Có nên cho con biết đọc khi còn học mẫu giáo

11/09/2016 14:03

Một số trẻ biết đọc khi 4 tuổi trong khi có những trẻ phải lên 7, cả hai trường hợp đều phát triển bình thường. Kết quả của 2 nhóm trẻ này không khác biệt khi chúng học lớp 4.


n-READ-BOY-628x314-7141-1473300791
Độ tuổi trung bình mà trẻ học đọc là khoảng 6 tuổi rưỡi. Ảnh: Huffington Post.

Jessica Smock (Mỹ) là nhà văn, biên tập viên, nhà giáo dục và là mẹ của 2 đứa con. Cô có bằng tiến sĩ về phát triển và chính sách giáo dục của Đại học Boston. Mùa thu này con trai cô sẽ vào trường Waldorf, trường không dạy chữ cho đến khi trẻ vào lớp 1.

Cô đã chia sẻ trên Motherwell Magazine ngày 30/8 suy nghĩ và những tìm hiểu về việc cho con biết đọc khi còn đang học mẫu giáo.

Tôi dường như không nhớ được gì về thời mẫu giáo của mình, chỉ là sự mơ hồ về tấm kính khổng lồ ở giữa lớp học, chuyến thăm của chú gấu Smokey vào giữa năm học, giọng nói nhẹ nhàng và mái tóc đỏ của cô giáo. Mẫu giáo là một thế giới nhỏ với sân chơi, xe buýt nhỏ riêng biệt và lịch học nửa ngày.

Mùa xuân năm nay, giáo viên của con trai tôi đã gợi ý con nên tham gia lớp học chuẩn bị cho cấp tiểu học thay vì chỉ ở chơi trong lớp mẫu giáo. Điều đó không làm tôi bận tâm. Trường mà con tôi đang học là trường nhỏ và đầy thách thức học tập. Tôi hiểu con mình chưa sẵn sàng cho những tiêu chuẩn đặc biệt của trường.

Mối bận tâm của giáo viên về việc con tôi gặp vấn đề trong việc viết, không tập trung trong lớp, không trả lời đầy đủ chi tiết về các câu chuyện không hề làm tôi lo lắng. Con tôi lúc đó mới 4 tuổi, chỉ là cậu bé thích xe chở rác và phố Sesame. Chúng tôi sẽ chuyển đến vùng ngoại ô và tôi sẽ thấy con mình thể hiện tốt ở một trường công lập địa phương gần đó, nơi con dành cả ngày để nghe chuyện, chơi trong hố cát, kết bạn và học những thói quen cơ bản về cuộc sống lớp học.

Vài tháng sau cuộc nói chuyện với giáo viên của con, tôi nhận ra con mình có thể làm tốt ở trường mẫu giáo công lập chỉ khi con học ở trường mẫu giáo vào năm 1980 thay vì 2016. Con trai tôi chưa sẵn sàng cho lớp mẫu giáo của năm 2016.

Mẫu giáo, có nghĩa là “vườn cho trẻ em” trong tiếng Đức, không còn giữ được bản chất đó nữa. Giờ nó giống như lớp 1 hoặc thậm chí lớp 2 trước đây. Tiêu chuẩn giáo dục mẫu giáo đang ngày càng khắt khe hơn so với thập kỷ trước, như trẻ phải đọc đoạn văn theo chủ đề, phân biệt những từ viết gần giống nhau bằng phát âm của các chữ cái khác nhau…

Một nghiên cứu trong năm 2014 của Đại học Virginia so sánh kỳ vọng của giáo viên mẫu giáo với học sinh năm 1998 với thời hiện tại. Sự khác biệt rất rõ ràng. Năm 1998, 31% giáo viên nghĩ học sinh mẫu giáo nên biết đọc trước khi kết thúc cấp mầm non. Đến năm 2014, con số này là khoảng 80%. Hơn 1/3 giáo viên mẫu giáo bây giờ nghĩ rằng trẻ nên biết bảng chữ cái và cách cầm bút trước khi đi học.

Năm 2014, khoảng 3/4 trẻ mẫu giáo phải tham gia ít nhất một bài kiểm tra tiêu chuẩn. Trong khi năm 1998, những nhà nghiên cứu thậm chí không bận tâm hỏi đến vấn đề này trong cuộc khảo sát. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu tìm thấy sự giảm thời gian trẻ tự hoạt động và chơi trò chơi như vẽ, trang trí, chơi cát và nước… và sự gia tăng thời gian trẻ tham gia các lớp hướng dẫn của giáo viên.

Các tiêu chuẩn cốt lõi được xác định bởi chuyên gia trong từng độ tuổi để phát triển thích hợp. Thật không may, những tiêu chuẩn này cho lớp nhỏ lại không được lập ra bởi chuyên gia và học giả về trẻ nhỏ. Trong 135 người trong Ủy ban chịu trách nhiệm viết và xem xét tiêu chuẩn cốt lõi trong giáo dục Mỹ, không có ai là giáo viên mầm non hay chuyên gia về phát triển trẻ nhỏ.

Mẫu giáo ngày nay bỏ qua một thực tế cơ bản trong sự phát triển trẻ nhỏ mà các nhà giáo dục mầm non đều biết đến: sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ xảy ra với mức độ rất khau nhau và theo những cách rất khác nhau. Ví dụ, tuổi trung bình trẻ bắt đầu đi là 12 tháng, nhưng có trẻ bắt đầu tập đi khi 8-9 tháng trong khi có những trẻ phải đến tháng 15-16 mới chập chững. Một số có thể bò trước khi đi, một số lại bỏ qua giai đoạn bò.

Tương tự độ tuổi trung bình mà trẻ học đọc là khoảng 6 tuổi rưỡi. Một số đã biết đọc khi 4 tuổi trong khi có những trẻ phải lên 7. Cả hai trường hợp này đều phát triển bình thường. Kết quả của 2 nhóm trẻ này không khác biệt khi chúng học lớp 4. Những nước có nền giáo dục hàng đầu như Phần Lan và Thụy Điển không bắt trẻ học khi chúng chưa lên 7.

Chúng ta cần tôn trọng các mốc thời gian phát triển cá nhân của trẻ em. Các nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng chứng minh cho suy nghĩ “sớm hơn là tốt hơn” trong việc cho trẻ học chữ. Thành tích học tập lâu dài và ý thức về bản thân của trẻ có thể bị phá hỏng vì chúng bị bắt học đọc và viết quá sớm.

Tôi thấy buồn vì con trai không được trải nghiệm môi trường mẫu giáo như là không gian chủ yếu để khám phá và chơi, như là nơi việc tạo nên các mối quan hệ vững chắc với người lớn và những đứa trẻ khác là mục tiêu chính. Tôi thấy buồn vì nền văn hóa kiểm tra và đánh giá đang tiếp cận thế hệ nhỏ nhất.

Và tôi thấy tức giận. Tôi giận vì ở trường mẫu giáo con tôi có thể phải nỗ lực đáp ứng những tiêu chuẩn không thích hợp. Tôi giận vì hệ thống giáo dục đang bỏ qua những nghiên cứu và bằng chứng từ những nền giáo dục tốt nhất cho cuộc sống tình cảm, xã hội và học tập của trẻ.

Tôi muốn bảo vệ tuổi thơ của con mình, tôi muốn con lớn lên và học theo khả năng của con. Ngày càng có nhiều trường mẫu giáo công lập không còn là nơi dành cho những đứa trẻ như con (chưa sẵn sàng thành thạo đọc và viết ở tuổi lên 5) có thể phát triển tốt.

Ý kiến của bạn

Bình luận