính phủ nên cho phép Hiệp hội thu xếp đứng ra tổ chức nghiên cứu, đầu tư, xây dựng khu vực dành cho các đại lý gom hàng, khai quan tại khu vực các sân bay quốc tế như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Xây dựng nhà ga hàng hóa chuyên dụng với các khu vực giao hàng, tiếp nhận, chuyển tải... theo các quy trình nghiệp vụ như các nước trong khu vực đã và đang làm như Thái Lan, Singapore và Malaysia; hiện đại hóa các kho chứa hàng và phân phối.

Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với vai trò chủ chốt cần kết nối các doanh nghiệp trong ngành, tạo ra các doanh nghiệp đầu đàn, hợp tác chia sẻ các lợi thế nhằm giảm chi phí logistics, tạo ra sân chơi lành mạnh và mang tính cạnh tranh cao trong ngành logistics… nhằm gắn kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Chủ động và tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư công nghệ thông tin, phương tiện, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp phù hợp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và quốc tế để đáp ứng cho ngành Logistics; phát triển dịch vụ logistics theo hướng 3PL (dịch vụ trọn gói, tích hợp); thêm nhiều giá trị gia tăng phục vụ khách hàng; tăng cường khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong họat động logistics; thực hiện các phương pháp công nghệ logistics tiên tiến như quản trị chuỗi cung ứng (supply Chain management-SCM) hay giao hàng đúng thời điểm (JIT), trong thiết kế luồng vận tải nhiều chặng và sắp xếp các công đoạn trong dây chuyền cung ứng dịch vụ logistics.

Cuối cùng, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần phải có quan điểm logistics ngay từ chính các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải làm ăn theo đúng quy tắc của thị trường, phải liên kết hoạt động, hợp tác, thiết lập mối quan hệ kinh tế cùng có lợi, mỗi doanh nghiệp cần tập trung thế mạnh của mình và sẽ thuê ngoài những dịch vụ không phải thế mạnh. Sự liên kết, phối hợp hỗ trợ nhau là điều rất cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam.

5. KẾT LUẬN

Việc giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của một quốc gia. Tuy nhiên trong thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được nhiều tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chưa tạo ra sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam o

Tài liệu tham khảo

[1]. Các tài liệu tại Hội nghị Logistics của Việt Nam tháng 12/2017.

[2]. Các giáo trình, bài giảng về logistics của Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh.

Ý kiến của bạn

Bình luận