Có nên tách Luật Giao thông đường bộ và Luật trật tự, ATGT?

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 25/01/2022 19:23

Việc nên hay không nên tách Luật Giao thông đường bộ (Bộ GTVT) và Luật đảm bảo trật tự, ATGT (Bộ Công an) vẫn là vấn đề vẫn gây nhiều băn khoăn.


 

A7_09628
Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố, 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe.

Ngày 25/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến về các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết, quá trình lấy ý kiến về các nội dung dự thảo luật đang được triển khai tích cực, thực hiện liên tục theo quy trình nhiều bước. Đáng chú ý, Tổng cục ĐBVN đã đề nghị Sở GTVT lấy ý kiến thăm dò về các điều khoản mới của Luật Giao thông đường bộ liên quan đến thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe nên thuộc Bộ GTVT hay Bộ Công an. Hình thức thăm dò được thực hiện bằng phiếu kín với thành phần ban kiểm phiếu gồm Văn phòng UBND, Văn phòng Đại biểu Quốc hội, đại diện Sở GTVT, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Kết quả thăm dò gửi về Tổng cục ĐBVN trước ngày 27/1.

Không nên tách luật

Tại hội nghị, vấn đề nổi bật là những ý kiến trái chiều xoay quanh việc nên hay không nên tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

A7_09632
Bà Hoàng Hồng Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục ĐBVN báo cáo tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, bà Hoàng Hồng Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục ĐBVN cho biết, vừa qua, Bộ GTVT đã xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 3 chính sách: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ.

Trong khi đó, Bộ Công an đã xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật bảo Đảm trật tự, ATGT đường bộ. Các quy tắc giao thông đường bộ và quản lý người điều khiển phương tiện được quy định tại dự thảo luật này.

Cũng theo bà Hạnh, đầu tháng 12 vừa qua, kết quả bỏ phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội cho biết, có 63,79% đại biểu Quốc hội không đồng tình tách thành 2 luật và 66,74% đại biểu không đồng ý thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Đáng chú ý trong phiên thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, việc tách thành 2 luật thì Luật Giao thông đường bộ sẽ không bao quát hết các vấn đề của đường bộ. Điều này cũng sẽ xảy ra với Luật đảm bảo trật tự, ATGT.

Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc đảm bảo trật tự, ATGT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, mọi cấp, mọi ngành. Công tác đảm bảo trật tự, ATGT đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp đa cấp, đa ngành. Ủy ban ATGT Quốc gia là đầu mối phối hợp các ngành từ GTVT, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Y tế,…

Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ và đảm bảo trật tự, ATGT là những nội dung đan xen, không thể tách rời. Vì vậy, việc tách luật sẽ không đảm bảo các mục tiêu cần thiết, thậm chí sẽ làm rối thêm những tồn tại, hạn chế thay vì đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm về bảo đảm trật tự, ATGT.

Cũng theo ông Quyền, điều quan trọng nhất là phải phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm minh. Trước thực tiễn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm là điều rất cần thiết phải đẩy mạnh.

Sẽ giảm hiệu lực

Phân tích về thực tế công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay, ông Quyền chỉ ra rằng, ngành GTVT đã quản lý 25 năm qua, đến nay đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng.

Thực tế chứng minh rằng, giấy phép lái xe của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới công nhận. Điều này minh chứng rõ nét nhất về việc hệ thống quản lý của ngành GTVT. Mặt khác, hiện nay, các quy chuẩn, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch,… đều được ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất quán chủ trương xã hội hóa, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ tương đương với các nước phát triển.  

Một trong những bất cập có thể dễ nhìn thấy khi chuyển công việc này sang Bộ Công an là sự thay đổi lớn về lực lượng quản lý công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Khi chuyển sang ngành Công an, chi phí, mức lương, chế độ chính sách cho nhân sự quản lý sẽ cao hơn dân sự. Trong khi trên thế giới, công việc này đều do dân sự quản lý.

Đặc biệt, lực lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX và lực lượng kiểm tra, kiểm soát, giám sát cần phải tách biệt để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Ngược lại, nếu gộp chung vào 1 ngành, thì sẽ làm yếu đi hiệu lực, hiệu quả của việc kiểm tra, giám sát.

A7_09637
Đại tá Đỗ Thanh Bình-Phó Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại hội nghị

Cần phân vai đúng, trách nhiệm rõ ràng

Tại hội nghị, Đại tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đưa ra nhiều ý kiến về việc cần tách nội dung đảm bảo ATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ. Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Luật  Đảm bảo trật tự, ATGT lấy mục tiêu đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, chuyên sâu hóa các yếu tố xoay quanh vấn đề ATGT như người, phương tiện, quy tắc giao thông. Đặc biệt, luật này sẽ giải quyết các bất cập thực tế hiện hữu. Tuy nhiên, việc tách luật sẽ cần tính toán trên cơ sở phân công trách nhiệm rõ ràng, phân vai đúng.

Trong khi đó, Đại tá Đỗ Thanh Bình nhìn nhận, Luật Giao thông đường bộ sẽ có mục tiêu cơ bản là phát triển hệ thống đường bộ, các thiết chế đáp ứng yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ theo yêu cầu thực tế của thời đại mới.

Trong vấn đề đào tạo, sát hạch lái xe, dự thảo của ngành Công an kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và chưa bao giờ đề xuất xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng. Thay vào đó là nhấn mạnh việc xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe mạnh mẽ hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận